Mảnh đất rộng 9 hécta của chị nông dân Nguyễn Thị Tâm đang sử dụng để trồng lúa và nuôi tôm nay đã trở thành khu đất bỏ không. Sau đợt hạn hán tồi tệ nhất kể từ những năm 90, hầu như không có thứ gì sinh trưởng được.
Làm giàu nhờ nghề vớt “vàng trắng” trên biển
- Cập nhật : 08/04/2016
(Tin kinh te)
Nhờ nghề vớt sứa trên biển, nhiều hộ dân vùng ven biển Hoằng Trường (Thanh Hóa) đã vươn lên thoát nghèo. Cái nghề độc đáo này được người dân nơi đây gọi là vớt "vàng trắng".
Chân sứa - phần có nhiều giá trị dinh dưỡng nhất trên mình con sứa. Đây là thành phẩm rất đắt mà ngư dân Hoằng Trường làm ra, thường được xuất bán sang thị trường nước ngoài. Ảnh:Quỳnh An.
Sứa là loại sinh vật thân mềm, màu trong suốt, sinh sản rất nhanh và sống ở vùng nước mặn. Mấy năm gần đây, sứa biển trở thành món ăn được nhiều người ưa chuộng.
Cũng từ đó, hàng trăm ngư dân xã Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) có thêm nghề mới là vớt sứa, cái nghề được các ngư dân vùng này còn gọi là vớt "vàng trắng" trên biển.
Nghề vớt sứa diễn ra từ tháng Giêng đến hết tháng Tư Âm lịch. Năm nào cũng vậy, cứ ăn Tết Nguyên đán xong, ngư dân Hoằng Trường lại tất bật chuẩn bị bè mảng, ngư lưới cụ và thực phẩm để vươn khơi đánh bắt.
Thời gian đầu, họ chỉ đánh bắt cách bờ khoảng 2 – 3 hải lý. Khi sứa gần bờ cạn kiệt, ngư dân đầu tư bè máy công suất lớn, dầu đèn tích trữ đi đến các vùng đảo xa như Cô Tô, Cát Bà (Quảng Ninh).
Ông Lê Văn Thiết (xã Hoằng Trường), người có kinh nghiệm nhiều năm vớt sứa khu vực đảo Cô Tô cho biết, chỉ khi nào hết mùa, biển thay dòng nước mới thì sứa mới hết.
"Có ngày chúng tôi vớt cả nghìn con. Ở đảo Cô Tô chỉ sợ không có sức khỏe mà làm, chứ không sợ không có sứa" - ông Thiết nói.
Theo các ngư dân, sứa vớt được đến đâu có thương lái đánh thuyền đến tận bè thu mua. Ngư dân chỉ việc đếm sứa và nhận tiền. Với giá sứa khoảng 10.000 - 20.000 đồng/con thì với những ngày nhiều sứa, ngư dân thu được cả chục triệu đồng.
Ngư dân Lê Văn Quang (35 tuổi) cho biết, công việc đánh bắt sứa cũng giống như đánh cá. Sau khi xác định hướng gió, con nước và hướng di chuyển của sứa, ngư dân đón đầu để thả lưới và chờ cho lưới quây được sứa càng nhiều càng tốt. Khoảng một tiếng sau khi thả lưới thì bắt đầu kéo lưới, vớt sứa.
Cũng theo anh Quang, đối với ngư dân Hoằng Trường, nghề vớt sứa dễ hái ra tiền nhưng cũng là nghề vất vả nhất của họ trong năm. Mỗi ngày, các ngư dân phải ngâm đôi tay của mình dưới nước cả chục tiếng đồng hồ.
Công đoạn vớt sứa lên bè là vất vả nhất. Bởi mỗi con sứa nặng đến 10 - 20 kg, mà họ phải vớt bằng tay. "Khi bị bắt, sứa tiết ra chất độc gây ngứa ngáy, nổi đỏ hột li ti là chuyện thường. Nhiều người không có đủ sức khỏe thì lên đường về sớm" - anh Quang nói.
|Bè vớt sứa lênh đênh cả tháng trời nên việc mua thức ăn của ngư dân cũng diễn ra luôn trên biển. Ảnh: Quỳnh An.
Chưa kể đến việc, cuộc sống trên đảo gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Chuyện thiếu nước ngọt, thiếu rau xanh xảy ra như cơm bữa.
Tuy vất vả, nhưng cái nghề này lại trả cho các ngư dân nguồn thu nhập xứng đáng. Mỗi vụ, bè nào ít cũng được 200 triệu, bè nào bội thu thì được 300 - 400 triệu.
Với nguồn thu nhập ổn định này, cuộc sống của nhiều hộ gia đình xã Hoằng Trường thay đổi hoàn toàn. Nhà cửa kiên cố mọc lên san sát, con cái của họ được học hành đến nơi đến chốn.
Theo Zing News