LS Phạm Công Út cho rằng, việc Tân Hiệp Phát “đổ lỗi” cho đại lý trong bảo quản gây ra sự cố lên men của hơn 79 chai Dr Thanh tại Cà Mau là đang “né” tránh nhiệm.
Doanh nghiệp dịch vụ phát triển kinh doanh: Đường đi dần mở
- Cập nhật : 02/05/2016
(Tin kinh te)
Với việc ký kết hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA), các DN dịch vụ, đặc biệt DN cung cấp dịch vụ phát triển kinh doanh được nhận định sẽ là điểm sáng trong bức tranh kinh tế 2016.
Chưa nhiều thuận lợi
Theo Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2015 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xuất bản, số lượng các DN dịch vụ tăng lên đáng kể, giai đoạn 2007-2015 đã có 300.768 DN, chiếm 68,35% tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam. Điều này phần nào cho thấy sự phổ biến và tầm quan trọng của DN dịch vụ đối với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ đóng góp ở khu vực DN dịch vụ phát triển kinh doanh vẫn còn nhiều hạn chế, mới chỉ đóng góp 1,3% tổng GDP trong giai đoạn 2011-2014 nên “đất” để phát triển ngành này vẫn còn nhiều rộng mở.
Với sự phát triển của thị trường, các DN dịch vụ phát triển kinh doanh ở Việt Nam đã xuất hiện với nhiều ngành nghề đa dạng. Ông Ngô Thế Hùng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần logistics Thắng Lợi cho hay, Việt Nam mở cửa nên thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Với các DN này, họ thường không tự làm các dịch vụ về vận tải, XNK mà sẽ đi thuê lại các công ty của Việt Nam. Chính vì thế, cơ hội công việc đến với các DN logistics của Việt Nam nhiều hơn, nhưng phải DN nào làm tốt, dịch vụ uy tín mới được các DN lớn lựa chọn, nếu không, các DN trong nước chỉ làm ăn nhỏ lẻ, đi thuê lại của nhau.
Cũng chọn phát triển theo lĩnh vực dịch vụ phát triển kinh doanh, tuy nhiên, Công ty Cổ phần Phát triển Khoa học công nghệ Vina (Vina CHG) lại lựa chọn dịch vụ chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu. Đây là lĩnh vực vẫn tương đối mới mẻ, thậm chí “lạ lẫm” với nhiều DN Việt Nam. Ông Nguyễn Viết Hồng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vina CHG chia sẻ, công tác chống hàng giả từ trước đến nay vẫn bị cho là chuyện riêng của các cơ quan chức năng, nhiều DN Việt Nam chưa thật sự quan tâm đến giá trị của thương hiệu, cho đến khi có sự cố, tranh chấp xảy ra. Chính vì thế, DN cung cấp dịch vụ này thường là các công ty, tập đoàn nước ngoài hoặc liên kết nước ngoài để bảo vệ các thương hiệu ngoại khi đầu tư vào Việt Nam, còn các DN Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này rất ít và chỉ cung cấp các dịch vụ đơn lẻ.
Về thực trạng của các DN của lĩnh vực dịch vụ nêu trên, ông Hồng cho hay, nhiều DN không tổ chức thành hệ thống pháp lý hoàn chỉnh, thậm chí, không phải DN nào cũng đủ tư cách pháp nhân để hoạt động. Đơn cử như việc in tem chống giả, đây là một ngành đặc thù kinh doanh có điều kiện và cần phải được cấp giấy phép để hoạt động theo quy định của pháp luật, nhưng nhiều DN không có nhà in, không có chức năng in vẫn làm dịch vụ môi giới, vẫn lấy giấy phép in ấn thông thường để tiến hành cung cấp dịch vụ, trên thực tế chỉ là những tem nhãn mang tính chất cung cấp thông tin đơn thuần.
Thay đổi nhận thức
Theo khảo sát của VCCI, trong 600 DN được khảo sát, dịch vụ phát triển kinh doanh, các DN sử dụng nhiều nhất là dịch vụ kế toán, kiểm toán và tư vấn thuế (65%), tiếp đến là dịch vụ liên quan đến pháp lý (49%), quảng cáo (46,2%), dịch vụ nghiên cứu, khảo sát, thăm dò dư luận (23,3%), dịch vụ thử nghiệm và phân tích kỹ thuật (30,1%). Điều này phần nào cho thấy, nhiều DN Việt Nam vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc sử dụng dịch vụ phát triển kinh doanh.
Về những hạn chế trong nhận thức của DN đối với lĩnh vực này, ông Nguyễn Gia Cường, đại diện Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn Đại Dương (dịch vụ tư vấn thương mại điện tử) cho biết, nhận thức của nhiều DN về thương mại điện tử vẫn chưa đầy đủ nên không biết cách tận dụng những ưu điểm của thương mại điện tử cũng như dịch vụ của Công ty. Vì thế, nhiều DN chỉ sử dụng trong thời gian đầu, về sau lại bỏ mặc.
Đây là tình trạng chung của các DN dịch vụ phát triển kinh doanh tại Việt Nam hiện nay, bởi nhận thức của nhiều DN đối với các dịch vụ còn nhiều hạn chế. Thậm chí, đa phần DN Việt Nam là DN vừa và nhỏ, không có nhiều tiềm lực kinh tế để sử dụng các dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh doanh.
Ông Nguyễn Viết Hồng quan ngại khi cho rằng, nhiều DN ở Việt Nam chưa thật sự hiểu được tầm quan trọng của việc in tem chống giả, bảo vệ thương hiệu, hoặc có hiểu thì không ít DN chấp nhận “sống chung với lũ” hoặc “tiết kiệm” nên chỉ in những tem nhãn giá rẻ, không có tính pháp lý, chỉ mang tính chất cung cấp thông tin đơn thuần. Đây cũng là một trong những rào cản để DN dịch vụ ngành này khó phát triển.
Nỗ lực phát triển
Bước chân ra “biển lớn”, DN Việt Nam sẽ phải nâng tầm lên tiêu chuẩn quốc tế để cạnh tranh với các DN nước ngoài. Do đó, các DN sẽ cần nhiều hơn sự phục vụ, hỗ trợ từ các DN dịch vụ phát triển kinh doanh. Đây chính là cơ hội, nhưng cũng là yêu cầu buộc các DN ngành dịch vụ phải tự tìm cách hoàn thiện mình, kêu gọi sự hợp tác của khách hàng.
Trong lĩnh vực hậu cần, ông Ngô Thế Hùng cho hay, lĩnh vực logistics hiện nay đã được các DN biết đến nhiều hơn. Tuy nhiên, để thu hút khách hàng, các DN logistics không thể chỉ mang đến bảng báo giá là xong mà phải thực hiện các chiến lược để gây sự chú ý với khách hàng. Theo đó, khi tiếp thị đến khách hàng, Công ty phải cử đội ngũ thuyết trình với nghiệp vụ vững về hải quan, XNK, vận tải… để khách hàng thấy được mình sẽ được lợi gì, được những ưu đãi gì khi sử dụng dịch vụ. Điều này đòi hỏi các DN phải đầu tư nhân lực có chuyên môn cao, phải có chiến lược làm việc một cách chuyên nghiệp nhất.
Cũng tương tự, ông Nguyễn Gia Cường cho biết, Công ty đã có riêng đội ngũ làm dịch vụ hỗ trợ DN hoạt động, đăng tải thông tin, trình bày website, thậm chí hỗ trợ cả các giao dịch mua bán. Trong thời gian đầu, Công ty có thể hỗ trợ miễn phí cho DN, sau đó sẽ dựa theo % giá trị hợp đồng để tính phí.
Không chỉ cải thiện hoạt động mà các DN còn phải biết tận dụng đặc điểm khách hàng khi thị trường mở cửa. Ông Nguyễn Viết Hồng cho hay, Vina CHG đã có được hệ thống khách hàng là các thương hiệu lớn, uy tín trong nước và các DN có yếu tố nước ngoài. Đây là những DN có mức độ quan tâm nhiều nhất để bảo vệ sản phẩm của họ, để được hỗ trợ trong công tác phát hiện, điều tra và xử lý hàng giả tại Việt Nam.
Nhìn chung, các DN dịch vụ phát triển kinh doanh tại Việt Nam đều có những nỗ lực để phát triển. Sự hỗ trợ của Nhà nước là rất cần thiết nhưng DN phải tự hoàn thiện mình mới là điều cần thiết nhất để tiến lên. Với bối cảnh hiện nay, các DN ngành này không có lý do gì để lùi bước và vẫn sẽ tiếp tục là điểm sáng của toàn cảnh kinh tế Việt Nam những năm tới.
Chi Mai
(Theo Báo Hải Quan)