Alibaba được coi là cứu tinh trong thời điểm Lazada cạn tiền mặt, trong khi thương vụ này cũng giúp đại gia Trung Quốc mở rộng hoạt động và đưa các công ty nước này tiếp cận Đông Nam Á.
Hành trình chinh phục nông thôn của thương mại điện tử Trung Quốc
- Cập nhật : 13/04/2016
(Tin kinh te)
Liệu việc tiến vào nông thôn sẽ là cuộc cách mạng tiếp theo không chỉ của thương mại điện tử mà còn của cả ngành bán lẻ Trung Quốc?
Tại làng Tuguan ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, nơi có 170 gia đình dân tộc thiểu số người Bạch đang sinh sống, cảnh vật xem ra vẫn không thay đổi gì so với vài chục năm về trước. Vẫn chỉ có một con đường đất gồ ghề đi xuyên qua làng, với hai bên là những cánh đồng trồng nho và me, xen lẫn những căn nhà xây theo kiểu truyền thống của người Bạch.
Tuy nhiên, tại một cửa hàng ở giữa làng, một nhóm nông dân đang đứng tụ tập bên một dàn máy tính và màn hình mới cáu cạnh, nhằm tìm mua hàng loạt mặt hàng với giá cả đầy hấp dẫn trên trang thương mại điện tử Alibaba. Có lẽ là không có một hình ảnh nào khác mang tính tiêu biểu hơn cho cuộc cách mạng sắp tới trong ngành bán lẻ Trung Quốc như hình ảnh này.
Trong thời gian gần đây, sau một loạt những biến động lớn trong các ngành tài chính và sản xuất dẫn tới sụt giảm tăng trưởng, giới lãnh đạo và doanh nghiệp Trung Quốc đã phải suy nghĩ lại về mô hình kinh tế của nước này. Một trong những yếu tố mấu chốt trong việc thay đổi cơ cấu kinh tế Trung Quốc chính là việc kích thích tiêu dùng của các hộ gia đình, vốn chỉ mới chiếm có 30% GDP, so với mức 70% của Mỹ và mức bình quân của thế giới là 60%.
Và để kích thích tiêu dùng, không thể không tính đến các vùng nông thôn Trung Quốc, nơi vẫn còn chiếm tới phân nửa dân số, tương đương gần 700 triệu người. Tại đây, nhu cầu tiêu dùng của người dân không phải là thấp, nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm và tiếp cận hàng hóa. Nhưng cũng chính nhờ đó mà thương mại điện tử sẽ có ưu thế hơn rất nhiều so với ngành bán lẻ truyền thống, do không cần phải duy trì những hệ thống cửa hàng và kho lưu trữ lớn, và bất kỳ ai có máy tính hay điện thoại thông minh là đã có thể bắt đầu mua sắm.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các công ty thương mại điện tử lớn của Trung Quốc như Alibaba và JD.com đang tìm cách tiến ra vùng nông thôn. Hồi tháng 10 năm ngoái, Alibaba đã tuyên bố sẽ đầu tư 10 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 1,6 tỷ USD) để mở rộng tầm hoạt động ra 100.000 ngôi làng trên khắp Trung Quốc trong vòng 3-5 năm. Trong khi đó, đối thủ JD.com thì tuyên bố rằng họ đã có tầm phủ sóng tới 46.000 ngôi làng, và sẽ đưa con số này lên 100.000 vào cuối năm nay. Được biết, hiện tại 2 công ty này đang cùng nhau chia sẻ tới 80% thị phần ngành thương mại điện tử Trung Quốc, vốn có tổng giá trị giao dịch lên tới 440 tỷ USD.
Tổng giá trị giao dịch trên Alibaba (cột màu xanh) được dự kiến đạt 673 tỷ NDT, tương đương 105 tỷ USD, trong quý I/2016. Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng (đường màu xanh nhạt) đã không còn nhanh như trước nữa - Ảnh: WSJ
Hiện nay, có tới 75% người dân các thành phố lớn của Trung Quốc đang sử dụng internet, nhưng tại các vùng nông thôn thì tỷ lệ này mới chỉ dừng ở mức khoảng 20%. Mặc dù vậy, theo khảo sát của McKinsey Digital thì hóa ra người dân nông thôn cũng không thua kém người thành thị bao nhiêu về nhu cầu sử dụng thương mại điện tử: có tới 66% số người dùng internet ở nông thôn đã từng mua sắm online, so với con số 72% ở thành thị. Còn theo số liệu từ Trung tâm thông tin Internet Trung Quốc (CNNIC), số người sử dụng thương mại điện tử ở nông thôn trong năm 2014 đã tăng 40,6% so với 2013, đạt mức 77,14 triệu người.
