(Tin kinh te)
Thoát được nguy cơ thua lỗ trong năm 2014 nhưng sang đến năm 2015, CTCP Vận tải biển Việt Nam (mã VOS) lại trở lại với kết quả kinh doanh còn bết bát hơn. Tuy nhiên, điều đáng nói là, lãnh đạo của VOS, những người đã và đang lèo lái con thuyền doanh nghiệp vẫn nhận về mức thu nhập cao bất chấp lỗ nặng.
Kể từ lúc lên sàn, năm 2015 có lẽ là năm thua lỗ kỷ lục nhất của VOS, với con số thua lỗ lên tới 296 tỷ đồng.
Kết quả này đã nâng con số thua lỗ lũy kế lên 443 tỷ đồng, kéo vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp khủng một thời ngành vận tải biển về chỉ còn gần 1.000 tỷ đồng.
Chỉ số vận tải biển (BDI) tiếp tục phá đáy trong quý I/2016.
Tất nhiên, kết quả này có phần rất lớn từ tình hình thị trường vận tải biển thế giới khi mà chỉ số BDI từ 1.000 điểm trong quý III/2015 đã liên tục giảm đến cuối tháng 12, phá đáy 2 lần đạt mức thấp nhất trong vòng 30 năm trở lại đây.
Với kết quả kinh doanh như vậy, thật dễ hiểu cho diễn biến giá cổ phiếu VOS trong những năm vừa qua.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, không phải là việc doanh nghiệp thua lỗ mà là ý thức và trách nhiệm của người lèo lái con tàu VOS trong hoàn cảnh sóng gió của thị trường vận tải biển.
Điều này được thể hiện rất rõ qua thu nhập bao gồm cả lương, thưởng và thu lao của lãnh đạo và thành viên HĐQT của VOS.
Theo thống kê của BizLIVE 2013, 2014, 2015, chưa tính đến thù lao, VOS luôn duy trì lương thưởng cho ban điều hành trên 4 tỷ đồng/năm.
Những lãnh đạo cao cấp như Tổng Giám đốc, các Phó tổng vẫn nhận về 700-800 triệu đồng trong đó cao nhất là ông Cao Minh Tuấn. Vị Tổng Giám đốc của VOS trong năm 2014 đã nhận về 753 tỷ đồng còn năm 2015 là 880 triệu đồng.
Thu nhập của lãnh đạo và thành viên HĐQT năm 2015.
Bên cạnh đó, cũng cần phải kể đến cựu chủ tịch của VOS, ông Vũ Hữu Chinh. Trong những năm 2013, 2014, thời gian ông này còn tại vị, ông này đã có lúc nhận về 919,2 triệu đồng và 825 triệu đồng.
Như vậy, dù thoát lỗ hay lỗ kỷ lục thì thu nhập các lãnh đạo vẫn được nhận lương cao và ổn định.
Cần lưu ý là năm 2015 dù cho VOS thua lỗ kỷ lục cũng là lúc chi phí quản lý doanh nghiệp của công ty này tăng cao nhất từ trước đến nay, đạt 70,7 tỷ đồng.
Với cơ cấu cổ đông hiện tại, Vinalines (nắm 51% cổ phần) chính là cổ đông phải chịu thiệt hại nhất từ việc thua lỗ và cơ chế thù lao, lương thưởng dễ dãi của VOS.
Nhưng hiện doanh nghiệp này vẫn quá bận tậm đến quá trình tái cơ cấu và chưa được cởi trói khỏi cơ chế nhà nước.
Vì vậy, những nhà đầu tư cá nhân hay hoặc các tổ chức như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), quỹ Mutual Fund Elite... cần có sự phản biện mạnh mẽ trước những tồn tại liên quan đến thu nhập và trách nhiệm của thuyền trưởng và cả tổ lái con thuyền VOS.
MAI HƯƠNG
Theo Bizlive