Tăng trưởng thương mại toàn cầu chậm lại do đà phục hồi của kinh tế châu Âu chậm lại, kinh tế Trung Quốc giảm tốc và kinh tế thế giới đang dịch chuyển cơ cấu.
Trốn thuế thương mại điện tử: Nhận diện các hành vi và giải pháp xử lý
- Cập nhật : 01/09/2015
(Chinh sach thue)
Trốn thuế có thể được hiểu là hành vi không hợp pháp có chủ định hoặc là hành vi liên quan trực tiếp đến việc vi phạm các quy định của luật thuế để không phải nộp thuế. Về cơ bản, các doanh nghiệp hoặc cá nhân kinh doanh thương mại điện tử cũng có các động cơ và hành vi trốn thuế tương tự như hình thức kinh doanh thương mại truyền thống.
Về cơ bản, các doanh nghiệp hoặc cá nhân kinh doanh thương mại điện tử cũng có các động cơ và hành vi trốn thuế tương tự như hình thức kinh doanh thương mại truyền thống. Nguồn: internet
Thương mại điện tử và quyền đánh thuế thương mại điện tử
Sự phát triển của công nghệ thông tin đã kéo theo sự phát triển nhanh chóng của các hình thức thương mại điện tử (TMĐT). Các giao dịch TMĐT có thể được thực hiện giữa doanh nghiệp (DN) với DN; giữa DN với các cá nhân; giữa các cá nhân với nhau hoặc giữa DN với Chính phủ và giữa Chính phủ với các cá nhân. Với bất kỳ giao dịch nào, nội dung chính trong kinh doanh TMĐT vẫn là hàng hóa và dịch vụ, bao gồm: tài sản hữu hình và tài sản vô hình hoặc các dịch vụ…
TMĐT bỏ qua và thậm chí phá hủy mọi khái niệm về biên giới. Vì vậy, việc đánh thuế đối với TMĐT phải tuân thủ theo các nguyên tắc thuế quốc tế mà cơ bản nhất là các nguyên tắc nguồn phát sinh thu nhập hoặc cư trú và nguyên tắc điểm đến hoặc xuất xứ. Nguyên tắc nguồn phát sinh thu nhập, thường áp dụng khi xác định nghĩa vụ thuế thu nhập, quy định thu nhập phát sinh ở nước nào sẽ phải nộp thuế ở nước đó. Ngược lại, nếu theo nguyên tắc cư trú - một tổ chức/cá nhân được coi là cư trú ở nước nào thì sẽ phải nộp thuế tại nước đó dựa trên thu nhập phát sinh trên toàn cầu. Đồng thời, với các hình thức thuế gián thu (giá trị gia tăng, thuế hàng hóa đặc biệt, thuế nhập khẩu) – nguyên tắc điểm đến là cơ sở để một quốc gia thực hiện quyền thu thuế của mình. Nguyên tắc điểm đến quy định hàng hóa được tiêu dùng ở đâu thì được đánh thuế ở đó, ngược lại, trong nguyên tắc xuất xứ, hàng hóa sẽ bị đánh thuế tại nơi mà nó được sản xuất.
Với các nguyên tắc đánh thuế nêu trên và theo quy định của pháp luật thuế Việt Nam, cá nhân hoặc DN kinh doanh TMĐT sẽ phải nộp thuế thu nhập (đối với phần thu nhập phát sinh tại Việt Nam – nếu không cư trú, hoặc thu nhập phát sinh toàn cầu nếu là cá nhân cư trú) và người tiêu dùng sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu (nếu có) đối với hàng hóa tiêu dùng. Việc kê khai và nộp các loại thuế gián thu sẽ do cá nhân người nhập khẩu thực hiện (nếu là hàng hóa nhập khẩu) hoặc người bán hàng thực hiện trong trường hợp DN/cá nhân bán hàng trong nước.
