Tổng cục Hải quan cho biết, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong tháng 7/2017 ước đạt 35,3 tỷ USD, giảm hơn 1,6% so với tháng trước. Lũy kế tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng đầu năm 2017 của nước ta đạt gần 233,52 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2016.
Lo ngại khi nhập siêu từ Hàn Quốc tăng nhanh
- Cập nhật : 16/07/2017
Hàn Quốc đã vượt Trung Quốc, trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam. Điều này cho thấy, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc chưa thúc đẩy được xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc.
Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý II/2017 vừa được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) công bố đã nổi lên một điều chưa từng có tiền lệ. Đó là, quý II năm nay ghi nhận việc nhập khẩu từ Hàn Quốc tăng mạnh, khiến thâm hụt thương mại với nước này đã vượt qua thâm hụt thương mại với Trung Quốc.Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 22,5 tỷ USD, tăng 51,2%, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ tăng 16,8% và đạt 27,1 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu sang hai thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc đạt lần lượt 6,6 tỷ USD và 13 tỷ USD, tăng tương ứng 29,1% và 42,5%.
.Tính chung, thâm hụt thương mại Việt Nam - Hàn Quốc ở mức 15,9 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức thâm hụt 14,1 tỷ USD với Trung Quốc.
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VERP, bản chất của việc thâm hụt thương mại với hai đối tác lớn nhất này là khác nhau. Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là hàng hóa phục vụ tiêu dùng ở tất cả các lĩnh vực, trong khi nhập khẩu hàng hóa từ Hàn Quốc chủ yếu là tư liệu sản xuất.
Theo Báo cáo của VERP, các chỉ báo cho thấy, kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nếu như năm 2009, xuất khẩu của khu vực FDI chỉ chiếm 32,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, thì con số này đã tăng lên 70,2% năm 2016 và 72,4% trong nửa đầu năm 2017.
Trong nửa đầu năm, xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chủ lực của Việt Nam đều tăng đáng kể. Trong đó, nhóm điện thoại và linh kiện đạt 20,1 tỷ USD (tăng 18,3%); điện tử, máy tính và linh kiện đạt 11,3 tỷ USD (tăng 42,3%). Nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 6,1 tỷ USD (tăng 36,3%).
Trong 6 tháng đầu năm, thâm hụt thương mại Việt Nam - Hàn Quốc ở mức 15,9 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức thâm hụt 14,1 tỷ USD với Trung Quốc.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu tăng mạnh ở các nhóm hàng tư liệu sản xuất phục vụ các ngành công nghiệp chế biến - chế tạo. Trong đó, nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 18,4 tỷ USD, tăng 37,8%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 16,2 tỷ USD, tăng 28,2%.
“Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI tăng nhanh cho thấy, Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào sản lượng của khu vực này, đặc biệt là một số công ty lớn như Samsung”, ông Thành cho hay.
Có thể thấy, nhập siêu lớn từ Hàn Quốc chưa phải là điều đáng lo, bởi nhập khẩu tăng từ Hàn Quốc phản ánh làn sóng đầu tư từ đất nước này tăng cao. Các công ty Hàn Quốc dùng vốn đầu tư nhập khẩu ngược trở lại từ chính đất nước mình các hàng hóa, máy móc, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.
Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc chưa thúc đẩy được xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc và các doanh nghiệp Hàn Quốc đã tận dụng tốt hơn doanh nghiệp Việt Nam những cơ hội mà hiệp định này mang lại.
Mặc dù không đưa ra dự báo về khả năng gia tăng tỷ lệ nhập siêu với Hàn Quốc, nhưng VERP cũng cho biết, trong nửa đầu năm, vốn FDI từ Hàn Quốc đăng ký đầu tư vào Việt Nam là 4,96 tỷ USD, chiếm 25,8% tổng vốn đăng ký và dẫn đầu về số dự án cấp mới và dự án tăng vốn. Phần lớn vốn FDI đăng ký trong 6 tháng đầu năm tập trung vào ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, nên nhu cầu nhập khẩu các thiết bị, máy móc vào Việt Nam được dự báo sẽ tăng trong thời gian tới.
Kỳ Thành
Theo Baodautu.vn