Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc y tế của Trung Quốc đang trong cơn sốt M&A ra nước ngoài với cường độ chưa từng thấy từ trước đến nay.
Grab đối đầu Uber: Bụt chùa nhà vẫn thiêng
- Cập nhật : 08/07/2016
Grab đang dẫn trước Uber về số người dùng hàng tháng cũng như tầm phủ sóng ở khu vực Đông Nam Á
Dù đã là một trong những tập đoàn công nghệ thành công nhất thế giới với mức định giá gần 68 tỷ USD, nhưng dịch vụ gọi xe Uber vẫn đang phải cạnh tranh quyết liệt với nhiều đối thủ, đặc biệt là ở châu Á.
Và Grab là một công ty như vậy. Startup này đang tạm dẫn trước Uber trong cuộc đua dịch vụ gọi xe tại thị trường Đông Nam Á có 600 triệu dân, gần gấp đôi dân số Mỹ. Grab đang hoạt động tại nhiều thành phố Đông Nam Á hơn Uber và đang vượt lên trên hãng xe này về lượng người dùng, theo hãng phân tích dữ liệu di động App Annie.
Thị trường dịch vụ gọi xe ở Đông Nam Á được dự báo sẽ trị giá 13,1 tỷ USD vào năm 2025, tăng hơn 5 lần so với mức 2,5 tỷ USD năm ngoái, theo báo cáo gần đây của Google và Temasek Holdings (Singapore).
Ra đời năm 2012 với tên gọi GrabTaxi Holdings trước khi đổi thành Grab, hãng này đang đặt trụ sở tại Singapore. Am hiểu thị trường Đông Nam Á, Grab đã sớm cung cấp các dịch vụ hữu ích như xe ôm nhằm đối phó với vấn nạn kẹt xe ở nhiều thành phố. Hãng cũng cung cấp dịch vụ đi chung xe (carpooling) nhằm cho phép người dân ở khu vực phía nam Malaysia, nơi có thu nhập thấp hơn Singapore, có thể đi vào đảo quốc sư tử với chi phí rẻ hơn.
Trong 4 năm, Grab đã tăng số lượng nhân viên lên 1.600 người và mở rộng hoạt động tại 30 thành phố của 6 nước Đông Nam Á, nhiều gấp đôi Uber.
Mặc dù vậy, với mức định giá 1,6 tỷ USD, thật không dễ để Grab đối đầu trực tiếp với Uber, vốn đã huy động được lượng vốn lên tới 14 tỷ USD. Một đại diện của Uber cho rằng hãng này phải là một phần cuộc sống của hàng triệu người dân Đông Nam Á, nơi vốn do các hãng taxi địa phương thống trị.
Vì vậy, Grab đang chủ động hợp tác với nhiều nhà đầu tư. Ngoài các quỹ đầu tư của Mỹ là Coatue Management và Tiger Global Management, hãng còn nhận được vốn từ Didi Chuxing - dịch vụ gọi xe lớn nhất Trung Quốc và cũng là đối thủ của Uber.
Grab cũng tham gia vào liên minh chiến lược cùng với Didi, Ola (Ấn Độ) và Lyft (Mỹ). Các đối tác này cùng bắt tay cho phép người dùng ứng dụng di động của hãng này có thể gọi được tài xế đã đăng ký với hãng kia.
Grab có giá trị thấp hơn nhiều so với Uber, nhưng hãng này lại đang "phủ sóng" rộng hơn ở Đông Nam Á. Ảnh: WSJ
Anthony Tan (34 tuổi), đồng sáng lập kiêm CEO của Grab, cho biết ông hình dung ra công ty mình là một nền tảng dữ liệu khổng lồ có thể cung cấp các dịch vụ khác như thanh toán kỹ thuật số.
"Chúng tôi không chỉ nghĩ tới mảng vận tải, mà còn tính đến làm thế nào để Grab trở thành Baidu, Alibaba hay Tencent", Anthony Tan nói. 3 ví dụ được ông nhắc đến chính là 3 công ty hàng đầu Trung Quốc về internet, vốn đang thống trị thị trường tìm kiếm, thương mại điện tử và truyền thông xã hội.
Grab mới chỉ giải ngân 2/3 trong số 700 triệu USD vốn từ các nhà đầu tư và có lẽ sẽ không cần phải tăng thêm vốn ở thời điểm hiện tại, ông Tan cho biết. Hãng đã có lợi nhuận tại một vài thành phố. Mặc dù vậy, vị doanh nhân người Malaysia này cũng từ chối dự đoán khi nào công ty sẽ hoàn vốn.
Trong một khu vực mà người dân ít dùng thẻ tín dụng và tài khoản ngân hàng, Grab đã đi tiên phong trong việc thanh toán tiền mặt. Grab cũng triển khai dịch vụ xe ôm tại những thành phố như TPHCM, Jakarta. Sau đó, Uber cũng đi theo trình làng dịch vụ này.
Tại Indonesia, Grab đã làm việc với các công ty bản đồ nhằm thêm vào các địa điểm được người dùng quan tâm. Trong khi đó, dịch vụ giao hàng thực phẩm của UberEats cũng đã ra mắt tại Singapore, còn dịch vụ đi xe chung UberPool mới đây cũng được mở rộng thêm ở Manila và Singapore sau Jakarta.
Grab cũng cung cấp dịch vụ giao hàng với thiết kế hỗ trợ các startup thương mại điện tử, vốn hay gặp nhiều khó khăn khi giao hàng ở những nơi thiếu địa chỉ hoặc hạ tầng giao thông kém. Uber cũng có dịch vụ này nhưng hãng chỉ triển khai tại Mỹ.
Khối tiền mặt khổng lồ của Uber có thể giúp hãng này thuê được những kỹ sư hàng đầu và phát triển các công nghệ tiên tiến. Điều này cũng đồng nghĩa Uber sẽ có lợi thế về tài chính hơn trong cuộc chiến dài hơi và nhiều hao tổn với Grab.
Mặc dù vậy, có một rào cản kỹ thuật mà cả hai hãng này đang phải đối mặt: dân số Đông Nam Á khá đông nhưng nhiều người lại chưa tiếp cận được với internet, nghĩa là họ không thể sử dụng ứng dụng điện thoại để dùng dịch vụ gọi xe.
Cả Grab lẫn Uber không không tiết lộ cụ thể con số người dùng, nhưng Grab đang vượt trên Uber về số lượt tải ứng dụng trên hệ điều hành Android và iOS trong quý I/2016 ở các nước: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, theo App Annie.
Grab cũng cho biết họ đang dẫn trước Uber về số người dùng hàng tháng (MAUs) trên Android tại Đông Nam Á nhưng công ty vẫn không đưa ra con số cụ thể.
Grab cho biết ứng dụng của hãng đã đạt được tổng cộng hơn 15 triệu lượt tải về.
Trong khi đó, đại diện Uber từ chối bình luận về số liệu của App Annie hoặc tiết lộ số lượt tải cụ thể ở Đông Nam Á.
Florian Hoppe, một nhà tư vấn tại Bain & Company, cho rằng thật khó cho Uber khi thay đổi để thích ứng với thị hiếu khu vực này, trong khi "chủ nhà" Grab lại dễ dàng hiểu những gì người dân Đông Nam Á cần, như dịch vụ đưa khách từ Malaysia đến Singapore là một ví dụ điển hình.
"Đó là sự khác biệt mà Grab đang tận dụng để nắm lợi thế trong cuộc đua này", Florian nói.
An Phong
(Theo Nhịp Cầu Đầu Tư)