Đối với quyền đánh thuế trong TMĐT, theo tính chất kỹ thuật của internet, rất khó xác định chính xác địa điểm kinh doanh mà các DN kinh doanh TMĐT sử dụng. Ngoài ra, do việc thành lập và chuyển nhượng DN được thực hiện rất dễ dàng trong TMĐT, cơ quan thuế gặp nhiều khó khăn trong việc xác định danh tính và nước cư trú của người nộp thuế.
Bên cạnh các vấn đề trên, với các giao dịch hàng hóa hữu hình trong TMĐT quốc tế do vẫn phải được thực hiện thông qua cơ quan hải quan nên việc thu thuế nhập khẩu hay GTGT là khá dễ dàng và có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, trong trường hợp xuất, nhập khẩu các hàng hóa dịch vụ trực tuyến mà không thông qua sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan hải quan (như phim ảnh, bài hát, các phần mềm…), cơ quan thuế sẽ rất khó phát hiện nguồn phát sinh thu nhập và gây ra xung đột lợi ích giữa các nước chịu tác động trong việc thực hiện quyền đánh thuế.
Các hình thức kinh doanh thương mại điện tử và hành vi trốn thuế phổ biến
Các hình thức kinh doanh thương mại điện tử phổ biến ở Việt Nam
- Bán lẻ hàng hóa qua hệ thống cửa hàng trực tuyến: Với hình thức này, người mua truy cập vào trang chủ mua bán tìm kiếm hàng hoá sau đó gửi thư điện tử (mail) để đặt hàng. Sau khi nhận được thư đặt hàng, bên bán sẽ kiểm tra yêu cầu xác nhận việc mua hàng và thoả thuận phương thức thanh toán. Khi yêu cầu thanh toán được chấp nhận, người bán sẽ chuyển hàng cho người mua. Việc thanh toán có thể bằng phương thức trả tiền mặt hoặc chuyển khoản qua ngân hàng.
- Kinh doanh sàn giao dịch TMĐT theo hình thức mua theo nhóm: Trong hình thức này, DN kinh doanh sàn giao dịch TMĐT đóng vai trò trung gian, là nơi kết nối giữa DN bán hàng, cung cấp dịch vụ và người mua hàng thông qua việc đăng tải sản phẩm lên sàn giao dịch TMĐT. Khách hàng có thể nhận hàng tại DN trung gian hoặc DN bán sản phẩm.
- Quảng cáo trực tuyến, qua các banner đính trên trang điện tử (website): Hình thức quảng cáo qua banner là loại hình kinh doanh TMĐT mà bên sử dụng dịch vụ quảng cáo trả phí để đặt các banner quảng cáo sản phẩm trên trang web của bên cung cấp dịch vụ quảng cáo (ví dụ: quảng cáo trên các trang báo điện tử). Với những hình thức quảng cáo này, thu nhập phát sinh ở Việt Nam nhưng nhà cung cấp có thể ở ngoài Việt Nam, vì vậy, việc kê khai, nộp thuế tuân thủ theo quy định về thuế nhà thầu.
Bán gian hàng trực tuyến theo mô hình đa cấp: Hình thức này, công ty sẽ cấp một tài khoản cho thành viên trên website của công ty, mỗi thành viên có thể mua bán trong gian hàng ảo đó. Theo quy định của Pháp luật thuế GTGT, TNDN, các DN kinh doanh theo mô hình này phải thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT và TNDN đối với doanh thu thu được từ bán gian hàng ảo. Các cá nhân mua gian hàng ảo cũng phải kê khai, nộp thuế GTGT và TNCN khi phát sinh doanh thu bán hàng.
- Trò chơi trực tuyến/các sản phẩm trực tuyến: Với các trò chơi trực tuyến, người chơi phải đăng ký thành viên (mất phí hoặc miễn phí ban đầu), mua đồ, nâng cấp vật dụng sử dụng trong trò chơi thông qua việc nạp tiền thật (bằng thẻ cào điện thoại) để mua tiền ảo, và sử dụng tiền ảo để nâng cấp, mua bán. Ngoài ra, người chơi có thể thực hiện các giao dịch bán tài sản ảo kiếm được trong game cho người chơi khác để thu tiền thật. Nhà cung cấp các trò chơi có thể là một DN sản xuất phần mềm hoặc cá nhân. Thu nhập phát sinh thông qua việc thu phí thành viên và bán các tài sản hoặc do cá nhân là người chơi mua bán tài sản ảo kiếm được trong trò chơi cho người khác là đối tượng chịu thuế GTGT, TNDN, TNCN. Việc kinh doanh các sản phẩm trực tuyến như phim, bài hát, sách trực tuyến… cũng phát sinh thu nhập. Tuy nhiên, đây là thu nhập từ tiền bản quyền hay thu nhập từ kinh doanh các sản phẩm số hóa cũng là một vấn đề cần cân nhắc.
- Đấu giá trực tuyến: Người tham gia mua bán và đấu giá phải thực hiện đăng ký làm thành viên và được quyền trưng bày dữ liệu về hàng hoá lên trang đấu giá trực tuyến. Thực chất, hoạt động đấu giá trực tuyến là hình thức bán hàng qua mạng, do vậy, thu nhập phát sinh thông qua việc thu phí thành viên và thu nhập từ việc bán hàng đều là đối tượng chịu thuế GTGT, TNDN và TNCN.
Các hành vi trốn thuế trong thương mại điện tử
Với bản chất của TMĐT là không có trụ sở giao dịch, không thực hiện giao dịch trên giấy và một số hàng hóa thực hiện trao đổi trong giao dịch là các hàng hóa vô hình (như các sản phẩm số), nên các giao dịch trong TMĐT là rất khó kiểm soát, vì vậy, các hành vi trốn thuế xảy ra thường xuyên và phổ biến hơn. Có hai nhóm hành vi trốn thuế TMĐT phổ biến, đó là:
Thứ nhất, không đăng ký kinh doanh/đăng ký nộp thuế. Theo quy định, công ty có cơ sở thường trú tại Viêt Nam phải đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế như công ty thường trú tại Việt Nam. Tuy nhiên, TMĐT không đòi hỏi phải thành lập bất kỳ cơ sở kinh doanh nào để thực hiện các hoạt động kinh doanh, giao dịch mà tất cả các bước giao dịch, ký hợp đồng, giao hàng, chuyển tiền… đều được thực hiện và xử lý thông qua hệ thống máy tính. Bên cạnh đó, việc xác định một DN/cá nhân có phải là thường trú tại Việt Nam hay không là hết sức khó khăn. Vì vậy, các công ty kinh doanh TMĐT dễ dàng phớt lờ cơ quan thuế, không thực hiện đăng ký kinh doanh cũng như đăng ký thuế. Tình trạng này cũng phổ biến với các cá nhân kinh doanh, bán hàng qua mạng.
Thứ hai, không kê khai hoặc kê khai thấp giá trị giao dịch/thu nhập để trốn thuế. Đây là hành vi trốn thuế phổ biến và khó kiểm soát nhất trong kinh doanh TMĐT. Với mỗi hình thức kinh doanh TMĐT khác nhau sẽ phát sinh các hành vi trốn thuế khác nhau. Một số hành vi trốn thuế TMĐT chủ yếu như sau:
- Đối với các hình thức bán hàng trực tuyến, trong trường hợp người mua là DN, do tính chất các giao dịch trong TMĐT đều thực hiện qua mạng, ít các bằng chứng để đối chiếu nên người bán thường kê khai với giá trị thấp để trốn thuế GTGT và thuế TNDN. Trong trường hợp người mua hàng là cá nhân thì người bán thậm chí có thể không xuất hóa đơn, không kê khai đối với hàng hóa xuất bán.
