Thương mại điện tử là xu hướng bán lẻ phù hợp nhất trong bối cảnh hiện tại của đất nước.
Doanh nhân châu Phi sợ Trung Quốc, muốn tìm sang Việt Nam
- Cập nhật : 06/05/2018
Nhiều doanh nhân châu Phi thừa nhận kiếm ăn tại Trung Quốc không dễ do nhiều yếu tố. "Giấc mơ Trung Quốc" không thành, giờ họ muốn về quê hoặc chuyển hướng sang Việt Nam, Campuchia...
Người châu Phi đi ngang qua khu mua bán có tên Việt Dương ở thành phố Quảng Châu - Ảnh chụp màn hình SCMP
Trong khi các doanh nhân Trung Quốc ngày càng nhìn thấy những cơ hội béo bở ở châu Phi, thì những nhà làm ăn đến từ lục địa đen lại ngày một chán nản khi giấc mơ của họ ở đất nước tỉ dân đang trở nên mù mịt, theo báo South China Morning Post của Hong Kong ngày 6-5.
Đó là tình cảnh của các nhà kinh doanh châu Phi đang sống tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, đông nam Trung Quốc. Thành phố này vốn có một khu được mệnh danh là "Tiểu Châu Phi" của Trung Quốc.
Hai bức tranh quá khác biệt
Don, một thương nhân đến từ Kenya, tâm sự chuyện làm ăn của ông ở Quảng Châu ngày càng trở nên khó khăn và ông đang nghĩ tới chuyện rời khỏi thành phố này.
Sống ở Quảng Châu đã được 4 năm, người đàn ông không tiết lộ đầy đủ danh tính cho biết ông theo đuổi giấc mơ thành người giàu có bằng cách kiếm lợi từ việc mua hàng hóa giá rẻ ở Trung Quốc và bán cho quê nhà của ông.
Tuy nhiên, chuyện kiếm miếng ăn ngày càng khắc nghiệt hơn. "Giờ chúng tôi chỉ có thể kiếm được một nửa số lời so với trước đây" - ông Don kể lại.
Trong khi đó, ở Ghana, đất nước cách Trung Quốc hàng chục ngàn km, là một bức tranh hoàn toàn khác.
Ông Su Zhen Yu - một thành viên nổi bật của cộng đồng người Hoa sống ở đất nước Tây Phi này từ năm 1995, đang bận rộn với chuyện giúp những người Trung Quốc mới đến tìm đất xây dựng nhà máy, thuê nhân công địa phương…
"Khi tôi lần đầu tiên đến Ghana vào năm 1995, chỉ có khoảng 100 người Trung Quốc. Giờ thì con số này đã hơn 20.000 hay 30.000 người" - ông Su nhớ lại.
Chỉ trong một thập niên, cơ hội làm ăn tại Trung Quốc và châu Phi đã đảo ngược khi các doanh nhân Trung Quốc tìm thấy những tiềm năng lớn hơn ở lục địa đen trong khi người châu Phi lại sống trong sự túng quẫn ở Trung Quốc.
Các doanh nhân đến từ những quốc gia châu Phi bắt đầu đổ xô tới thành phố Quảng Châu sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) hồi năm 2001.
Làn sóng này mạnh tới mức trong những năm 2000, khu Tiểu Bắc của thành phố Quảng Châu đã được mệnh danh là "Tiểu Châu Phi". Nhà chức trách Quảng Châu cho biết số người châu Phi sống tại Quảng Châu là khoảng 20.000 người. Tuy nhiên, truyền thông địa phương hồi năm 2009 báo cáo con số này có thể lên tới 100.000, bao gồm cả những người ở quá hạn thị thực.
Tuy nhiên, trong những năm qua, người ta đã chứng kiến một số lượng lớn người châu Phi rời khỏi Quảng Châu. Số liệu cho thấy tính tới tháng 2-2017, số người châu Phi sống ở Quảng Châu đã giảm còn 10.344 người, chiếm 13% trong tổng số 77.877 người nước ngoài có giấy tờ hợp pháp ở Quảng Châu.
Việt Nam, Campuchia… thành "miền đất hứa"
Theo ông Felly Mwamba - lãnh đạo cộng đồng người Congo ở Quảng Châu đến từ năm 2003, có khoảng 700 người Congo sống ở Quảng Châu trong năm 2016 và khoảng 560 người trong năm ngoái. Tuy nhiên, hiện chỉ còn 500 người Congo sống ở Quảng Châu.
