Tốc độ phát triển của PHGLock năm sau tăng 100% so với năm trước, đang đứng đầu thị phần bán lẻ và thuộc top 3 trong phân khúc dự án
Nokia: Cuộc sống sau sự sụp đổ của đế chế điện thoại
- Cập nhật : 20/03/2016
(Tin kinh te)
Thị trấn nhỏ Nokia ở Phần Lan có khung cảnh chẳng mấy ấn tượng, với vài tòa chung cư nép mình trong tuyết, còn dọc con đường chính là dãy hàng quán nhỏ và một siêu thị giảm giá.
Chẳng mấy dấu hiệu cho thấy đây chính là thị trấn có cái tên gắn liền với công ty đã làm nên cuộc cách mạng điện thoại di động cuối thập niên 90, đồng thời giúp kinh tế Phần Lan giàu có bậc nhất thế giới. Thời kỳ đỉnh cao - đầu những năm 2000, Nokia sản xuất tới 40% điện thoại thế giới và trở thành thương hiệu hàng tiêu dùng đầu tiên của Phần Lan nổi tiếng trên toàn cầu.
Tại quê nhà, ảnh hưởng của nó còn lớn hơn nữa. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Phần Lan, Nokia đóng góp tới 25% tăng trưởng cho Phần Lan giai đoạn 1998-2007. Đây là thời kỳ mà Bộ trưởng Tài chính Phần Lan - Alexander Stubb gọi là "sự thần kỳ về kinh tế".Tuy nhiên, khi sự thống trị của Nokia trên thị trường điện thoại di động thế giới dần đi xuống, kinh tế Phần Lan cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, càng làm trầm trọng đợt suy thoái dài kỷ lục tại đây.
"Nokia ở Phần Lan rất khổng lồ, trên mọi chỉ số. Và khi họ xuống dốc, chúng tôi đã rất lo sợ về các hậu quả có thể xảy ra", Kari Kankaala - Người chịu trách nhiệm phát triển kinh tế và đô thị tại thành phố Tampere cho biết.
Tampere cách thị trấn Nokia 15 phút lái xe. Đây là nơi đặt trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn nhất của Nokia. Thời đỉnh cao, nơi này có tới 4.000 nhân viên làm việc.
Những ống khói bằng gạch nung còn sót lại đã cho thấy lịch sử công nghiệp lâu đời của thành phố này. Nhưng chính sự trỗi dậy và suy tàn của Nokia mới thống trị sự phát triển gần đây của họ.
"Nokia là xương sống của mọi thứ ở đây. Các trường đại học phụ thuộc vào hợp tác với Nokia. Các nhà thầu phụ cũng thế. Còn bọn trẻ con thì muốn sau này vào làm cho Nokia", Kankaala cho biết, "Còn giờ, tỷ lệ thất nghiệp ở đây rất kinh khủng, thường xuyên quanh 14-15%".
Để lấp chỗ trống, nhiều hãng công nghệ khác đã chuyển tới đây. Các mảng kinh doanh khác của Nokia cũng vẫn giúp họ duy trì hình ảnh là doanh nghiệp Phần Lan thành công. Dù vậy, kinh tế Phần Lan đi xuống cũng có nghĩa ít người kiếm được việc làm hơn.
Tại Tampere, các cựu nhân viên Nokia vẫn còn thắc mắc vì sao năm 2007, họ vẫn là cái tên thống trị thị trường di động, mà 2014 đã bị Microsoft mua lại.
"Tôi cho rằng một trong những nguyên nhân chính là chúng tôi co kích cỡ điện thoại nhiều hơn Motorola. Thời năm 1997-1998, đó là giấc mơ của mọi kỹ sư", Mika Grundstrom - cựu giám đốc cấp cao mảng R&D của Nokia tại Tampere cho biết.Với Mika, quan điểm của họ thời đó rất đơn giản - sản xuất điện thoại pin lâu nhất với kích cỡ nhỏ nhất có thể.
Nhưng tất cả đã hoàn toàn thay đổi với sự xuất hiện của smartphone. Đặc biệt là iPhone của Apple năm 2007. "Mọi thứ dần trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Chúng tôi không còn quá chắc chắn mục tiêu của mình là gì nữa. Dễ sử dụng, pin lâu hay kích cỡ điện thoại?", ông nói.
"Nếu anh muốn pin, chúng tôi có các thiết bị có thể thọ được cả tuần. Nhưng rồi anh có điện thoại mới này, rất tuyệt vời, nhưng ngày nào cũng phải sạc. Thế thì bán cho khách hàng thế nào được?", ông nói.
Sau đó, Nokia liên tục tìm cách theo kịp đối thủ trong thị trường smartphone. Nhưng đến năm 2014, họ đã phải bán mảng điện thoại di động cho Microsoft. Và cái tên Nokia cũng biến mất trên điện thoại từ đó.
Dù vậy, nhiều người Phần Lan vẫn đánh giá cao tượng đài Nokia. Kankaala cho biết ảnh hưởng lớn nhất của Nokia là tạo ra cuộc cách mạng cho văn hóa kinh doanh ở Phần Lan. "Mọi người hiểu rằng ai cũng có thể kiếm ra tiền. Và giờ làn sóng khởi nghiệp đang dâng cao tại đây. Đó quả thực là một sự thay đổi lớn", ông cho biết.
Thủ đô Helsinki có nhiều dấu hiệu cho thấy văn hóa khởi nghiệp đã phất lên thời hậu Nokia. Tuomas Kytomaa là một kỹ sư phần mềm, đã dành gần như cả đời làm việc cho Nokia. Năm ngoái, sau một thời gian ra nước ngoài, anh quay về quê hương, gia nhập hãng bán lẻ thời trang Zalando và mở một hãng công nghệ riêng tại Helsinki.
Với anh, di sản mà Nokia để lại là rất nhiều nhân tài có thể khai thác. "Quy mô khổng lồ của Nokia ở Phần Lan cũng có nghĩa nơi này đang có lượng lớn người tài có kiến thức tốt. Phần Lan đang cần kỹ năng công nghệ cao và các hãng khởi nghiệp", anh nói.
Dù vậy, chẳng mấy người tin rằng Phần Lan sẽ xuất hiện một công ty có quy mô và tầm ảnh hưởng như Nokia lần nữa. "Tình thế giờ thay đổi rồi. Sự đột phá không đến từ các công ty lớn nữa, mà là từ công ty nhỏ - các hãng khởi nghiệp", Seppo Haataja - cựu giám đốc cấp cao tại mảng R&D Nokia kết luận.
Hà Thu
(theo BBC/Vnexpress)