- Đối với loại hình quảng cáo trực tuyến bằng công cụ của Google, Yahoo..., DN không kê khai đủ doanh thu hoặc kê khai doanh thu sai thuế suất thuế GTGT, không kê khai thuế nhà thầu đối với số tiền dịch vụ của các Công ty đa quốc gia như Google...phát sinh dịch vụ tại Việt Nam.
- Đối với loại hình kinh doanh thẻ điện thoại hoặc thẻ trò chơi trên mạng (game online) có các hành vi như chiết khấu thanh toán cho khách hàng không đúng đối tượng, thường xuất toàn bộ hóa đơn cho khách lẻ với tỷ lệ chiết khấu cao nhưng thực tế mua bán thông qua rất nhiều đại lý (là các cá nhân hoặc DN) để giảm doanh thu, thu nhập, đồng thời, không kê khai thuế khấu trừ thuế TNCN đối với các cá nhân không kinh doanh.
- Đối với hình thức bán sản phẩm trực tuyến (như phim ảnh, bài hát, phần mềm…): không kê khai hoặc kê khai rất thấp thu nhập nhận được.
Giải pháp xử lý các hành vi trốn thuế thương mại điện tử
Các hành vi trốn thuế trong kinh doanh TMĐT hay thương mại truyền thống đều chịu sự điều chỉnh của pháp luật về thuế chung. Vì vậy, việc xử phạt đối với các hành vi trốn thuế cũng được quy định chung, tùy thuộc vào tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi đó. Tuy nhiên, việc phát hiện và có bằng chứng để buộc tội các hành vi trốn thuế trong kinh doanh TMĐT là một vấn đề hết sức khó khăn, phức tạp. Để hạn chế tình trạng này cần tập trung vào một số vấn đề sau:
Đối với việc không đăng ký kinh doanh/đăng ký nộp thuế
Trước hết, để xác định các DN/cá nhân có kinh doanh TMĐT, cơ quan thuế cần lập ra một đội giám sát, định kỳ rà soát các website. Dựa trên thông tin liên lạc trên website, nếu cán bộ thuế phát hiện DN/cá nhân tiến hành hoạt động kinh doanh mà không đăng ký, cán bộ thuế sẽ gửi công văn hoặc cử đội kiểm tra thuế đến địa chỉ DN để nhắc nhở, yêu cầu thực hiện nghĩa vụ đăng ký kinh doanh. Nếu DN vẫn tiếp tục vi phạm nghĩa vụ đăng ký kinh doanh, cán bộ thuế sẽ tiến hành các bước tiếp theo bao gồm cả việc khởi tố. Trong trường hợp không có các thông tin liên lạc sẵn có trên website, cán bộ thuế sẽ tiến hành thu thập thông tin thông qua các cách sau:
+ Gửi thông báo tới ngân hàng có liên quan, nếu thông tin về số tài khoản ngân hàng của cá nhân/DN thể hiện trên website;
+ Tìm kiếm địa chỉ của đối tượng liên lạc trên tên miền thông qua website kiểm tra tên miền;
+ Yêu cầu các ngân hàng cung cấp các số tài khoản được sử dụng để thanh toán các giao dịch TMĐT nhằm nhận diện các nhà cung cấp dịch vụ TMĐT;
+ Thử thực hiện mua sắm để nhận email từ người bán để nhận diện;
Bên cạnh đó, cần phải có quy định yêu cầu DN khi muốn mở tài khoản tại ngân hàng phải nộp một bản sao giấy đăng ký kinh doanh nhằm phục vụ cho việc xác minh thông tin. Các quy định này đã giúp nâng cao tính tuân thủ trong đăng ký kinh doanh của các cá nhân kinh doanh không phải là pháp nhân.
Đối với các hành vi không khai báo hoặc khai báo sai giá trị giao dịch/thu nhập nhận được từ các giao dịch thương mại điện tử
Thứ nhất: cơ quan thuế cần thu thập dữ liệu, lập kho dữ liệu và phân tích các hành vi trốn thuế phổ biến trong kinh doanh TMĐT để dễ dàng trong việc nhận diện.
