Dù khối lượng và kim ngạch cải thiện, nhưng rủi ro thiếu hụt nguyên liệu đang hiển hiện
Chính phủ yêu cầu giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành
- Cập nhật : 30/04/2016
(Tin kinh te)
Chính phủ chỉ đạo giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30- 35% hiện nay xuống còn 15% đến hết năm 2016; Đổi mới căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành trên cơ sở nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của từng doanh nghiệp; áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên.
Ngày 28-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020.
Theo đó, phấn đấu các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt tối thiểu bằng trung bình của nhóm nước ASEAN 4; đến năm 2017 đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên một số chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh thuộc nhóm chỉ số nâng cao hiệu quả (theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới); mục tiêu đến năm 2020, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đạt mức trung bình của các nước ASEAN 3 trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế.
Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chịu trách nhiệm nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết 19 và tập trung chỉ đạo xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19 trước 30-5-2016, tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức về tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp; Xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, đơn vị chủ trì thực hiện và kế hoạch chi tiết sửa đổi các văn bản pháp luật hiện hành.
Giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành
Chính phủ yêu cầu khẩn trương hoàn thành việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh; Rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; chấm dứt ngay việc soạn thảo và ban hành điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền; Xây dựng và trình ban hành các Nghị định về điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật đầu tư 2014;
Đồng thời, các bộ, ngành sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các quy định quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng đơn giản hóa và hiện đại hoá thủ tục hành chính; Giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30 - 35% hiện nay xuống còn 15% đến hết năm 2016; Đổi mới căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành trên cơ sở nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của từng doanh nghiệp; áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên;
Chính phủ cũng yêu cầu rà soát danh mục hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành, theo đó, chỉ hàng hoá nhập khẩu trên quy mô thương mại mới thuộc diện phải kiểm tra; mã hoá chi tiết mặt hàng cần kiểm tra; Áp dụng kiểm tra chuyên ngành theo thông lệ quốc tế; đẩy mạnh công nhận lẫn nhau theo thoả thuận; chủ động công nhận chất lượng của những nhãn hiệu, nhà sản xuất nổi tiếng, những hàng hoá được sản xuất tại các nước, khu vực có tiêu chuẩn chất lượng cao, tiên tiến (châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...);
Chuyển thời điểm kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra chất lượng hàng hoá, hiệu suất năng lượng, an toàn thực phẩm trong giai đoạn thông quan sang kiểm tra sau khi hàng hóa đã được thông quan (trừ kiểm dịch đối với trường hợp mặt hàng nhập khẩu có nguy cơ cao theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Đối với nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước thực hiện kiểm tra tại khâu sản xuất và trước khi đưa sản phẩm vào lưu thông; đối với hàng xuất khẩu được sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu thực hiện tại cơ sở sản xuất trước khi xuất hàng.
Tháo gỡ vướng mắc về chứng nhận hợp quy, kiểm tra hàng nhập khẩu
Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải quyết các vướng mắc liên quan đến một số quy định tại Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT ngày 12-11-2013 về tỷ lệ lấy mẫu, cách thức lấy mẫu theo lô sản xuất để kiểm tra; thời gian giá xếp doanh nghiệp trở lại Danh sách ưu tiên kể từ ngày đánh giá lại đạt yêu cầu theo quy định; thời gian cấp lại Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm;
Sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các quy định, thủ tục về kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm dịch hàng hóa nhập khẩu theo hướng áp dụng phương thức quản lý rủi ro; đơn giản hoá, điện tử hoá thủ tục kiểm tra, kiểm dịch; áp dụng chế độ công nhận lẫn nhau; Thực hiện kiểm tra trong quá trình sản xuất và sau thông quan thay vì kiểm tra theo lô hàng và tại thời điểm thông quan; Sửa đổi, bổ sung các văn bản về kiểm dịch hàng hóa xuất khẩu theo hướng chỉ kiểm dịch khi người xuất khẩu yêu cầu; Tránh kiểm tra chồng chéo giữa các cơ quan, nhất là đối với sản phẩm lông thú, nguyên liệu ngành sữa.
Bộ Khoa học và Công nghệ tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quy định về việc vừa phải thực hiện chứng nhận hợp quy, vừa phải kiểm tra từng lô hàng nhập khẩu; có cơ chế, chính sách và tạo môi trường, điều kiện thuận lợi các doanh nghiệp khoa học công nghệ phát triển.
(Theo Báo Hải Quan)