tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Dùng tiền tỷ để làm 'đồ bỏ đi'

  • Cập nhật : 14/12/2015

(Kinh doanh)

Trong gần 6 tháng, anh Mạnh đã chi hơn một tỷ đồng để xây dựng phần mềm khớp lệnh trao đổi đồ vật, dịch vụ..., song lúc này anh cũng chưa biết mình sẽ thành công hay thất bại.

Dưới đây là chia sẻ của anh Phan Bá Mạnh, sinh năm 1981 gửi đến VnExpress về câu chuyện khởi nghiệp của mình.

Tôi là một người con của xứ Thanh. Năm 2005, tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Hà Nội, tôi làm việc tại một công ty phần mềm chuyên về giải pháp bán hàng. Sau nhiều năm kinh doanh, tôi có vị trí nhất định trong công ty với mức thu nhập khá cao so với mặt bằng chung.

Đầu năm 2014, nhân một chuyến thiện nguyện cho đồng bào Rục tại Quảng Bình, tôi chứng kiến cảnh thiếu thốn đồ dùng của người dân nơi đây trong khi các gia đình tại thành phố có không ít món đồ thừa muốn bỏ đi mà không tìm được nơi để cho. Khi đó, tôi chợt nghĩ có những thứ đồ dùng mình không muốn sử dụng nữa thì ở đâu đó có người đang cần. Có không ít thứ mà ai đó đang thừa muốn cho đi thì lại là thứ mà bản thân đang tìm kiếm. Chỗ thừa vừa chỗ thiếu, nơi khớp lệnh nhu cầu của những con người cần trao đổi, cho tặng những đồ vật, dịch vụ mà đối với mình không còn giá trị sử dụng nhưng đối với người khác thì đó là món đồ quý. Khi trở về, dù khá bận rộn nhưng tôi vẫn đau đáu ý tưởng làm ra sản phẩm gì đó để giải quyết được nhu cầu "thừa bù thiếu". Phải làm thế nào để mọi người có thể chia sẻ được cho nhau, những điều mình thừa cho người nghèo. Làm thế nào để mọi người có thể tiết kiệm được chi phí mua sắm, đồng thời bảo vệ môi trường. Điều này càng thôi thúc tôi nhanh chóng tìm kiếm một sản phẩm công nghệ thực thụ để thực hiện mơ ước của mình.

anh phan ba manh (ngoai cung ben trai) va cong su nhan giai thuong cua startup insider hackfair dien ra tai tp hcm hoi cuoi thang 11.

Anh Phan Bá Mạnh (ngoài cùng bên trái) và cộng sự nhận giải thưởng của Startup Insider Hackfair diễn ra tại TP HCM hồi cuối tháng 11.

Tháng 6 năm nay, tôi bắt tay vào viết dự án về việc xây dựng một phần mềm có chức năng kết nối những nhu cầu đổi đồ vật dành cho người thừa và người cần. Để chắc chắn về tính khả thi của ý tưởng, tôi tìm đến bạn bè, đồng nghiệp, người thân chia sẻ. Nhờ đó mà tôi có thể đánh giá lại mức độ về nhu cầu cũng như ghi nhận những ý kiến phản biện, tiến tới triển khai ý tưởng.

Sau nhiều phản hồi, hầu hết đều cho rằng đây ý tưởng rất hay và đơn giản, nhưng điều tôi thấy mừng nhất là mọi người đánh giá cao tính thiết thực của sản phẩm với cuộc sống nếu được vận hành chính thức. Một số thì băn khoăn bày tỏ không biết tôi sẽ bắt đầu thực hiện ý tưởng này từ đâu và như thế nào. Vậy là tôi bắt tay vào triển khai luôn ngay sau đó.

Việc đầu tiên là tôi quyết định rút khỏi vị trí lãnh đạo tại công ty để chuyên tâm thực hiện dự án. Ngoài một một số cộng sự cũ, tôi tuyển thêm các kỹ sư phần mềm. Việc tuyển nhân sự với một start-up là điều không dễ dàng, nhất là tuyển mộ được các bạn trẻ tâm huyết và có năng lực. Triết lý nhân sự của tôi là: “Muốn đi nhanh thì cần người tài và muốn đi dài thì cần người tốt”. Tôi đã đưa ra hai lựa chọn cho các đồng nghiệp, hoặc lĩnh lương cao hàng tháng hoặc nhận cổ phần nếu dự án thành công.