Trong một thị trường có tốc độ thay đổi nhanh chóng như TMĐT với những cơ chế tránh thuế đang ngày càng trở nên tinh vi như hiện nay, cần phải xây dựng hệ thống phân tích và giám sát, thu thập thông tin về xu hướng phát triển TMĐT cũng như các nguồn thu từ hoạt động này từ các cơ quan liên quan. Có thể kiểm tra khối lượng giao dịch TMĐT bằng việc thu thập các thống kê về TMĐT và các gian hàng trực tuyến.
Bằng việc thường xuyên tìm kiếm các website, thu thập và phân tích dữ liệu thuế như ngày giao dịch, đại lý giao dịch, thông tin chi tiết về giao dịch từ các tổ chức thanh toán, các nhà quản lý sàn giao dịch TMĐT, cơ quan thuế sẽ phát hiện ra các loại giao dịch, các phương thức thanh toán và dự tính được số lượng người truy cập vào các địa chỉ website thông qua việc sử dụng các công cụ phân tích, xếp hạng để phát hiện ra các nghi vấn trốn thuế. Bên cạnh việc tìm kiếm thông tin từ chính các website của DN, cơ quan thuế có thể tập trung thu thập và sử dụng dữ liệu từ các công ty giao hàng và các đại lý quảng cáo để phát hiện ra với các loại giao dịch mới, các giao dịch phổ biến, có giá trị lớn.
Ngoài việc tìm kiếm, thống kê trên các tài liệu có sẵn, ngành Thuế cần xây dựng một hệ thống dò tìm tự động trên mạng internet để thu thập thông tin từ các trang điện tử. Đây là hệ thống hoạt động hiệu quả mà Nhật Bản đã áp dụng. Hệ thống dò tìm tự động trên mạng internet cho phép người dùng tìm được tên và địa chỉ URL của các trang điện tử dựa trên các từ khóa tìm kiếm cụ thể và thu thập hình ảnh, đường dẫn và thông tin khác trên trang điện tử một cách tự động nhằm nhận diện những người nộp thuế không rõ ràng. Hệ thống này giúp nâng cao hiệu quả và giảm nguồn lực thu thập thông tin thông qua việc thực hiện các thao tác thủ công như sử dụng Yahoo, Google và các trang tìm kiếm khác.
Tất cả các thông tin đã được phân tích và tổng hợp; các mô hình kinh doanh điển hình và cơ chế hoạt động của các mô hình này; cách thức kiểm tra, các trường hợp kiểm tra cụ thể và các kỹ thuật chuyên sâu trong kiểm tra các nhà cung cấp dịch vụ TMĐT cần được đưa vào cổng thông tin trên mạng nội bộ ngành thuế để chia sẻ thông tin và nâng cao kỹ năng nhận diện các hành vi trốn thuế phổ biến cho cán bộ thuế.
Thứ hai, kiểm tra, đối chiếu, để phát hiện và tập hợp các bằng chứng của các hành vi trốn thuế.
- Cơ quan thuế cần thường xuyên thu thập dữ liệu về hoạt động mua bán của những người bán hàng trực tuyến từ sàn giao dịch TMĐT và đối chiếu, kiểm tra với nội dung tờ khai thuế của người nộp thuế.
- Kiểm tra việc khai sai doanh thu khi thanh toán bằng tài khoản ngân hàng bằng cách kiểm tra số tài khoản được công bố trên trang điện tử hoặc thực hiện một đơn đặt hàng giả và sau đó tiến hành xác minh giao dịch tài chính, cơ quan thuế có thể xác định được liệu doanh thu có kê khai sai hay không.
