tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thị trường thủy sản “chao đảo” vì doanh nghiệp ồ ạt bán nguyên liệu cho Trung Quốc

  • Cập nhật : 13/09/2015

(Tin kinh te)

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, tình trạng thương lái thu gom thủy sản nguyên liệu, tôm và mực, bạch tuộc dạng nguyên liệu chưa qua chế biến đường tiểu ngạch sang Trung Quốc khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam thiếu nguyên liệu chế biến, ảnh hưởng đến các hợp đồng đã ký với đối tác.

 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Trung Quốc hiện là một trong những thị trường nhập khẩu thủy sản chính của Việt Nam, đứng thứ 4 và chiếm 8% tỷ trọng xuất khẩu trong năm 2014.

Tỷ trọng xuất khẩu của tôm trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng từ 13% vào năm 2003 và lên tới 70% trong năm 2014. 

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2015, do khó khăn chung của xuất khẩu tôm nên mặt hàng này đã giảm kim ngạch xuất khẩu xuống còn 28% so với cùng kỳ 2014, kéo theo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc cũng giảm 0,8%.

Trong khi đó, mặt hàng cá tra tăng trưởng khá mạnh, 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đạt trên 70 triệu USD, tăng 50,7% so với năm 2014.

Đánh giá về thuận lợi xuất khẩu thủy san sang Trung Quốc, VASEP cho hay, nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà tăng trưởng mạnh, nhu cầu về thủy sản của Trung Quốc tăng cao với chất lượng từ thấp lên cao. Bên cạnh đó, yêu cầu về chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật không cao như các thị trường lớn khác là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản.

Tuy nhiên, VASEP cũng chỉ ra rằng xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc gặp khó khăn do Trung Quốc đã có những quy định về bảo vệ tài nguyên thủy sản nhưng chưa có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh về xuất nhập khẩu thủy sản.

Trung Quốc quản ngoại tệ rất chặt chẽ nên số lượng các công ty Việt Nam được phép thanh toán bằng USD rất hạn chế. Xét về mức độ an toàn trong thương mại, việc thanh toán theo đường biển có nhiều rủi ro. Hơn nữa, mức thuế đánh vào mặt hàng hải sản nhập khẩu thường cao hơn thị trường Mỹ, Nhật và các nước Châu Á khác.

Ngoài ra, theo VASEP, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu ở dạng nguyên liệu thô, giá trị không cao, không sử dụng hết lực lượng lao động trong nước. 

Đặc biệt, tình trạng thương lái thu gom thủy sản nguyên liệu, tôm và mực, bạch tuộc dạng nguyên liệu chưa qua chế biến đường tiểu ngạch sang Trung Quốc khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam thiếu nguyên liệu chế biến, ảnh hưởng đến các hợp đồng đã ký với đối tác. Việc ồ ạt thu mua xuất khẩu tôm nguyên liệu cũng dẫn đến tình trạng mất cân đối nghiêm trọng cơ cấu xuất khẩu, xuất thô nguyên liệu ngày càng tăng trưởng, ảnh hưởng xấu đến chiến lược phát triển.

Từ những phân tích trên, VASEAP dự báo xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới vì thị trường chứng khoán sụp đổ sẽ ảnh hưởng đến tầng lớp trung lưu làm giảm nhu cầu các sản phẩm giá cao. Tuy nhiên, cá tra và các loại cá biển đông lạnh khác có thể có cơ hội tăng tại thị trường này.

Năm 2015, VASEAP dự báo xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt khoảng 580 triệu USD, giảm 3% so với năm 2014.

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục