Việc Central Group sở hữu Big C Việt Nam sẽ giúp hàng Thái sẽ được bày bán tại hệ thống siêu thị lớn thứ hai cả nước.
Cuộc thoái trào của "ông lớn" Metro ở các thị trường tiềm năng
- Cập nhật : 04/05/2016
(Tin kinh te)
Nếu Walmart là niềm tự hào của nền kinh tế Mỹ trong lĩnh vực bán lẻ thì nước Đức lại hãnh diện khi có Metro AG - tập đoàn bán buôn, bán lẻ giữ thị phần lớn nhất ở Đức, đứng thứ hai ở châu Âu và thứ tư trên toàn cầu.
Thế mạnh của Metro là bán buôn, thậm chí Metro Cash & Carry, mảng kinh doanh bán buôn của doanh nghiệp này hiện đang được xếp hàng đầu thế giới, chiếm một nửa doanh thu của Metro.
Tuy nhiên, những tác động từ tình trạng đình trệ của kinh tế thế giới đang khiến cái danh “ông lớn” của Metro bị lung lay, sau khi chứng kiến lợi nhuận liên tục sụt giảm và buộc phải lên kế hoạch rút khỏi một số thị trường tiềm năng.
“Đại gia” bán buôn
Với cửa hàng đầu tiên được mở ra tại Mülheim (Đức) vào năm 1964, đà phát triển nhanh mạnh đã giúp Metro vươn ra khỏi biên giới nước Đức khi thiết lập cửa hàng đầu tiên tại Hà Lan vào năm 1968.
Đến năm 1970, siêu thị Metro lần đầu tiên xuất hiện tại Bỉ, sau khi đã sở hữu tới 13 cửa hàng trong nước.
Năm 1971, Metro bắt đầu hoạt động bán buôn ở Pháp, Áo, Đan Mạch, dưới tên thương hiệu Makro. Tập đoàn này đã mở cửa hàng đầu tiên ở Tây Ban Nha và Italy vào năm 1972. Liên tiếp sau đó, Metro tiếp tục mở thêm các cửa hàng ở nhiều nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Bồ Đào Nha.
Đáng chú ý, đây là một trong những tập đoàn thương mại đầu tiên thâm nhập Đông Âu, với sự hiện diện tại Hungary và Ba Lan vào năm 1994.
Đến năm 2002, Metro bắt đầu tấn công mạnh hơn thị trường châu Á bằng việc mở cửa hàng đầu tiên ở Nhật Bản và Việt Nam, sau khi sở hữu tới 15 siêu thị tại Trung Quốc.
Gần đây nhất là năm 2013, Metro đã khai trương cửa hàng thứ 750 trên thế giới ở thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc.
Như vậy, sau 50 năm hoạt động, tính tới năm 2014, Metro đã hiện diện tại 27 quốc gia châu Âu và châu Á.
Hiện tập đoàn hoạt động dựa trên các thương hiệu độc lập trong các phân khúc thị trường tương ứng gồm Metro Cash & Carry chuyên về bán buôn, Media Markt và Satum - chuyên về thiết bị điện tử bán lẻ, Real - hệ thống đại siêu thị và Galeria Kaufhof - cửa hàng bách hóa.
Chiến lược sau thời hoàng kim
Tuy chứng kiến đà phát triển mạnh mẽ với tầm ảnh hưởng lớn trong ngành bán buôn, bán lẻ, song những “cơn gió ngược” từ tình hình kinh tế thế giới cũng khiến thời hoàng kim của Metro thoái trào từ năm 2013.
Bước chân vào Việt Nam từ khá lâu nhưng cuộc chơi của đại gia bán lẻ Metro cũng sớm đứt gánh. Sau những khó khăn trong cạnh tranh, Metro đã phải bán nhượng tài sản và dừng cuộc chơi, chấm dứt tham vọng trở thành một đại gia bán lẻ trên thị trường Việt Nam.
Thương vụ chuyển nhượng hệ thống siêu thị Metro Cash & Carry tại Việt Nam vào tháng 8/2014 không chỉ gây chú ý của giới bán lẻ và truyền thông trong nước, mà cả khu vực.
Theo công bố của Metro Cash & Carry, trong 12 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, công ty này chỉ có 2 năm có lãi và chưa đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngân sách nhà nước.
Trong quý 2/2014, Metro AG chứng kiến doanh số bán hàng giảm 2,7%, đạt 14,86 tỷ euro. Đây là quý thứ hai liên tiếp doanh thu của họ bị sụt giảm sau lần giảm 3,3% vào quý trước.
Tệ hơn, trong quý 2/2014, Metro AG thông báo lỗ 63 triệu euro (tương đương 84,4 triệu USD), tăng gấp đôi so với con số 33 triệu euro cùng kỳ năm 2013, đồng thời thấp hơn hẳn so với lợi nhuận ròng kỳ vọng của giới phân tích là 84 triệu euro.
Kết quả đáng thất vọng trên của Metro AG được cho là do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới chưa hồi phục và xung đột ở Ukraine, gây ra tình hình căng thẳng giữa Nga và phương Tây.
Trước những khó khăn đó, Metro buộc phải tái cơ cấu lại hoạt động kinh doanh trên phạm vi toàn cầu, trong đó tập trung vào lĩnh vực kinh doanh nòng cốt và thị trường chính ở châu Âu, đồng thời tiết giảm chi phí, tăng cường kỷ luật chi tiêu tài chính.
Thực hiện tái cơ cấu, Metro đã bán nhiều cơ sở kinh doanh của mình, như Makro Cash & Carry tại nước Anh tháng 7/2012; đóng cửa Media Markt tại Trung Quốc ngày 28/2/2013; thanh lý các siêu thị Real tại Đông Âu, bao gồm Nga, Romania, Áo; xem xét đóng cửa 14 siêu thị Media-Saturn (bảy siêu thị ở Trung Quốc) và 44 siêu thị Real (trong đó, thanh lý 39 siêu thị ở Đông Âu).
Như vậy, có thể thấy việc Metro thoái lui ở thị trường Việt Nam là nằm trong kế hoạch tổng thể về tái cơ cấu của tập đoàn này.
Mới đây nhất, Metro AG cho biết dự định tách thành hai doanh nghiệp, theo đó việc kinh doanh bán buôn gồm các cửa hàng Cash & Carry và công ty con bán thực phẩm Real sẽ trở thành một công ty riêng, còn công ty cổ phần Metro AG hiện nay về cơ bản sẽ chỉ bao gồm các cửa hàng bán đồ điện tử Media và Saturn.
Ban lãnh đạo tập đoàn cho biết, hai đơn vị kinh doanh sẽ độc lập với nhau, cùng niêm yết trên thị trường chứng khoán. Việc phân chia nhằm mở ra những triển vọng tăng trưởng mới cho cả hai lĩnh vực.
Sau khi kế hoạch trên được công bố, giá cổ phiếu của Metro đã tăng vọt thêm 9%. Tuy nhiên, Metro cho biết chưa có quyết định cuối cùng về việc chia tách, mà còn chờ kiểm tra cũng như còn phải chờ Hội đồng Giám sát phê chuẩn kế hoạch này.
Dự kiến, nếu các bên nhất trí, kế hoạch này sẽ được thực hiện vào giữa năm 2017.