Lướt một vòng trên instargram, tìm hashtag #banhbonglanphomai, người dùng sẽ vô cùng ngạc nhiên với hàng trăm, hàng nghìn lượt check-in, đi kèm những hình ảnh kích thích vị giác.
Nghề Môi giới: Sang hay hèn?
- Cập nhật : 14/07/2016
Có nhiều nhận xét xoay quanh nghề môi giới trên thị trường chứng khoán. Khen nhiều mà phê phán cũng nhiều. Vậy đâu là đúng? Hãy thử phân tích một cách nghiêm túc về vấn đề này.
Quan điểm lạc hậu về phân chia thứ bậc trong xã hội
Từ xưa đến nay quan điểm phân chia thứ bậc xã hội trong tư tưởng người Việt Nam hầu như vẫn gắn với mấy chữ “Sĩ, nông, công, thương”. Đây là quan điểm Tứ dân dùng để gọi bốn giai cấp chính trong xã hội dưới các triều đại quân chủ ở Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản… Dù đây là quan điểm có phần lạc hậu nhưng xem ra nó vẫn chi phối tư tưởng của một bộ phận khá lớn dân chúng ngày nay.
Sĩ được xếp cao nhất và được xã hội trọng vọng. Sĩ là từ để chỉ tầng lớp trí thức, những người có học cao và thường theo con đường khoa cử. Nhìn chung, kẻ sĩ thường ra làm quan và có vị thế lớn nên được coi như “thần tượng” của cả xã hội. Kiểu như các ông cụ, bà cụ lớn tuổi nhà có con học giỏi, bằng cấp cao ra làm quan chức, làm “sếp” thì mới nở mày nở mặt với hàng xóm, người thân; còn con mình giỏi làm ăn buôn bán, làm giàu thì cũng mừng nhưng không quá vui vì chưa thỏa mãn được vấn đề “thể diện”.
Nông là chỉ những người nông dân cày ruộng. Đây là lực lượng lao động chủ yếu trong xã hội ngày xưa và thường gắn với hình ảnh chân lấm tay bùn, làm lụng vất vả…
Công là chỉ những người làm thủ công nghiệp, làm thuê trong các làng nghề như dệt, đan lát, làm tranh sơn mài... Nhóm này chiếm số lượng ít do trong xã hội thời xưa chỉ tồn tại những làng nghề thủ công ở uy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu tự cung tự cấp của làng xã và trao đổi mua bán ở mức vừa phải.
Nhìn chung hai tầng lớp ở giữa hơi “thảm” vì luôn được xem là vất vả, làm nhiều nhưng tiền ít. Tuy nhiên, họ vẫn còn hạnh phúc chán vì thường nhận được sự đồng cảm từ xã hội. Người ta dễ dàng thương cảm với một người nông dân bị mất mùa nhưng vẫn tỏ ra khá lạnh nhạt nếu thấy một vị thương gia bị thua lỗ nặng trong một vụ đầu tư.
Thương là những người buôn bán, kinh doanh và vai trò của họ bị đặt ở hàng thấp nhất trong xã hội. Dân tình vẫn hay dùng từ “con buôn” như để thể hiện sự ghẻ lạnh đối với tầng lớp này. Xã hội phong kiến vẫn tồn tại quan điểm những người hoạt động trong lĩnh vực “Thương” chỉ là buôn nước bọt, mua rẻ bán đắt, không làm ra của cải vật chất và sản phẩm tinh thần cho xã hội.
Môi giới gần với “Thương”
Như vậy vô tình thì theo quan điểm Nho giáo các ngành nghề có dính đến “Thương” thì đều đóng “vai ác”, “phản diện” trong xã hội. Mặc dù nền kinh tế thị trường đã phát triển ở nước ta nhưng tàn tích của những suy nghĩ cũ thời phong kiến vẫn chưa mất đi.
Đó là chưa kể khá nhiều người có thói xấu kiểu GATO – Ghen Ăn Tức Ở, thấy người ta giàu có thì ghen tỵ. Đa số những người làm về “Thương” thì có thu nhập khá cao (nếu thành công) nên vẫn hay bị ghét. Nghề Môi giới lại là điển hình cho “Thương” nên ác cảm của nhiều người đối với nghề này cũng không phải là chuyện lạ.
Sự ác cảm có hợp lý?
Một quan điểm khác cũng tồn tại từ thời phong kiến là trọng nam kinh nữ. Như vậy phải chăng năng lực làm việc của nữ kém nam? Suy nghĩ đó sai hoàn toàn!
