Việc có nhiều đơn vị tham gia vào thị trường bán buôn điện cạnh tranhsẽ góp phần làm giảm sự độc quyền của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Quan hệ đối tác-đối thủ của các nước châu Á nhìn từ Formosa
- Cập nhật : 09/05/2017
Các doanh nghiệp châu Á vẫn đang hình thành những liên minh xuyên biên giới, dù có một số bất đồng giữa các quốc gia.
Một dự án xây dựng nhà máy luyện thép lò cao tại Việt Nam đang có sự tham gia cùng lúc của Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn là những quốc gia còn tồn tại một số bất đồng ngoại giao. Với những ai không am hiểu lắm về châu Á, đây có thể là một hiện tượng rất khó hiểu.
Nhà máy luyện thép này hiện đang được xây dựng tại tỉnh Hà Tĩnh, do tập đoàn hóa chất hàng đầu của Đài Loan Formosa Plastics Group (FPG) làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng bởi tập đoàn China Metallurgical (MCC), một doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc.
Dự án này đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư khác nhau. Bên cạnh Formosa còn có China Steel (nhà sản xuất thép lớn nhất Đài Loan) và JFE Steel (Nhật Bản). Ngoài ra, tham gia với tư cách nhà thầu là các tập đoàn thép Posco và Samsung C&T đến từ Hàn Quốc.
Mặc dù dự án này từng bị trì hoãn nhiều lần, nhưng hiện tại thì việc xây dựng vẫn đang được triển khai một cách đều đặn.
Cuộc chơi đa quốc gia
Theo bình luận từ trang tin Nikkei của Nhật Bản, điều làm nên tính đặc biệt của dự án này là sự đa dạng một cách bất ngờ của các bên tham gia. Ngoài những mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có những tranh chấp kéo dài về mặt lịch sử, và Trung Quốc đã lên án Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở nước này. Trong khi đó, Trung Quốc và Đài Loan lại có mâu thuẫn về vấn đề "một Trung Quốc".
Không chỉ có vậy, mức độ cạnh tranh đang tăng lên ở châu Á cũng như "dầu đổ vào lửa" cho chủ nghĩa dân tộc về kinh tế. Bất chấp điều đó, các doanh nghiệp trong khu vực vẫn đang hình thành những liên minh xuyên biên giới trong những lĩnh vực như sản xuất ô tô, thiết bị gia dụng và nhiều ngành công nghiệp khác.
Những mối quan hệ kinh tế có vẻ mâu thuẫn này tồn tại và phát triển ở châu Á nhờ vào những khoảng cách lớn về phát triển kinh tế trong khu vực: có nước thu nhập cao như Nhật Bản, thu nhập trung bình-cao như Hàn Quốc và Đài Loan, thu nhập trung bình như Trung Quốc và thu nhập thấp như các nước Đông Nam Á.
Trong ngành công nghiệp thép, các doanh nghiệp Nhật Bản khá tự hào về công nghệ tiên tiến nhất, theo sau là doanh nghiệp Hàn Quốc và Đài Loan, tiếp theo là Trung Quốc, còn Việt Nam vẫn chưa có đủ số lượng lò cao khi nền kinh tế mới chỉ tăng trưởng những năm gần đây.
Tuy vậy, khi nói đến chi phí sản xuất, trật tự này bị đảo ngược hoàn toàn. Các nhà sản xuất thép ở Việt Nam có chi phí cạnh tranh nhất, tiếp theo là Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan rồi mới đến Nhật Bản.
Điều này giải thích sự xuất hiện của nhà máy thép tại Hà Tĩnh và các dự án đa quốc gia khác ở vùng Đông Á. Mục tiêu của các dự án này là tìm kiếm sự kết hợp tối ưu về công nghệ sản xuất tiên tiến nhất nhưng có chi phí thấp nhất.
Với dự án lò cao, Formosa chọn nhà thầu Trung Quốc vì có chi phí ít tốn kém hơn so với các nhà thầu Hàn Quốc và Đài Loan. Việc chọn một công ty Việt Nam có thể sẽ còn giúp tiết kiệm chi phí nhiều hơn nữa, tuy nhiên trình độ chuyên môn có thể sẽ chưa bằng nhà thầu Trung Quốc.