Một trong nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do giá cả ngày một tăng ở Quảng Châu, khiến thu nhập của người châu Phi giảm đi đáng kể.
"Bây giờ chúng tôi chỉ có thể kiếm lời khoảng 2.000 USD trên mỗi container chứa số hàng hóa trị giá 20.000 USD. Nhiều người thua lỗ sau khi chi trả nhiều loại phí như thị thực, vé máy bay cùng các chi phí sinh hoạt. Đó là lý do tại sao ngày càng nhiều người châu Phi rời khỏi Quảng Châu" - ông Mwamba lý giải.
Trong khi đó, nhiều doanh nhân Trung Quốc tại thị trường châu Phi lại có lợi thế hơn bởi các yếu tố ưu đãi.
"Những người Trung Quốc đó có thể hưởng ưu đãi khi làm ăn ở Congo chẳng hạn miễn thuế, trong khi người bản địa thậm chí phải nộp từ 5%-10% thuế nếu mua hàng hóa ở Trung Quốc và nhập về Congo" - ông Mwamba làm phép so sánh đơn giản.
Thương nhân Don đến từ Kenya thì lại nói rằng chi phí sinh hoạt tăng đã khiến nhiều người châu Phi tìm kiếm những nơi khác dễ sống hơn Quảng Châu.
"Lợi nhuận của chúng tôi rất ít so với trước đây. Hầu hết số hàng hóa được thương nhân châu Phi lấy từ Trung Quốc là các hàng hóa cơ bản như quần áo, giầy dép, hàng điện tử, điện thoại rẻ tiền. Trong khi đó, giá hàng hóa, chi phí vận chuyển, giá cả sinh hoạt đang tăng rất cao ở Trung Quốc" - ông Don tâm sự.
Thương nhân người Kenya này cho biết nhiều người châu Phi ở Quảng Châu ngày một có xu hướng quay lại quê nhà hoặc khám phá các thị trường mới như Ấn Độ, Việt Nam và Campuchia.
Ông Baye Alioune Samb - cố vấn kinh tế tại lãnh sự quán Senegal ở Quảng Châu, cũng thừa nhận số lượng người châu Phi ở Quảng Châu đang giảm nhanh, và một số doanh nhân châu Phi chuyển hướng tìm kiếm cơ hội ở các quốc gia châu Á khác.
"Chúng tôi bắt đầu nghe nói Việt Nam đang nổi lên trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa tương tự Trung Quốc trong thập niên 1980" - ông Samb đề cập tới Việt Nam như một thị trường tiềm năng mà các doanh nhân châu Phi hướng tới.
Các doanh nhân châu Phi và Trung Quốc trao đổi tại một sự kiện thúc đẩy đầu tư Trung Quốc - châu Phi hồi năm 2014 - Ảnh: AFP
Nhân viên lãnh sự quán Senegal ở Quảng Châu cho biết bên cạnh cuộc cạnh tranh khốc liệt và lợi nhuận giảm, điều kiện sống không ổn định cùng các vấn đề về thị thực đang gây khó dễ cho chuyện làm ăn của người châu Phi ở thành phố này.
"Chính sách nhập cư của Trung Quốc khắc nghiệt với hầu hết người châu Phi. Lấy được thị thực rất đắt đỏ, mà thường chỉ có thời hạn 1 hoặc 3 tháng nên không đủ lâu để làm ăn. Họ không nhìn thấy tương lai ở Trung Quốc" - ông Samb giải thích.
Câu chuyện chia rẽ xã hội giữa người châu Phi và những người bản địa ở Quảng Châu cũng phần nào nói lên tình trạng trên. Theo cô Lisa - một công dân Congo vừa đến Quảng Châu năm nay, việc hòa nhập với xã hội Trung Quốc không phải là chuyện dễ đối với người châu Phi.
"Tôi thật sự thích Quảng Châu vì nó phát triển và tiện lợi hơn nhiều so với quê tôi. Nhưng lại có nhiều khác biệt giữa Trung Quốc và châu Phi, do đó để hòa nhập với người bản địa là chuyện khó khăn" – cô chia sẻ.
Lisa giải thích chi tiết: "Người Trung Quốc không nhìn nhận giá trị và nét đẹp của cộng đồng người châu Phi, như màu da và tôn giáo của chúng tôi. Tôi không tìm ra một nhà thờ thật sự để cầu nguyện. Tôi vô cùng thất vọng!".
Bình An
Theo Tuoitre.vn