Liệu PAN có thể kiểm soát, vận hành Bibica theo ý nguyện, khi ở Bibica vẫn còn cổ đông lớn khác là Lotte?
Chuyện cổ phần của VTVcab
- Cập nhật : 05/09/2017
Thương vụ IPO này sẽ mang lại cho các nhà đầu tư cơ hội sở hữu đến 49% cổ phần của công ty đứng thứ nhì thị trường truyền hình trả tiền.
Thương vụ IPO này sẽ mang lại cho các nhà đầu tư cơ hội sở hữu đến 49% cổ phần của công ty đứng thứ nhì thị trường truyền hình trả tiền.Nguồn ảnh: baodautu.vn
Công ty nắm giữ thị phần số 2 trên thị trường truyền hình trả tiền là Tổng Công ty Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab) sẽ được cổ phần hóa trong các tháng cuối năm nay, theo quyết định mới nhất của Thủ tướng Chính phủ sau 1 năm trì hoãn do khúc mắc ở vấn đề định giá.
Đây được xem là thương vụ IPO đáng chú ý trong nửa cuối năm nay, mang lại cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước cơ hội sở hữu đến 49% cổ phần của một trong những thương hiệu lớn nhất trên thị trường truyền hình trả tiền, một thị trường đang tăng trưởng nhanh và có tiềm năng đạt mốc 1 tỉ USD vào năm 2020.
Áp lực tái cấu trúc
Thị phần của VTVcab trên thị trường truyền hình trả tiền vào khoảng 24% (theo Media Partners 2016), bám sát người dẫn dầu SCTV (29%) và duy trì cách biệt khá xa so với người chơi thứ 3 là K+ (11%) hay MyTV (11%). Một tên tuổi đáng chú ý trong làng truyền hình trả tiền là Viettel đã đạt thị phần xấp xỉ 8%, dù mới bước chân vào thị trường giải trí cách đây chỉ 5 năm.
Cùng với SCTV, VTVcab có lợi thế lớn về mặt quy mô khi sở hữu hệ thống phủ sóng khắp cả nước, cung cấp các dịch vụ toàn diện về truyền hình như truyền hình cáp, truyền hình số vệ tinh và mới đây nhất là dịch vụ truyền hình trực tuyến. VTVcab đang phát sóng 200 kênh truyền hình, trong đó có 50 kênh truyền hình HD, 20 kênh truyền hình chuyên biệt do chính VTVcab đầu tư hợp tác sản xuất. Bên cạnh mảng dịch vụ truyền hình, Công ty còn cung cấp dịch vụ và thiết bị viễn thông, hay dịch vụ thanh toán trực tuyến.
Tổng doanh thu năm 2016 của VTVcab lên đến 2.133 tỉ đồng, tăng 18% so với năm trước, nhưng lãi ròng chỉ tăng khiêm tốn 4,9%, đạt 68,6 tỉ đồng. Lý do là chi phí vay vốn quá cao do phải đầu tư mạnh vào tài sản cố định và mua bản quyền các chương trình phát sóng.
Tính đến cuối năm 2016, nợ phải trả của VTVcab vào khoảng 1.936 tỉ đồng, gấp 4 lần vốn chủ sở hữu, trong đó nợ ngắn hạn là 1.329 tỉ đồng, chiếm 68,6% tổng nợ phải trả. Áp lực chi trả ngắn hạn của VTVcab không hề nhỏ, buộc doanh nghiệp này phải có một kế hoạch tái cơ cấu tài chính quyết liệt hơn sau khi cổ phần hóa để giảm thiểu rủi ro trước biến động của lãi suất trên thị trường.
Hiện VTVcab đang nỗ lực tìm các đối tác chiến lược mạnh và có thể gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Theo đó, đối tác cần có năng lực tài chính, nguồn vốn góp tối thiểu 1.000 tỉ đồng với lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu năm 2016 tối thiểu 10%. Đã có khoảng 5 nhà đầu tư ngoại ngỏ ý muốn trở thành đối tác chiến lược của VTVcab và con số này dự kiến tiếp tục gia tăng trong đợt cổ phần hóa sắp tới.
Cạnh tranh khốc liệt
Thị trường truyền hình Việt Nam được chia thành nhiều dịch vụ, bao gồm truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số, truyền hình vệ tinh, truyền hình trên internet (IPTV) và gần đây xuất hiện thêm dịch vụ mới có nhiều tiềm năng: truyền hình trên di động (Mobile TV). Tiềm năng của thị trường được đánh giá tiếp tục khả quan trong những năm tới do quy mô thị trường lớn, lượng thuê bao vẫn còn ít và nhất là thu nhập bình quân trên đầu người đang tăng nhanh. Dù vậy, thực trạng vi phạm bản quyền tiếp tục là vấn đề lớn gây quan ngại cho các nhà đầu tư.
Cuộc chiến giành giật thị phần giữa các đơn vị cung cấp truyền hình trả tiền đang diễn ra hết sức khốc liệt. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến hết năm 2016, có tới 30 doanh nghiệp hoạt động trên thị trường với số lượng lên tới 12,5 triệu thuê bao, doanh thu trong năm 2016 đạt 12.000 tỉ đồng, tăng khoảng 24% so với năm trước.
Nhưng việc tham gia của hơn 10 tay chơi trên thị trường trong khi chất lượng nội dung khá tương đương nhau dẫn đến giá các gói cước đang ở mức thấp nhất khu vực Đông Nam Á, thậm chí có hãng sẵn sàng tung ra các gói khuyến mãi có giá chỉ trên dưới 30.000 đồng/tháng, khiến cho lợi nhuận của một số hãng có thị phần nhỏ hơn bị teo tóp.
Năm 2015, tổng lỗ lũy kế của đơn vị đứng vị trí thứ 3 là K+ lên đến 1.979 tỉ đồng, dù sở hữu trong tay bản quyền giải vô địch ngoại hạng Anh. Để tránh tình trạng đổ vỡ hàng loạt, các nhà đài đã kiến nghị lên Chính phủ về việc áp dụng mức giá sàn nhưng cho đến nay vẫn chưa được thông qua.
Nhưng thách thức cho các hãng truyền hình truyền thống như VTVcab giữ được thị phần trong các năm tới chính là sự lớn mạnh không ngừng của các dịch vụ giải trí trực tuyến và di động. Thực tế, người tiêu dùng Việt Nam đang có xu hướng thiên về các ứng dụng trực tuyến hơn do quỹ thời gian ngày càng eo hẹp và hạ tầng viễn thông với các dịch vụ 3G, 4G ngày càng tốt hơn, mang lại nhiều thuận lợi cho người xem.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Q&Me, mặc dù tivi vẫn đang là công cụ giải trí phổ biến tại Việt Nam nhưng ngày càng nhiều người dùng Việt Nam dành nhiều thời gian hơn trên internet và các mạng xã hội như Facebook, các dịch vụ giải trí trực tuyến như Zing TV, YouTube. “Có tới 45% người được khảo sát trả lời rằng họ xem tivi ít hơn cách đây 1 năm”, báo cáo của Q&Me ghi nhận. Nếu xu thế internet ngày càng phổ biến hơn thì chắc chắn doanh thu của các hãng truyền hình truyền thống như VTVcab sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.
Nguyễn Sơn
Theo Nhipcaudautu.vn