Đối với các hệ thống đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao hơn, Formosa đã chọn một công ty xây dựng của Hàn Quốc. Khi nhà máy đi vào hoạt động, hãng có thể sẽ trông cậy vào nguồn nhân công giá rẻ của Việt Nam và hỗ trợ công nghệ từ nhà đầu tư JFE Steel của Nhật Bản.
Quan hệ cộng sinh
Tại Châu Á đã hình thành nên một chuỗi sản xuất điện tử và ô tô có hiệu suất cao, nhờ sự kết hợp các công ty hay địa điểm có thế mạnh riêng trong từng lĩnh vực, từ sản xuất thiết bị và vật liệu trung gian đến công đoạn lắp ráp, bằng cách tận dụng các trình độ kinh tế khác nhau giữa các nước trong khu vực. Nikkei gọi hệ thống phức tạp này là "đội châu Á" (Team Asia).
Lẽ ra về mặt lý thuyết thì sự chênh lệch về trình độ và thu nhập sẽ rất khó để các nền kinh tế hòa hợp với nhau, nhưng tại châu Á thì nó đã tạo ra sự hội nhập thông qua việc phân công lao động giữa các khâu sản xuất.
Nhờ có sự phân công này, các doanh nhân và quan chức chính phủ châu Á biết rằng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ bị tổn hại, nếu các bất đồng về chính trị len lỏi vào các vấn đề kinh tế. Việc trừng phạt kinh tế với nước khác cũng có thể gây thiệt hại cho chính mình.
Việt Nam đã nhập 18,4 triệu tấn thép trong năm 2016, tăng 18% so với năm trước. Nếu con số này tiếp tục tăng thì Việt Nam sẽ phải gánh mức thâm hụt thương mại lớn. Lò luyện thép ở Hà Tĩnh được cho là rất cần thiết để giảm sự lệ thuộc của Việt Nam vào thép nhập khẩu.
Dĩ nhiên là sự chênh lệch giữa các nền kinh tế châu Á sẽ không kéo dài mãi như hiện tại. Các doanh nghiệp trong những nền kinh tế đang phát triển đang không ngừng nỗ lực đuổi theo những đối thủ lớn. Và khi các công ty ở những nước phát triển có thể mất lợi thế về công nghệ, các công ty ở các nền kinh tế mới nổi cũng có thể sẽ mất đi lợi thế về chi phí theo tiến trình phát triển.
Trong những ngành công nghiệp mà mức độ chênh lệch đã được thu hẹp, hay thứ hạng dần đảo ngược, thì sự cạnh tranh sẽ thay thế mối quan hệ cộng sinh, và căng thẳng chính trị sẽ có xu hướng len lỏi vào kinh tế. Điều này có thể thấy trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc.
Các nhà bán lẻ Hàn Quốc đã trở thành nạn nhân của các cuộc trả đũa kinh tế tại nhiều nơi ở Trung Quốc, và doanh số của hãng ôtô Hyundai tại nước này cũng đang trên đà giảm. Khoảng cách giữa các công ty Trung Quốc và Hàn Quốc trong ngành bán lẻ và công nghiệp ô tô đang dần thu hẹp lại, làm tăng thêm sự cạnh tranh giữa hai nước.
Có một ngoại lệ nằm trong ngành sản xuất linh kiện điện tử, nơi các công ty Hàn Quốc vẫn có ưu thế lớn hơn so với các công ty Trung Quốc. Do đó, lĩnh vực này vẫn còn chứng kiến mối quan hệ cộng sinh giữa hai bên. Điều này cũng lý giải vì sao không có bất kỳ tin tức nào về sự gián đoạn tại nhà máy sản xuất chất bán dẫn của Samsung Electronics tại tỉnh Sơn Tây, hoặc tại nhà máy sản xuất màn hình của LG tại tỉnh Quảng Đông. Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng rất lớn nếu nguồn cung cấp các linh kiện điện tử này, vốn là thứ mà họ chưa sản xuất được, bị ngưng trệ.
Theo Nikkei, sự hợp tác giữa các công ty ở Đông Á đã vượt ra ngoài các biên giới. Những mối quan hệ hợp tác về mặt công nghệ và kiểm soát chi phí đã giảm bớt các mâu thuẫn về chính trị.
Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa là nếu mối quan hệ hợp tác bị yếu đi, các xung đột về chính trị và kinh tế cũng sẽ tăng cao, mở đường cho sự cạnh tranh gay gắt giữa tất cả các bên liên quan.
An Phong
Nguồn: Nikkei/nhipcaudautu.vn