Các nước gia tăng áp dụng phòng vệ thương mại trong khi Việt Nam vẫn chưa quen, chưa biết sử dụng công cụ này
Thị trường bán lẻ Việt Nam: Sức hấp dẫn khó cưỡng
- Cập nhật : 10/11/2015
(Kinh doanh)
Biến động trên thị trường bán lẻ vẫn chưa dứt và ngày càng mạnh hơn. Gần đây hàng loạt thương hiệu bán lẻ đình đám dồn dập xuất hiện trên thị trường Việt Nam với những cái tên mới toanh như Aeon Mall, Auchan… Cuộc cạnh tranh trên thị trường bán lẻ ngày càng gay gắt.
Sau khi Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ từ năm 2009 theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các đại gia bán lẻ nước ngoài đã không ngừng đổ bộ vào Việt Nam, từ Metro Cash&Carry, tới BigC, Lotte và bây giờ là Aeon, Auchan… Những lo lắng đối với ngành bán lẻ trong nước dường như ngày càng gia tăng khi các thương hiệu ngoại cứ dồn dập đến và cơi nới quy mô tại Việt Nam.
Trong những ngày đầu tháng 11, Aeon Mall của Nhật Bản trình làng một trung tâm thương mại lớn ở Long Biên có khả năng phục vụ hơn 1 triệu người.
Ngay sau đó, tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Pháp - Auchan cũng chính thức ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty cổ phần Hóa dầu Quân đội (MIPEC). Cùng với đó Auchan cũng đã ký phiếu thuê mặt bằng của Trung tâm Thương mại Long Biên, để triển khai chuỗi siêu thị bán lẻ Simply Mart tại thị trường miền Bắc.
Theo kế hoạch, siêu thị Simply Mart đầu tiên sẽ được Auchan khai trương vào năm tới, rồi tiếp tục cơi nới dự kiến tới năm 2020 sẽ phủ kín khu vực phía Bắc với 20 siêu thị.
Không phải ngẫu nhiên mà các ông lớn ngành bán lẻ từ Nhật Bản, Đức, đến Pháp muốn đi sâu vào thị trường nội địa Việt Nam. Bởi theo phân tích của Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức), thị trường bán lẻ Việt Nam có thể đạt dung lượng 100 tỷ USD vào năm 2016.
Với cơ cấu dân số trẻ, tỷ lệ người dân đến các trung tâm thương mại ngày càng nhiều khiến khiến Việt Nam là mảnh đất nhiều tiềm năng với ngành bán lẻ. Sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với thị trường bán lẻ Việt Nam cũng là điều dễ hiểu.
Cũng theo bảng dữ liệu của Bộ Công thương, thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ, trong đó, có hơn 20 doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam. Dưới con mắt của các bán lẻ ngoại, miếng bánh thị phần còn lớn.
Cũng không quá khó để nhận thấy rằng, doanh nghiệp bán lẻ nội chỉ đang tồn tại chứ chưa hề tạo được tiếng vang. Ở thành phố Hà Nội hay tại đầu tàu kinh tế TP HCM, các nhà bán lẻ như: Hapro, Fivimart, CitiMart…, có mặt tại nhiều địa chỉ với số lượng khá lớn.
Nhưng nghịch lý lại diễn ra, một số nhà bán lẻ nội vừa có lượng khách hàng tăng, kinh doanh tốt lên thì chất lượng đi xuống. Một số khác vừa có tín hiệu kinh doanh khả quan đã vội vàng bán thương hiệu. Còn các nhà bán lẻ ngoại, đầu tư hẳn chiến lược lâu dài. Họ dựa vào nguồn lực vốn, công nghệ, đầu tư bài bản nên dần lấn át các nhà bán lẻ nội.
Theo nhận xét của bà Nguyễn Thu Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quản trị kinh doanh (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) hạn chế lớn của bán lẻ Việt Nam là thiếu sự tương tác cá nhân giữa nhân viên siêu thị, trung tâm thương mại với khách hàng, dẫn đến việc thiếu thông tin về hàng hóa, không được tư vấn đầy đủ trước khi lựa chọn hàng hóa…
Bên cạnh đó, nhân viên các siêu thị thường có thái độ không tốt khi khách hàng muốn đổi hàng hoặc xử lý vấn đề phát sinh, dịch vụ giao hàng chưa chuyên nghiệp.
Bản thân các doanh nghiệp cũng chưa quan tâm đúng mức việc đào tạo nhân viên vì quan niệm, nhân viên chỉ cần biết giá hàng hóa, trả lời khách hàng những thắc mắc cơ bản là đủ. Điều này càng tạo cơ hội cho các nhà bán lẻ ngoại tranh thủ được thời cơ phát triển thị trường" - Bà Hà nhấn mạnh .