Nghe đến cụm từ Sàn giao dịch người ta thường nghĩ đến việc chi phí tốn kém. Vì khi đầu tư thông qua môi giới sẽ có nhiều khoản phát sinh. Điển hình là phí nền tảng, phí dịch vụ, phí nạp rút… Nhưng với Sàn giao dịch Lion Brokers, đảm bảo bạn sẽ nhận được chi phí giao dịch hợp lý nhất thị trường
Người Thái nhanh tay
- Cập nhật : 14/08/2017
Người Thái không chỉ giàu có, quyết liệt mua lại các doanh nghiệp Việt Nam mà còn rất nhanh tay, nhanh mắt trong việc sản xuất các sản phẩm vốn là “đặc sản” của Việt Nam rồi xuất khẩu năm châu. Liệu, doanh nghiệp Việt Nam có còn cơ hội vượt qua lời nguyền “trâu chậm uống nước đục”?
Một nữ doanh nhân chia sẻ, trong lần mua sắm ở Walmart tại Texas, Mỹ cách đây ít lâu, bà ngỡ ngàng phát hiện hàng loạt sản phẩm “đầu Việt Nam, đuôi Thái Lan”. Đó là các sản phẩm phở bò, phở gà (loại ly), nước mắm nhĩ, súp gà đều ghi nhãn theo tên tiếng Việt kể trên nhưng do công ty của Thái Lan sản xuất! Lâu nay, sản phẩm Việt do công ty Thái sản xuất chủ yếu chỉ là nước mắm. Nay thì có đủ các đặc sản Việt Nam.
Trong chuyến công tác Thái Lan mới đây, bản thân người viết cũng khá bất ngờ khi được giới thiệu một sản phẩm thực phẩm đóng chai có tên trên nhãn là “TISTRA - GAC”. Đây là dòng sản phẩm do Viện Nghiên cứu khoa học và công nghệ Thái Lan (TISTR) - một cơ quan của chính phủ - phát triển. Người dẫn đoàn tham quan cũng xác nhận, nhãn có tên GAC, tương tự như cách gọi loại quả này ở Việt Nam (gấc). Gọi là GAC để dễ đọc hơn rất nhiều so với tên tiếng Thái cũng như tên khoa học của loại quả vốn được tìm thấy nhiều nhất ở các nước Đông Nam Á gồm Thái Lan, Lào, Myanmar, Campuchia và Việt Nam này.
Ông Châu Thịnh Lân, Tổng giám đốc Công ty Vianco (tiền thân là Công ty Việt - Ấn), người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành hàng gia vị cũng từng kể với TBKTSG rằng, người Thái rất nhanh tay, thông minh khi tung ra các loại gia vị (hoàn chỉnh) của các món ăn truyền thống Việt Nam trước cả các công ty bản địa. Chính vì vậy mà khi muốn mua gia vị nấu bún bò Huế, các nhà nhập khẩu châu Âu, Mỹ thường chọn hàng Thái Lan. Hương vị của hàng Thái chỉ đạt 7-8 phần so với hương vị gốc nhưng vì họ bán hàng trước nên hương vị đó được xem là chuẩn, sản phẩm của Việt Nam đến sau bị nghĩ là... không đúng. Theo ông Lân, hàng Thái chính là thế lực cạnh tranh lớn nhất của hàng Việt Nam ở ngay thị trường trong nước cũng như trên thế giới!
Vậy, doanh nghiệp Việt Nam ở lĩnh vực thực phẩm có còn cơ hội? Làm cách nào để thoát khỏi lời nguyền “trâu chậm uống nước đục”?
Bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia bán lẻ và nhượng quyền, cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam đừng quá lo sợ và e ngại người Thái trong chuyện này, vấn đề là phải biết cách làm ra sản phẩm tốt.
Bà Rungphech Rose Chitanuwat, Giám đốc Công ty UBM, công ty chuyên tổ chức chuỗi triển lãm nguyên phụ liệu thực phẩm (Fi) tại một số thị trường Đông Nam Á, chia sẻ ứng dụng công nghệ, phát triển ngành nguyên phụ liệu thực phẩm chính là chìa khóa để các món ăn truyền thống của mỗi nước dễ dàng xuất khẩu đi khắp thế giới. Với Việt Nam, đó là các món ăn vốn đã được nhiều người biết đến như phở bò, phở gà, bún bò Huế... Sử dụng các loại nguyên phụ liệu, phụ gia sẽ giúp tạo ra các sản phẩm phở khô, bún khô cùng gia vị hoàn chỉnh để mang đến bất kỳ đâu mà vẫn giữ nguyên được hương vị truyền thống...
Cách bà Rose nói, cũng chính là cách mà Thái Lan đã áp dụng trong chiến dịch biến nước này thành nhà bếp của thế giới, trung tâm thực phẩm của thế giới thành công. Các món ăn đặc trưng của người Thái như súp chua cay (tom yum), lẩu, cà ri gà... thành phẩm đã được đóng gói, có mặt ở khắp các thị trường để quảng bá cho ẩm thực Thái...
Cơ sở của niềm tin này, theo bà Vân, đó là cơ hội từ một xu hướng rất lớn trên thế giới hiện nay. Theo đó, người tiêu dùng đòi hỏi và yêu cầu rất cao về tính minh bạch và thông tin sản phẩm. Họ muốn những sản phẩm chính gốc, có nguồn gốc chính thức. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp bản địa lật ngược thế cờ vì mình chính là con đẻ, không phải con lai!
Để tận dụng cơ hội từ xu hướng này và biến nó thành hiện thực, doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng nền tảng vững chắc. Thứ nhất là nghiên cứu thị trường một cách nghiêm túc để hiểu rõ, nắm chắc xu hướng, cách tiếp cận thông tin của người tiêu dùng. Mỗi khu vực, mỗi quốc gia, mỗi cụm thị trường có một bộ chỉ số về thị trường, từ thông tin, dân số, tăng trưởng ngành hàng, khả năng tiêu dùng, cách tiếp nhận... khác nhau. Biết để doanh nghiệp thể hiện nguồn gốc, thông tin sản phẩm của mình một cách trúng và đúng nhất với khách hàng mục tiêu.
Thứ hai, phải có được chứng nhận nguồn gốc sản phẩm, phải đăng ký chỉ dẫn địa lý. Đây là sức mạnh, lợi thế lớn nhất của doanh nghiệp bản địa. Nhưng phải làm nhanh vì các doanh nghiệp khác, trong đó có không ít là doanh nghiệp Thái Lan có thể mua bán, sáp nhập nhà sản xuất trong nước bất kỳ lúc nào và cũng làm công việc tương tự.
Thứ ba, phải tái thiết kế sản phẩm và thương hiệu. Có thể sản phẩm đã có ở Việt Nam nhưng đôi khi không thể mang nguyên xi đi bán ở nước ngoài. Doanh nghiệp nên tìm hiểu nhu cầu của thị trường và đối tượng khách hàng muốn nhắm tới để làm mới sản phẩm trước khi xuất khẩu đi.
Theo bà Vân, đây là ba nền tảng mà doanh nghiệp phải xây thật vững trước khi bước ra và giành lại thị trường. Bởi chuyện lên được quầy kệ của Walmart như cách các doanh nghiệp Thái đang bán các đặc sản của Việt Nam lại là một hành trình khác, đòi hỏi các yếu tố khác như tiếp thị, quảng bá...
Liên quan đến thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam, chuyên gia quản trị và tái cấu trúc doanh nghiệp Hồ Trọng Lai đã từng chia sẻ với TBKTSG quan sát của ông về những tô phở, ly mì ăn liền. Khách hàng sử dụng những sản phẩm này là người ưa tiện lợi, không có thời gian nên nguyên tắc bắt buộc là phải dễ sử dụng. Đơn giản nhất là các loại gia vị cần phải được lượng định chính xác và cho luôn vào tô, nhất định không được đóng vào từng gói nhỏ (dầu, rau củ sấy khô, gia vị) như cách làm hiện nay của nhiều doanh nghiệp.
Các chuyên gia cũng cho rằng, các doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam cũng cần học cách làm của người Thái, đối thủ cạnh tranh trực tiếp bao năm qua. Có vô số cái cần học, từ chuyện đầu tư, chú trọng vào bao bì sản phẩm (vốn là khâu yếu nhất hiện nay của các doanh nghiệp Việt Nam), chuyện tiếp thị, quảng bá; chuyện tìm hiểu xu hướng người tiêu dùng để đưa đúng sản phẩm đang được quan tâm...
Và tất nhiên, trong cuộc chiến này, doanh nghiệp cần được các cơ quan chính phủ hỗ trợ, giống như các nhà sản xuất Thái Lan đã nhận được từ nhà nước của họ. Và để hỗ trợ một cách thiết thực thì ngay cả các cơ quan này cũng cần học cách Chính phủ Thái hỗ trợ doanh nghiệp thực phẩm tiếp cận thị trường. Viện TISTR với sản phẩm “GAC” mà người viết có dịp đến thăm có rất nhiều “gói dịch vụ” dành cho doanh nghiệp từ A-Z. Tức là, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tất cả các khâu, từ nghiên cứu, phát triển; công nghệ cho đến thiết kế bao bì sao cho có thể thương mại hóa thành công. Trong số các doanh nghiệp thì các công ty khởi nghiệp, nhỏ và vừa bao giờ cũng được hỗ trợ hết mức có thể, thậm chí miễn phí các dịch vụ.
Theo Kinh Tế Sài Gòn