Trước sự cạnh tranh của những dịch vụ truyền hình Internet như Netflix, gã khổng lồ truyền hình cáp Time Warner (Mỹ) đang đối mặt với vô vàn khó khăn. Doanh thu sụt giảm, cổ phiếu mất giá, rất có thể Time Warner sẽ phải bán một số tài sản của mình và thậm chí là "thay tên, đổi chủ" - mà Apple là cái tên sáng giá nhất.
Sóng M&A từ Philippines
- Cập nhật : 28/06/2016
M&A ra nước ngoài của Philippines đã đạt mức 2,4 tỉ USD vào năm 2014, gần gấp 13 lần so với năm 2010.
Chưa từng chi bạo trong các thương vụ M&A ra nước ngoài nhưng nay các doanh nghiệp Philippines đã tạo sóng khi ráo riết thâu tóm trong vài năm gần đây. M&A ra nước ngoài của Philippines đã đạt mức cao 2,4 tỉ USD vào năm 2014, gần gấp 13 lần so với năm 2010 và đạt tới 2,35 tỉ USD vào năm ngoái.
Mặc dù thấp hơn nhiều so với kỷ lục 121 tỉ USD mà các doanh nghiệp Trung Quốc đã chi vào các hoạt động M&A ở nước ngoài tính từ đầu năm đến nay, nhưng sự trỗi dậy của các hoạt động M&A từ Philippines là một bằng chứng cho thấy sức khỏe của nền kinh tế và sức mạnh đang lên của các doanh nghiệp Philippines sau 1 thập niên tăng trưởng.
Trong bối cảnh nhu cầu yếu ớt tại Trung Quốc và giá cả hàng hóa giảm đã khiến nhiều tập đoàn quốc tế cảm thấy “khó thở” thì các tập đoàn Philippines như JG Summit Holdings Inc. và Alliance Global Group vẫn trụ vững nhờ tập trung vào mảng dịch vụ và ngành tiêu dùng. Họ hưởng lợi từ nhu cầu mạnh ở trong nước nhờ lượng kiều hồi gửi về và từ ngành cung cấp dịch vụ thuê ngoài đang bùng nổ.
Những hoạt động này đã bơm lần lượt 26,6 tỉ USD và 18,6 tỉ USD vào nền kinh tế Philippines trong năm 2014. Phần lớn số tiền trên được rót vào bất động sản hoặc chi tiêu mua sắm. Đây là món hời cho các tập đoàn lớn hoạt động trong ngành bất động sản và bán lẻ. Nhờ đó, tổng doanh thu của 8 doanh nghiệp hàng đầu Philippines năm 2014 đã vượt mốc 40 tỉ USD, hơn gấp đôi so với 4 năm trước đó. Doanh thu 2015 cũng khả quan.
Tình hình kinh doanh cải thiện chỉ là một trong những lý do để doanh nghiệp tự tin đi thâu tóm. “Các chỉ số vĩ mô của Philippines đang tốt. Thị trường nội địa rất vững chắc, có thể chống đỡ trước các cú sốc bên ngoài. Môi trường tín dụng lại dễ chịu”, Ronald Mendoza, chuyên gia kinh tế tại Viện Quản trị châu Á ở Manila, nhận xét thêm.
Ngoài ra, theo Justino Juan Ocampo, đứng đầu mảng ngân hàng đầu tư tại First Metro Investment Corporation, “thanh khoản hệ thống quá dồi dào trong khi không có nhiều cơ hội đầu tư trong nước. Hơn nữa, giá trị các tài sản quốc tế đã trở nên rẻ đến nỗi nhiều công ty mạnh trong nước giờ đang nhòm ngó mua chúng”.
Mua lại các doanh nghiệp nước ngoài cũng là hợp lý trong thời điểm hiện tại khi đồng peso đã tăng giá và vay vốn nội tệ cũng hiệu quả về mặt chi phí. Chi phí vay bằng đồng peso thời hạn 15 năm đang ở mức thấp kỷ lục.
Các doanh nghiệp Philippines mua lại các tài sản nước ngoài còn là để chống đỡ trước áp lực cạnh tranh gia tăng trong tương lai khi hội nhập khu vực trở nên sâu rộng với việc thành lập Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN vào năm ngoái.
“Họ đang xây dựng nhà máy ở nhiều nước ASEAN và đẩy mạnh thương hiệu của mình ở đó. Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp Philippines xét về lượng bán ra (ở châu Á) thậm chí còn tốt hơn cả ở Philippines”, Cristina Ulang, đứng đầu mảng nghiên cứu ở First Metro, đánh giá.
Tất cả những điều này đã mở ra thời kỳ M&A sôi động kể từ năm 2014 của doanh nghiệp Philippines, vốn thường được xem là quá bảo thủ và tập trung vào trong nước. Trước năm 2014, cuộc chơi M&A nước ngoài lớn của Philippines chỉ nổi lên thương vụ San Miguel thâu tóm các tài sản năng lượng của Malaysia từ Exxon Mobil vào năm 2011, trị giá 610 triệu USD.