- Nhận biết doanh thu, thu nhập của DN/cá nhân kinh doanh TMĐT bằng các biện pháp như: (1) so sánh dữ liệu về doanh thu của công ty cần kiểm tra với dữ liệu của công ty giao hàng; (2) Đối chiếu, so sánh bảng kê tổng hợp giá trị mua hàng của người nộp thuế với với bảng kê tổng hợp dữ liệu doanh số của các nhà cung cấp (dữ liệu tổng hợp doanh số bán hàng…); (3) Đối chiếu, so sánh bảng kê tổng hợp giá trị nhập khẩu của người nộp thuế với bảng tổng hợp giá trị nhập khẩu của cơ quan Hải quan; (4) Đối chiếu, so sánh bảng kê tổng hợp mua hàng của người nộp thuế với bảng tổng hợp về tình hình nộp thuế đối với các khoản thuế khấu trừ tại nguồn; (5) Đối chiếu, so sánh bảng kê thuế khấu trừ tại nguồn do người nộp thuế kê khai với bảng tổng hợp doanh số bán hàng do người nộp thuế thu nhập cá nhân đã kê khai.
- Sử dụng dữ liệu phân tích khách hàng: Các DN TMĐT xây dựng cơ sở dữ liệu về tất cả các giao dịch, sử dụng thông tin cá nhân về khách hàng như giới tính, tuổi tác, địa chỉ, thông tin về số lượng, lịch sử mua hàng và khuynh hướng mua hàng như dữ liệu tiếp thị và các khoản thưởng cho khách hàng dựa trên số lượt mua sắm. Vì vậy, có thể sử dụng điểm thưởng và giá chiết khấu làm cơ sở dữ liệu tính thuế. Ngoài ra, có thể kiểm tra việc tặng quà trong các sự kiện để kiểm tra xem liệu việc thống kê số lần tổ chức sự kiện có kê khai sai hay không hoặc kiểm tra chi phí giải trí liên quan.
- Sử dụng dữ liệu trên Máy chủ (Database Server): Hầu hết các DN TMĐT đều có máy chủ lưu trữ cơ sở dữ liệu nhằm kết nối giữa thông tin về hàng hóa tồn kho và lượng hàng hóa tiêu thụ thông qua việc sử dụng cơ sở dữ liệu trực tuyến và quản lý cơ sở dữ liệu. Toàn bộ cơ sở dữ liệu tính thuế gồm thông tin về người sử dụng TMĐT, lịch sử mua hàng và thông tin thanh toán như thẻ tín dụng, chi tiết về hàng tồn kho và việc giao hàng được tích hợp và quản lý bởi máy chủ, do đó cơ quan thuế cần kiểm tra dữ liệu trên máy chủ của người nộp thuế.
Để thực hiện các biện pháp nêu trên, điều kiện hết sức cần thiết là phải có đội ngũ cán bộ thuế đủ trình độ. Vì vậy, cần có chiến lược đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý thuế đối với lĩnh vực TMĐT. Phải chú trọng vào việc đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực phục hồi bằng chứng dữ liệu thu thập từ máy tính và thu thập các bằng chứng kỹ thuật số. Ngoài ra, cũng cần phải có những khóa học đặc biệt về kỹ thuật điều tra tội phạm máy tính, trang bị kiến thức về Luật Sở hữu trí tuệ, bản quyền đối với tội phạm liên quan đến máy tính, kỹ năng sử dụng công cụ internet để tìm kiếm thông tin và sử dụng kỹ thuật mạng xã hội cho các cán bộ thanh tra thuế trong lĩnh vực kinh doanh TMĐT để có thể đối mặt với những hình thức trốn thuế ngày càng tinh vi, phức tạp và ngày càng trở nên phổ biến trên toàn cầu trong kinh doanh TMĐT.
Tài liệu tham khảo
1. Dale Pinto, Taxation issue in a world of e- Commerce, Jounal of Australian Taxation, 1999;
2. Nguyen Xuan Hien, Brave new world: Taxing e-commerce transactions in Vietnam, 2013;
3. Báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra đối với các DN kinh doanh theo phương thức TMĐT. Nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2014, Tổng cục Thuế, 2013;
4. Đề tài NCKH “Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT – Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam”, Tổng cục Thuế, 2013.