Nếu nhìn vào các công ty được nữ lãnh đạo trên sàn chứng khoán thì ta có thể thấy một thực tế là đó hầu hết đều là những công ty tốt nhất, tăng trưởng ổn định nhất. Có thể kể ra các ví dụ điển hình như VNM, REE,DHG…
Vậy thì rõ ràng sự ác cảm với nghề môi giới của một bộ phận dân chúng trong xã hội cũng cần được xem lại. Dù có những vụ vi phạm nhưng hầu như không đáng kể, đa số các anh em hoạt động trong ngành này đều tuân thủ pháp luật, đóng thuế đầy đủ nên không thể bị coi là những “phần tử nguy hiểm” được!
Mặt khác, thị trường chứng khoán muốn phát triển thì bên cạnh những nhà hoạch định chính sách thì sự năng động, nhiệt huyết, tận tâm của đội ngũ môi giới cũng góp phần rất lớn.
Ai đã cứu lấy nước Mỹ?
Nếu những câu chuyện của thời đại phong kiến Việt Nam, Trung Quốc… vẫn chưa đủ thuyết phục thì người viết xin kể lại một câu chuyện của nước Mỹ để làm rõ hơn.
Nếu hỏi bạn ai là người đã có công lập ra nước Mỹ thì hẳn sẽ có rất nhiều cái tên nổi tiếng như George Washington, Benjamin Franklin, Jefferson… Nhiều khả năng bạn sẽ không biết người đàn ông này: Haym Salomon. Nhưng nếu không có ông ấy, chắc cũng chẳng có nước Mỹ hoặc nó sẽ không được hùng mạnh, thịnh vượng như bây giờ.
Trong ngôi đền của những anh hùng người Mỹ-Do thái (American Jewish heroes), Haym Salomon giữ vị trí của một huyền thoại. USPS (US Postal Service) thậm chí còn phát hành một con tem có in hình Haym Salomon với danh hiệu “Financial Hero of the American Revolution” (tạm dịch là “Người hùng tài chính của Cuộc cách mạng Mỹ”). Danh hiệu này phần nào nói lên vai trò của ông trong thời kỳ lập quốc.
Haym Salomon sinh ra trong một gia đình người Do Thái ở Đông Âu vào năm 1740. Ông đi khắp Châu Âu để học hỏi về tài chính. Cuối cùng, Salomon đến New York và trở thành môi giới cho cộng đồng thương nhân ở New York.
Salomon cũng có mối quan hệ mật thiết với các thủ lĩnh kháng chiến như Alexander MacDougall, George Washington … Ông dùng các mối quan hệ của mình với người Anh để phá hoại quân đội Anh và làm xói mòn sự trợ giúp của Đức dành cho Anh. Việc này khiến ông bị bắt giam nhưng sau đó ông may mắn trốn thoát và đến Philadelphia.
Đến năm 1781, Salomon đã phụ trách tài chính cho cuộc cách mạng Mỹ. Chính phủ các nước Châu Âu sử dụng Salomon làm người môi giới cho các khoản vay. Ông cũng là một trong những người thành lập Bank of North America – ngân hàng quốc gia đầu tiên của nước Mỹ. Trong chiến tranh hiện đại đâu thể cứ “đạp cửa xông vào liều mình như chẳng có” mà chiến thắng được. Cũng không thể chỉ chiến đấu bằng “ý chí” kiểu như mấy nhân vật trong truyện manga Nhật Bản được. Vẫn phải có tiền!
Nhờ những khoản vay được huy động bởi Haym Salomon, quân đội Mỹ mới có thể chống chọi được với quân Anh vốn được huấn luyện bài bản và trang bị tốt hơn. Cuối cùng, chiến tranh kết thúc, các thuộc địa đã giành chiến thắng.
Nói một cách ngắn gọn, Haym Salomon là người tìm ra nguồn tiền để duy trì cuộc cách mạng trong thời điểm sinh tử. Vinh quang luôn thuộc về các anh hùng như George Washington, Benjamin Franklin … nhưng nếu không có Haym Salomon thì nước Mỹ đã không thể sống sót.
Kết luận
Xét cho cùng thì bản thân nghề nghiệp không thể làm nên danh giá cho con người mà chính con người mới đem lại sự vẻ vang cho nghề. Luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất và luôn tuân thủ đạo đức nghề nghiệp cũng như luật pháp sẽ giúp cho nghề nghiệp ngày càng được xã hội tôn trọng hơn.
Nghề môi giới có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế thị trường nói chung. Vì vậy, người viết nghĩ chúng ta cần phải dành cho nghề này một sự trân trọng cần thiết!
Nguyễn Quang Minh
Theo Vietstock