Theo Wall Street Journal, nếu thương vụ thành công, ông chủ Tân Hiệp Phát có thể thu về tới 2 tỷ USD.
Thị trường bán lẻ Việt Nam nhìn từ câu chuyện “Bó đũa”
- Cập nhật : 23/04/2016
(Tin kinh te)
Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng các nhà bán lẻ, các nhà sản xuất nội địa nếu không sát bên nhau như một bó đũa, sẽ dễ dàng bị bẻ gãy bởi các siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, nhà bán lẻ lớn thứ 4 của Pháp là SuperAuchan cũng đã hợp tác với RH Group (thành viên Tập đoàn C.T Group) thay thương hiệu siêu thị S.Mart thành Simply Mart và phát triển thêm 3 siêu thị với thương hiệu này.
Dự kiến, họ sẽ phát triển thêm 15 siêu thị nữa tại Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời bắt tay làm đối tác chiến lược với Tập đoàn hóa dầu quân đội MIPEC tại miền Bắc và siêu thị đầu tiên của liên doanh này dự kiến sẽ hoạt động vào cuối năm 2016.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, các nhà bán lẻ nước ngoài hiện có hơn 100 trong tổng số hơn 800 siêu thị, trung tâm thương mại trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, hoạt động của khu vực đầu tư nước ngoài này hiện đã chiếm tới 40% tổng doanh thu của toàn hệ thống bán lẻ.
Đây là những thông tin khiến các chuyên gia nghiên cứu thị trường lo ngại về sự lấn sân của các nhà bán lẻ nước ngoài và dần dà, dấu ấn của các sản phẩm hàng hóa Việt Nam, các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước sẽ ngày càng mờ nhạt trên thị trường bán lẻ nội địa.
Trước thực tế thị phần của các nhà sản xuất trong nước, cũng như vị trí của các sản phẩm hàng hóa Việt Nam đang có xu hướng thu hẹp dần trên các kệ hàng tại nhiều điểm siêu thị, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, người có thâm niên hàng chục năm quản lý trong ngành siêu thị, phân tích ngay tại điểm nút Thái Hà-Tây Sơn hiện có tới 3 siêu thị lớn cạnh tranh nhau cùng phân phối hàng tiêu dùng.
Điểm khác biệt nhất không chỉ là mẫu mã, chất lượng hàng hóa tại siêu thị ngoại mà kể cả giá thành sản phẩm, các chương trình khuyến mại, thái độ phục vụ, chăm sóc khách hàng và dịch vụ hậu mãi của họ cũng nổi trội hơn nhiều so với siêu thị bán lẻ của Việt Nam.
Đơn cử, cùng một sản phẩm dầu ăn, siêu thị Lotte mart bán ra với mức giá không chỉ thấp hơn so với 2 siêu thị còn lại, thậm chí họ còn khuyến mại mua 4 sản phẩm sẽ được mua thêm sản phẩm thứ 5 với giá giảm 50%.
“Chưa hết, Lotte mart còn cung cấp dịch vụ tư vấn sản phẩm tới khách hàng; hỗ trợ vận chuyển, biết nhắc nhở và nói lời cảm ơn khách hàng - điều dường như xa xỉ đối với các siêu thị bán lẻ nội địa,” ông Phú bình luận.
Các nhà bán lẻ nước ngoài cũng đang ngày càng tỏ rõ thế chủ động khi “tự cung, tự cấp” các mặt hàng và sản phẩm thiết yếu như hóa phẩm, mỹ phẩm, nước uống và thực phẩm… với giá cả cạnh tranh hơn so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Metro có nhãn hàng Aro, Quality, Horeca…; BigC có nhãn hàng Wow! Giá hấp dẫn, BigC và bakery BigC…
Sự chủ động về nguồn cung kết hợp với thế mạnh trong thương mại chính là sức ép lớn đối với các nhà bán lẻ nội địa.
Ông Phú nhấn mạnh không chỉ các siêu thị bán lẻ nội địa khó cạnh tranh với siêu thị ngoại về giá cả và chất lượng sản phẩm, mà ngay hàng hóa nội địa cùng các nhà sản xuất nội địa cũng sẽ bị ép giá nếu muốn đưa sản phẩm vào các siêu thị của nước ngoài.
Bà Tô Hoa Hồng Điệp, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Liêu Thanh, cho biết: “Sau nhiều lần tiếp cận các hệ thống siêu thị Big C, Lotte để chào hàng và thỏa thuận đưa hàng vào siêu thị, song đến nay vẫn chưa đạt kết quả cho dù sản phẩm của công ty là hàng Việt Nam chất lượng cao.”
Theo bà Điệp, các siêu thị nội dễ tiếp cận hơn và doanh nghiệp Việt khó chen chân vào các siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài, bởi họ thường ưu tiên cho hàng nổi tiếng cũng như hàng của chính nước họ.
Đa số các siêu thị nước ngoài đều yêu cầu rất nhiều thủ tục như giấy chứng nhận về kiểm định nguồn gốc, xuất xứ; chứng nhận chất lượng sản phẩm; giấy phép kinh doanh; giấy chứng nhận đăng ký thuế...
Chiết khấu theo quy định tại các siêu thị nước ngoài cũng khá cao, thường khoảng 25%. Đó là chưa kể, nhà sản xuất phải cộng thêm các chi phí khác như như dán tem, khai trương, các quy định về chương trình khuyến mại…
“Như vậy, hàng Việt làm sao cạnh tranh nổi với hàng nhập ngoại. Nhất là khi thị trường được mở cửa, hầu hết các sản phẩm, hàng hóa nhập ngoại sẽ được hưởng thuế suất bằng 0 theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do,” ông Phú nhận định.
Mấu chốt vấn đề là tính kết nối giữa nhà sản xuất và doanh nghiệp thương mại hay giữa các nhà bán lẻ nội địa với nhau còn quá yếu.
Theo lý giải của ông Trần Vinh Nhung, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, các nhà bán lẻ nội địa vẫn mang tư tưởng mạnh ai nấy làm, thậm chí cạnh tranh nhau, dẫm đạp lên nhau. Vậy nên, không thể nhìn cùng một hướng hay ngồi chung một thuyền để tạo thế đối trọng với các nhà bán lẻ nước ngoài.
Cùng chung quan điểm, ông Phú bổ sung nhiều doanh nghiệp bán lẻ trong nước còn sử dụng các chiêu thức kinh doanh không lành mạnh, nói xấu đối thủ cạnh tranh, bán phá giá cước…
Điều đó không chỉ làm tổn hại tới thương hiệu của sản phẩm, tới uy tín của doanh nghiệp Việt, mà còn đánh mất lòng tin ở người tiêu dùng.
Ví von một cách hình tượng hơn, ông Phú cho rằng các nhà bán lẻ cùng các nhà sản xuất nội địa nếu không sát bên nhau như một bó đũa, sẽ dễ dàng bị bẻ gãy. Chưa nói tới các giải pháp như cần đổi mới và nâng chất dịch vụ, thái độ phục vụ…
Bên cạnh đó, giữa các nhà bán lẻ nội địa cùng các nhà sản xuất có thể xây dựng được mối liên kết để tạo thành sức mạnh tổng hợp, chắc hẳn, còn có cơ hội “xoay chuyển” tình thế khi các doanh nghiệp nước ngoài xâm lấn thị trường bán lẻ Việt Nam./.
Thạch Huê
Theo Vietnam Plus