Theo báo cáo của Savills Việt Nam, thị trường bất động sản Đà Nẵng trong Quý 2/2016 chứng kiến sự phục hồi tốt trên từng phân khúc với nhiều cơ hội dành cho các nhà đầu tư.
Kinh doanh kiểu Grab, Uber trong dịch vụ thuê nhà ở Việt Nam
- Cập nhật : 08/12/2015
(Bat dong san)
Tận dụng phòng, biệt thự, tòa nhà, thậm chí là cả hòn đảo trống ngắn hạn của chủ bất động sản muốn cho thuê, khách du lịch có thể hưởng mức giá rẻ hơn tới 30% so với thị trường.
Chị Nguyễn Lê Giang (quận 1, TP HCM) từng thuê được nhiều chỗ ở đẹp tại trung tâm các thành phố Hà Nội, Hội An, Đà Lạt, Hạ Long với giá rẻ hơn khoảng 30% giá thuê phòng khách sạn hay khu nghỉ dưỡng. Thao tác đăng ký thuê nhà thực hiện khá đơn giản.
Chị Giang chia sẻ, tương tự như gọi xe Uber hay Grab, khi cần thuê nhà ở vùng nào, chị chỉ cần đặt lệnh, chờ hệ thống quét và báo về những địa điểm chủ nhà sẵn sàng cho thuê trong thời gian chị muốn tới ở. Cẩn thận hơn, chị tham khảo nhận xét của các khách thuê trước đó, xem kỹ hình ảnh nơi mình muốn tới ở, sau đó đàm phán với chủ nhà và chốt trên hệ thống. Mỗi giao dịch thành công, công ty môi giới thu phí kết nối 3% với chủ nhà và 12% với khách.
“Giá thuê không phải lúc nào cũng rẻ hơn thị trường như quảng cáo. Nhưng tương tự như dịch vụ homestay cho phép chủ nhà và khách cùng chia sẻ chỗ ở, hình thức thuê nhà kiểu này giúp người thuê có không gian riêng tư hơn nhưng lại thân thiện hơn khách sạn. Thậm chí, khi du lịch ra nước ngoài, rất nhiều dân phượt ‘ăn may’ được trải nghiệm trong những ngôi nhà không chỉ đẹp mà còn độc như nhà ở trên cây, trong vách núi hay giữa thảo nguyên…”, chị Giang nhận xét.
Nguyễn Nam Anh (Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội), một tiếp viên hàng không, là chủ nhà từng đăng cho thuê phòng với giá gần 400.000 đồng một ngày cho 2 người. Nam Anh chia sẻ, do công việc thường xuyên phải đi công tác xa, anh chọn hình thức cho thuê nhà trực tuyến để chủ động lịch có thể đón khách hoặc cắt dịch vụ bất cứ khi nào anh trở về.
“Nếu đăng cho thuê dài hạn, công tác về tôi biết ở đâu? Mà bỏ trống nhà những ngày đi vắng thì vừa phí vừa lạnh phòng nên đây là giải pháp khá ổn”, anh nhận xét.
Anh Nguyễn Đình Hiếu (Đồng Nai) từng rao cho thuê ngôi nhà sàn nằm giữa vườn cây của mình và được nhiều khách nước ngoài đăng ký ở. Với mức giá khoảng 230.000 đồng một ngày đêm, nhà thiết kế độc đáo, cùng thái độ nhiệt tình đón tiếp, chủ nhà nhận được nhiều nhận xét tích cực từ du khách trên trang giao dịch trực tuyến.
“Đây là cách để mình tăng uy tín và có thêm nhiều khách thuê mới. Nếu khách thuê dài ngày hơn, mình có thể giảm giá nữa so với giá niêm yết trên website trực tuyến vì theo quy định, mức giá cho thuê tối thiểu là 10 USD (khoảng 200.000 đồng)”, anh Hiếu nói.
Cho rằng đây là mô hình giao dịch nhà cho thuê đem lại nhiều lợi ích cho cả chủ nhà lẫn khách hàng, nhất là trong mùa du lịch, giá phòng khách sạn tăng cao nhưng anh Phạm Việt Thắng (Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại tỏ ra chưa sẵn sàng sử dụng dịch vụ.