“Cách đây 5 năm, trong các thương vụ thâu tóm nước ngoài lớn, gần như không có doanh nghiệp nào ghi tên cả. Nhưng giờ 10 hoặc 20 doanh nghiệp Philippines có thể thực hiện thương vụ với giá trị lên tới 1 tỉ USD”, Lance Gokongwei, Chủ tịch JG Summit, nhận xét.
Trong các thương vụ được thực hiện giai đoạn 2014-2015, doanh nghiệp Philippines chủ yếu nhắm đến mảng thực phẩm và nước giải khát. Năm 2014, JG Summit đã thâu tóm Griffin Foods (New Zealand) với giá 608 triệu USD. Gokongwei, JG Summit, từng trả lời trong một cuộc phỏng vấn rằng thương vụ sẽ giúp công ty thực phẩm và nước giải khát của nó là Universal Robina trở thành một người chơi trong khu vực nhắm đến người tiêu dùng ngày càng giàu lên ở Đông Nam Á.
Năm ngoái, hãng thực phẩm Monde Nissin Corp. đã mua lại Quorn Foods (Anh) với giá 831 triệu USD và trong năm 2014-2015 đã thâu tóm 3 nhãn hàng thực phẩm Úc với giá 211 triệu USD. Trong vòng 10 tháng qua, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Jollibee đã thâu tóm nhà cung cấp cho hệ thống nhà hàng Trung Quốc Yonghe King của nó và mua lại 40% cổ phần trong Smashburger (Mỹ).
Các doanh nghiệp Philippines cũng tích cực M&A trong lĩnh vực dịch vụ công ích và bất động sản. Nổi bật nhất trong các thương vụ của Ayala ở Đông Nam Á là việc mua 33% cổ phần trong công ty bất động sản Malaysia MCT với giá 135 triệu USD vào năm 2015.
M&A ra nước ngoài tăng mạnh đã mang lại niềm vui cho các ngân hàng Philippines. Bởi lẽ, người Philippines đang rủng rỉnh tiền với tỉ lệ tiết kiệm thuộc vào hàng cao nhất khu vực ASEAN, lên tới 30-40% GDP. Nhưng nhà đầu tư lại đang “đói“ các cơ hội đầu tư. Giờ thì các thị trường vốn đang tăng trưởng, nhiều ngân hàng đang nhảy vào thỏa mãn nhu cầu về các sản phẩm ngân hàng đầu tư.
Thị trường nợ của Philippines hiện khá sôi động. Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước đã tăng lên mức cao, đạt gần 4 tỉ USD trong năm 2012. Hoạt động phát hành từ đầu năm đến nay đạt 1 tỉ USD, vượt qua con số của cả năm 2015.
Minh chứng cho sự sôi động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước là các thương vụ lớn hơn như phát hành trái phiếu trị giá 10-15 tỉ peso (215-320 triệu USD) đang trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” cùng với thời hạn dài hơn, hiện lên tới 15 năm.
Ngành ngân hàng đầu tư đang trở thành “mốt” đến nỗi các ngân hàng đầu tư như First Metro, trước đây là kẻ chiếm lĩnh thị trường nội địa, giờ phải ra sức kháng cự trước cuộc bành trướng của các ngân hàng thương mại, vốn đang hăm hở nhảy vào lĩnh vực ngân hàng đầu tư.
“Chúng tôi trước đây quen với việc mình là số 1 nhưng giờ có những người chơi mới như Bank of Philippine Islands và Banco de Ore đang phát triển mạnh các mảng ngân hàng đầu tư của mình. Các ngân hàng bắt đầu chiêu dụ người giỏi của nhau. Miếng bánh của chúng tôi đang bắt đầu nhỏ lại”, Ulang, First Metro, nói.
Từ đầu năm đến nay, giá trị M&A ra nước ngoài đã giảm mạnh chỉ còn 55 triệu USD. Theo các chuyên gia, lý do là thị trường không chắc chắn trước thời điểm bầu cử Tổng thống. Giờ thì cựu thị trưởng thành phố Davao, ông Rodrigo Duterte đã thắng cử và trở thành Tổng thống Philippines vào ngày 9.5 vừa qua, tâm lý không chắc chắn ấy có thể sẽ gia tăng. Bởi lẽ, chính sách kinh tế của Tổng thống Duterte phần lớn cho đến nay vẫn chưa rõ ràng.
Các thương vụ M&A và phát hành trái phiếu trong nửa cuối năm 2016 sẽ cho thấy sức mạnh thực sự của thị trường Philippines, khi mà giai đoạn chờ kết quả bầu cử Tổng thống đã qua.
Đàm Hoa
(Theo Nhịp Cầu Đầu Tư)