Nhân tố cốt lõi trong chiến lược chinh phục nông thôn của Alibaba chính là việc xây dựng những cửa hàng Taobao tại các làng và thị trấn. Đây là nơi người dân có thể tới và học cách sử dụng máy tính để đặt hàng và thanh toán hóa đơn trực tuyến, cũng như nhận các món hàng đã đặt mua.
Ông Yu Xianghai, trưởng bộ phận thương mại điện tử nông thôn của Alibaba, cho biết: “Chúng tôi đã có kế hoạch mở rộng hoạt động ra các vùng nông thôn từ rất lâu, và đây chính là cách để tạo dựng thói quen mua sắm online cho người dân”.
Tại làng Tuguan, thương mại điện tử đã bắt đầu mang lại những thay đổi rõ rệt cho cuộc sống người nông dân. Chỉ trong vòng chưa tới 2 tháng sau khi Alibaba mở trung tâm Taobao ở Tuguan, một dân làng là ông Zhang Yibin đã chi ra tới hàng ngàn USD tại đây để mua một bộ quạt, một máy phun thuốc sâu và một chiếc xe ba bánh. Ông nhận xét: “Khi mua sắm online, không những tôi tìm được giá rẻ hơn và có nhiều lựa chọn hơn, mà mọi thứ còn tiện lợi hơn rất nhiều nữa”.
Ông Xu Dongzhu, trưởng phòng nông nghiệp địa phương, đã cử ra 3 nhân viên của mình để giúp đỡ Alibaba tiếp tục phát triển mạng lưới tại đây. Ông cho biết: “Các nông dân trong vùng đã khấm khá hơn và muốn mua sắm thêm nhiều thứ. Sau này, mọi người còn có thể bán nông sản trên Alibaba, từ đó cải thiện thu nhập và mang lại sự thịnh vượng cho tất cả”. Ông Yibin thì hy vọng rằng mai đây ông có thể dùng Alibaba để bán nho của mình trồng cho tất cả mọi người Trung Quốc. Theo ước tính từ bộ phận nghiên cứu của Alibaba, chỉ trong năm 2014 các hoạt động buôn bán qua thương mại điện tử đã tạo ra thêm 280.000 việc làm tại các vùng nông thôn của Trung Quốc.
Trong khi đó, tại vùng nông thôn ở Đông Bắc Trung Quốc, một người giao hàng cho Alibaba là Pang Weidong cho biết mỗi ngày ông thường đi giao tới 200 gói hàng. Một người khách nhận hàng của Pang cho biết anh đã đặt hàng trên Alibaba vì nó quá tiện lợi so với việc bỏ ra 40 phút để đi ra cửa hàng ngoài thị trấn. Alibaba đã cho biết họ sẽ bảo đảm cho thời gian giao hàng tới các khu vực xa xôi nhất cũng không vượt quá 1 ngày so với thời gian giao hàng đến thị trấn gần nhất. JD.com thì còn mạnh dạn hứa hẹn sẽ giao hàng trong vòng 1-3 ngày.
Để đạt được tần suất và thời gian giao hàng như trên tại những khu vực mà cơ sở hạ tầng còn rất nhiều hạn chế, các công ty thương mại điện tử đã nghĩ ra nhiều giải pháp khác nhau. Alibaba thì xây dựng các trung tâm Taobao để người dân xung quanh có thể tới nhận hàng, trong khi JD.com thì lại lựa chọn một phương pháp táo bạo là mở một quỹ tín dụng. Theo đó, người dân địa phương có thể vay những khoản tiền nhỏ từ JD.com để tự xây dựng và phát triển mạng lưới giao hàng riêng của họ. Trong vòng 6 tháng sau khi chương trình này đi vào hoạt động từ tháng 6/2014, đã có tới 200 điểm phân phối mới của JD.com được mở theo hình thức này.
Cho tới nay, nhiều người vẫn tỏ ra nghi ngại rằng liệu đầu tư vào thương mại điện tử cho vùng nông thôn Trung Quốc có phải là lựa chọn đúng đắn, và cho rằng tình hình tăng trưởng sẽ khó mà đạt được như mong đợi. Tuy nhiên, ông chủ Jack Ma của Alibaba xem ra đang không hề lo lắng về điều này.
Trái lại, sau thành công vang dội của ngày hội độc thân 11-11 vừa qua với kỷ lục thu về 1 tỷ USD chỉ trong vòng 8 phút sau khi mở bán, giờ đây Jack Ma đang có ý định mở ra một ngày khuyến mãi đặc biệt dành cho người dân nông thôn. Trong một bức thư gửi các cổ đông hồi đầu tháng 10, ông đã tuyên bố: “Chúng tôi đang chứng kiến những thay đổi vĩ đại ở vùng nông thôn Trung Quốc, và khuyến khích các cổ đông hãy đến đó để tận mắt chứng kiến sự thay đổi ấy”.
Tuấn Minh
(Theo Nhịp Cầu Đầu Tư)