Nghiên cứu hàng năm từ CBRE về xu hướng phát triển mặt bằng bán lẻ toàn cầu cho thấy 12,5 triệu m2 diện tích sàn tại các trung tâm thương mại đã được hoàn thành trong năm 2016, tăng 11,4% so với năm 2015.
Cuộc chiến giữ sân nhà: Không dễ 'bắt nạt' cà phê Việt
- Cập nhật : 09/05/2017
Một số tên tuổi lớn trên thị trường cà phê thế giới đã âm thầm rút lui trước sự cạnh tranh quyết liệt của chuỗi cà phê Việt. Nhưng cuộc chiến cà phê vẫn đang tiếp diễn khốc liệt hơn bao giờ hết.
Các thương hiệu cà phê Việt đang cạnh tranh quyết liệt nhằm giữ vững vị thế sân nhà. Ảnh: Ngọc Dương.
“Ông lớn” cà phê tấn công thị trường Việt
Các cửa hàng cà phê The Coffee Bean & Tea Leaf hay Starbucks, Caffe Bene… ở quận 1, TP.HCM luôn chật kín người. Tại một cửa hàng Caffe Bene trên đường Lê Lai, một bạn trẻ cho biết mình là “fan” trung thành của chuỗi cà phê này.
“Giá một ly cà phê đá xay hay pha kem trung bình thường là 80.000 đồng, cũng không phải đắt lắm so với mặt bằng cà phê cao cấp hiện nay. Ly cà phê của Bene béo lạnh, cảm thấy rất sảng khoái khi uống. Không gian quán đẹp, thoáng mát, nhạc nhẹ nhàng. Nhìn chung giá cả hoàn toàn xứng đáng so với chất lượng”, bạn này nhận xét. Caffe Bene là thương hiệu cà phê nổi tiếng nhất Hàn Quốc với hơn 1.500 cửa hàng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Caffe Bene chính thức khai trương tại đường Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM vào năm 2014 và đến nay đã có 5 cửa hàng trên toàn thành phố.
Cửa hàng Starbucks cạnh bên Caffe Bene Lê Lai cũng chật kín khách. Một nhân viên tại cửa hàng này cho hay khách đến cửa hàng rất đa dạng, có cả người ngoại quốc lẫn người Việt Nam, từ các bạn trẻ đến doanh nhân, người đi làm… “Hầu hết thực khách đều chuộng loại cà phê đá xay vì thức uống mát lạnh, thích hợp với thời tiết nắng nóng ở Việt Nam. Cửa hàng lúc nào cũng đông khách từ sáng đến tối”, nhân viên này cho biết.
Có mặt ở Việt Nam từ năm 2013 nhưng tới nay Starbucks đã có 27 cửa hàng (20 tại TP.HCM và 7 tại Hà Nội). Với định vị thương hiệu cao cấp hướng đến nhóm khách hàng ngoại quốc và giới văn phòng có thu nhập cao nên đồ uống của Starbucks luôn có mức giá trong nhóm cao nhất tại Việt Nam, trung bình 85.000 - 100.000 đồng/ly.
Cuộc cạnh tranh khốc liệt
Sự xuất hiện của những thương hiệu cà phê hàng đầu thế giới tại Việt Namđã gây lo lắng cho không ít người bởi không chỉ là cà phê, họ còn mang tới một văn hóa, một phong cách và các loại thức uống hiện đại, trẻ trung, đa dạng... Tuy nhiên, không dễ "bắt nạt" cà phê Việt. Thương hiệu cà phê nổi tiếng đến từ Úc Gloria Jean’s Coffees gặp nhiều khó khăn khi gia nhập thị trường và mới đây cũng đã “âm thầm” rời Việt Nam khi cửa hàng cuối cùng tại Grand View, Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP.HCM) phải đóng cửa.
Trước đó, tháng 7/2016, chuỗi cửa hàng New York Dessert Cafe (NYDC) nổi tiếng, một trong những thương hiệu cà phê ngoại nhập đầu tiên xuất hiện tại TP.HCM, được đưa vào Việt Nam năm 2009 bởi SUTL Group (Singapore) cũng đã chính thức đóng cửa.
Trong khi đó, một loạt thương hiệu chuỗi đồ uống trong nước như Phúc Long, Trung Nguyên, The Coffe House… đang tăng nhanh. Có thể dễ dàng nhận thấy ở đâu có Starbucks, Caffe Bene, ở đó có sự hiện diện của Phúc Long, Trung Nguyên.
Tại khu vực khách sạn New World (quận 1), cửa hàng Phúc Long đối diện Starbucks hầu như lúc nào cũng kín chỗ. Đối tượng của Phúc Long khá đa dạng, từ người đi làm, khách du lịch đến cả giới học sinh, sinh viên. Phúc Long nhanh chóng đưa thương hiệu của mình đến với khách hàng nhờ vào hương vị truyền thống của trà và cà phê Việt.
Một khách hàng cho biết: “Thực đơn của Phúc Long khá phong phú, có trà, cà phê cùng các loại thức uống đá xay không khác các thương hiệu ngoại là mấy nhưng giá bán khá hợp lý, chỉ tầm 25.000 - 60.000 đồng/ly cà phê hoặc trà”.
Cà phê Trung Nguyên là một trong những thương hiệu nổi tiếng hàng đầu tại Việt Nam và đang có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới. Dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng đến hôm nay Trung Nguyên vẫn là điểm đến quen thuộc của nhiều người. Tại một quán cà phê Trung Nguyên trên đường Đồng Khởi, quận 1, anh Albert Dominik, đang sống làm việc tại TP.HCM nhận xét: “Cà phê Trung Nguyên là loại cà phê ngon nhất mà tôi từng được uống, hương vị rất đậm đà, rất Việt Nam”.
Bên cạnh các thương hiệu lớn như Phúc Long hay Trung Nguyên, các chuỗi cửa hàng cà phê Việt như Passio, Urban Station, Effoc... cũng đang dần xây dựng được chỗ đứng của mình.
Theo Báo Thanh Niên