Thông tin The KAfe đóng cửa làm xôn xao giới startup Việt. Xôn xao cũng như thời điểm mà The KAfe nhận khoản đầu tư 5,5 triệu đô. Mọi thứ thật chóng vánh.
Mai Hữu Tín có giải cứu được Gỗ Trường Thành?
- Cập nhật : 24/04/2017
Sau khi giảm tới 76% doanh thu trong năm 2016, triển vọng kinh doanh trong các năm tới cũng chưa có gì sáng sủa cho Gỗ Trường Thành.
Cái tên U&I Investment tiếp tục trở thành cứu tinh của các doanh nghiệp khốn khó. Mới đây, một thành viên của tập đoàn này là Xây dựng U&I đã mua lại 20% cổ phần Gỗ Trường Thành khi nhận chuyển nhượng từ Tân Liên Phát. Ngay sau đó, Mai Hữu Tín, Chủ tịch U&I Investment đã trở thành CEO mới của Gỗ Trường Thành với sứ mệnh vực dậy doanh nghiệp đang chìm trong khủng hoảng.
Tất nhiên, thương vụ này sẽ cần thêm thời gian để chứng minh. Thực tế, U&I Investment từng tham gia vào khá nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn để tái cấu trúc. Chẳng hạn, U&I từng đầu tư vào Giấy Sài Gòn vào năm 2013 khi nhận chuyển nhượng lại 33,81% từ cổ đông Nhật Daio Paper, đồng thời góp thêm vốn để nâng tỉ lệ sở hữu lên 42,3%. Nhờ trợ lực từ U&I, Giấy Sài Gòn đã dần vượt qua khó khăn và phục hồi kể từ năm 2015.
Việc đang là cổ đông lớn của Giấy Sài Gòn và thương vụ Gỗ Trường Thành lần này có thể phần nào phản ánh chiến lược đầu tư, hoàn thiện chuỗi sản xuất và kinh doanh của Mai Hữu Tín trong ngành gỗ và nội thất. Bởi lẽ, ngoài Giấy Sài Gòn, U&I còn đang đầu tư vào doanh nghiệp sản xuất gỗ nhân tạo MDF Việt Nam cũng như công ty sản xuất kinh doanh Toàn Mỹ - doanh nghiệp sản xuất bồn nước và nội thất nhà bếp khá nổi tiếng.
U&I vừa mua lại 20% cổ phần của Gỗ Trường Thành khi nhận chuyển nhượng từ Tân Liên Phát. Ảnh: cafef.vn
U&I được thành lập vào năm 1998 với số vốn ban đầu chỉ 200 triệu đồng. Đến nay, tổng số công ty thành viên của tập đoàn này đã lên tới hơn 30 công ty, hoạt động trên nhiều lĩnh vực từ kinh doanh bất động sản, xây dựng, logistics, tài chính đến các mảng “thời thượng” như bán lẻ và nông nghiệp công nghệ cao, thậm chí cả truyền thông với thương vụ đầu tư vào Công ty Cổ phần Truyền thông Trí Việt - đơn vị sản xuất nội dung cho kênh giải trí thiếu nhi HTV3.
Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, U&I đang sở hữu 500ha diện tích đất tại Bình Dương với công nghệ được chuyển giao từ Israel. Sản phẩm của Công ty gồm nhiều loại như dưa lưới, đậu bắp, ớt... đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và xuất khẩu sang các quốc gia khác, trong đó có Nhật và Hàn Quốc...
Trên lĩnh vực tài chính, cánh tay nối dài của U&I chính là cái tên HVCapital. Theo đó, HVCapital đang là cổ đông lớn tại Ngân hàng Kienlongbank, nơi Mai Hữu Tín đang giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị.
Không chỉ vậy, HVCapital từng được xem là chiếc phao cứu sinh cho bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức, ông chủ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) khi vào năm 2014, công ty này đã chi ra hơn 1.000 tỉ đồng để sở hữu 12,66% cổ phần của Công ty Đầu tư Xây dựng và Phát triển Nhà Hoàng Anh (thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) và giúp cho bầu Đức ghi nhận doanh thu tài chính 750 tỉ đồng.
Mặc dù vậy, khác với thương vụ đầu tư vào Giấy Sài Gòn, có vẻ như Mai Hữu Tín chưa thật sự “mát tay” với hai thương vụ Kienlongbank và Hoàng Anh Gia Lai. Trong khi công ty của bầu Đức vẫn còn ngập trong khó khăn thì Kienlongbank bất ngờ ghi nhận khoản lỗ ròng 27 tỉ đồng trong quý III/2016, đồng thời tỉ lệ nợ xấu cũng gia tăng đáng kể.
Điều này cho thấy công việc giải cứu các tài sản xấu không phải là chuyện dễ, nhất là đối với những người không chuyên và chỉ đơn thuần tìm kiếm lợi nhuận tài chính. Thị trường tài chính Việt Nam từng chứng khiến một số công ty holding có mô hình hoạt động giống như U&I chuyên đi thâu tóm các doanh nghiệp đang có vấn đề nhưng hiệu quả mang lại chưa thực sự đúng như kỳ vọng.
Đơn cử như trường hợp của Tập đoàn FIT khi đầu tư vào Công ty Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (TSC). Từ một doanh nghiệp hoạt động tương đối khá trong 2 năm 2014-2015, kết quả kinh doanh của TSC ngày càng đi xuống. Lợi nhuận ròng năm 2016 của công ty này chỉ đạt vỏn vẹn 1,7 tỉ đồng. Đó cũng là trường hợp của Bamboo Capital khi từng đầu tư vào một số doanh nghiệp lớn như Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai, hay Công ty Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi).
Đáng chú ý là để có tiền giải ngân, các công ty như FIT, Bamboo Capital đã không ngừng phát hành một lượng lớn cổ phiếu cho các nhà đầu tư bên ngoài chỉ trong thời gian ngắn, tạo ra nguy cơ pha loãng cổ phiếu khi lợi nhuận mang lại không tương xứng với quy mô vốn. Lợi nhuận ròng năm 2016 của FIT chỉ đạt 143 tỉ đồng, tương ứng ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) ở mức 3,84%. Tại Bamboo Capital, ROE năm 2016 cũng đạt con số cực kỳ khiêm tốn 2,11%.
Hãy quay trở lại với bài toán Gỗ Trường Thành của Mai Hữu Tín. Năm 2016, Gỗ Trường Thành chỉ đạt doanh thu 643 tỉ đồng, giảm tới 76% so với năm trước, trong khi khoản lỗ khủng mà Công ty phải gánh lên đến 1.295 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ phải trả trên tổng nguồn vốn hiện rất cao, lên đến 96%, đe dọa năng lực thanh toán của Công ty.
Đáng chú ý là triển vọng kinh doanh trong các năm tới cũng chưa có gì sáng sủa cho Gỗ Trường Thành. Ngành gỗ và nội thất của Việt Nam đã trải qua một năm 2016 khá nhạt nhẽo khi kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 7 tỉ USD, tăng chỉ 1,1%. Lý do được đưa ra là nhu cầu tại các thị trường chính như Trung Quốc, EU, Mỹ đều tăng trưởng chậm lại trong khi sức ép cạnh tranh với các quốc gia khác ngày càng gia tăng.
Thậm chí ngay cả thị trường tiêu thụ trong nước cũng đối mặt với khó khăn bởi chi phí gia tăng cũng như đối mặt với nguy cơ thiếu nguồn nguyên liệu khi Chính phủ Lào trong năm ngoái đã cấm xuất khẩu nguyên liệu gỗ.
Nguyễn Sơn
Theo nhipcaudautu.vn