“Việc dọn tới ở nhà người lạ và không có đơn vị quản lý có thể đem lại nhiều phiền hà, thậm chí đe dọa sự an toàn của khách thuê lắm chứ. Dịch vụ này cũng mới vào Việt Nam, mỗi nhà rao cho thuê chưa có nhiều người trải nghiệm, ít ý kiến nhận xét nên thú thật, tôi chưa dám thử”, Thắng nói.
Chị Nguyễn Uyên Linh, quản lý một khách sạn tại Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết, hình thức cho thuê nhà này cần được cơ quan chức năng giám sát và quản lý, đứng cả về lợi ích của khách hàng, chủ nhà lẫn các đơn vị kinh doanh khách sạn.
Chị Linh nói: “Thật vô lý khi chúng tôi bỏ tiền xây khách sạn to đẹp, chịu đủ thuế, phí, nhưng lại bị cạnh tranh bởi những nguồn phòng và nhà cho thuê khác vi phạm luật kinh doanh. Khách hàng cần biết, khi bỏ tiền thuê phòng khách sạn đồng nghĩa với việc bạn trả phí cho chính sự an toàn của mình nữa. Còn chủ nhà, làm sao chắc chắn cho khách thuê hay cho trộm, cướp thuê nhà mình?”.
Ý tưởng về dịch vụ bất động sản trực tuyến cho thuê khởi động từ năm 2007 do một đôi bạn ở San Francisco (Mỹ). Vì không đủ trả tiền trọ, hai người đã trải nệm hơi ra sàn nhà và chào mời khách du lịch đến thuê. Số tiền 80 USD từ những khách trọ đầu tiên gợi ý đôi bạn rủ thêm một người khác chuyên về công nghệ thông tin, xây dựng website và phát triển loại hình kinh doanh giao dịch bất động sản cho thuê như hiện nay.
Sau 8 năm, hiện thuê nhà trực tuyến đã có mặt tại hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tháng 6/2015, công ty khởi nghiệp từ mô hình kinh doanh này đã được định giá 25,5 tỷ USD, chỉ đứng sau Uber và Xiaomi.
Tương tự Uber, Grab, kiểu dịch vụ kinh doanh ứng dụng công nghệ kết nối trực tuyến này được nhiều người dùng ủng hộ nhưng lại vấp phải sự phản đối ở nhiều quốc gia. Tại Berlin (Đức), chính quyền thành phố cấm hình thức cho thuê trọ ngắn hạn. Tại Barcelona (Tây Ban Nha), công ty triển khai dịch vụ bị phạt 30.000 USD vì xâm phạm luật du lịch. Tờ The Economist dự báo, với đà tăng trưởng như hiện nay, loại hình kinh doanh này sẽ chiếm 10% thu nhập của ngành khách sạn, đủ khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng.
Tại Việt Nam, những du khách quốc tế đầu tiên thực hiện giao dịch theo hình thức này đã tới những căn hộ, nhà hoặc biệt thự ở Hội An, Phú Quốc, TP HCM… từ năm 2012. Tới tháng 9/2014, loại hình kinh doanh dịch vụ bất động sản trực tuyến cho thuê chính thức vào Việt Nam.
Thống kê tới đầu năm 2015, Việt Nam có hơn 1.000 điểm rao sẵn sàng đón tiếp khách lưu trú ở hầu hết các thành phố nổi tiếng với nhiều thắng cảnh, địa danh du lịch, khu nghỉ dưỡng…
Chia sẻ việc vấp phải nhiều khó khăn khi vào thị trường Việt Nam, CEO Uber Vietnam Đặng Việt Dũng từng so sánh cơ chế hoạt động của Uber tương tự loại hình dịch vụ thuê nhà trực tuyến nhưng vận tải thì gặp khó còn bất động sản lại không.
Mô hình giao dịch bất động sản cho thuê dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, kết nối giữa chủ nhà cần cho thuê và khách có nhu cầu tới ở trong thời gian ngắn hạn, thích hợp với đối tượng người đi du lịch, công tác ngắn ngày.
Vào Việt Nam cùng thời điểm với Uber nhưng bên cạnh cuộc đổ bộ ồn ã của dịch vụ gọi xe trực tuyến, sự phát triển thầm lặng và tăng trưởng nhanh chóng của thuê nhà trực tuyến tại Việt Nam được nhiều người ví như “trò chơi ú òa”.