Với nhân sự không nhận lương, họ không có thu nhập nên tôi sẽ chi trả toàn bộ chi phí ăn ở, sinh hoạt. Và thực tế là hầu hết các nhân sự tham gia dự án đều chọn hình thức thứ 2 đó là nhận cổ phần khi dự án thành công. Điều này khiến tôi khá hài lòng và cảm thấy có thêm động lực về cộng sự của mình. Bởi thực tế không phải dễ dàng tìm được người cùng chí hướng và dám chấp nhận thử thách "hoặc sống hoặc chết" với một start-up như tôi.

Sau nhiều nỗ lực, đến tháng 9 năm nay - sau gần 4 tháng, dự án mang tên Dobody bắt đầu được triển khai vận hành thử.

Tham vọng của bản thân tôi khi làm dự án này không đơn giản là làm đồ bỏ đi mà sản phẩm thực chất là nền tảng khớp lệnh giữa cung cầu dựa trên nền tảng công nghệ của Google. Thông qua định vị và nhu cầu thừa thiếu của mỗi người dùng, phần mềm cung cấp cho người dùng những gợi ý tiện dùng và hiệu quả trong khớp lệnh. Phần mềm chạy trên cả trình duyệt web lẫn apps điện thoại thông minh. Đây còn là nơi mọi người có thể chia sẻ những khó khăn với đồng bào nghèo bằng cách quyên góp từ thiện.

Khi vận hành, chúng tôi miễn phí hoàn toàn cho người dùng, đồng thời liên tục cải tiến nhằm đưa ra các công cụ hữu ích hơn. Hiện dự án vẫn đang trong quá trình thử nghiệm soát lỗi thông qua sự tham gia của hơn 4.000 sinh viên Đại học công nghiệp Hà Nội.

Với nhiều người khởi nghiệp thì vốn là một trong những khó khăn đầu tiên. May mắn là trước đó tôi đã tích lũy được một khoản vốn, cộng thêm tiền vay mượn. Đến lúc này sau gần 6 tháng triển khai, dự án "đồ bỏ đi" đã ngốn tiền tỷ của tôi. Hiện vẫn còn rất nhiều khoản để chi tiêu để nuôi sống dự án, nên tôi không chắc số tiền đầu tư chỉ dừng lại ở hơn một tỷ đồng này.

Cuối tháng 11 vừa qua, nhóm chúng tôi tham dự chương trình Startup Insider HackFair do Google Devoloper Group tại Việt Nam tổ chức, và Dobody đã vượt qua hơn 50 dự án khởi nghiệp khác để nhận giải Đột phá sáng tạo - một trong 4 giải thưởng cao nhất tại sự kiện. 

Hiện, tôi đã nhận được lời mời của một số nhà đầu tư Nhật sang nước họ để thuyết trình về sản phẩm trước khi tung ra thị trường vào đầu năm sau. Tôi thấy khá hứng khởi. Dù vậy, lúc này, tôi chưa dám khẳng định dự án sẽ thành công trên thị trường. Song, tôi luôn làm việc với tâm thức: "Nếu thành công thì nó là Dobody.vn, còn nếu thất bại thì dự án chỉ là đồ bỏ đi như bao start-up Việt Nam khác".

Khi khởi động dự án, có nhiều start-up nói với tôi là giá như có sẵn nguồn lực, chắc chắn dự án của họ sẽ thành công nhanh hơn. Tôi thì không nghĩ vậy. Tiền bạc, kinh nghiệm không hẳn là lý do duy nhất cản trở ước mơ của những người khởi nghiệp. Tôi cho rằng thiếu quyết tâm, không kiên trì và không chịu học hỏi hoàn thiện mới chính là điều khiến cho nhiều dự án khởi nghiệp thất bại.

(Theo Vnexpress)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục