Các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam nói gì về chủ đề tác động của TPP đến Việt Nam trong tương lai và bài học rút ra từ quá trình hội nhập WTO trong quá khứ.
Nhập siêu từ Hàn Quốc, ứng xử ra sao?
- Cập nhật : 23/07/2017
Thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam vẫn là Trung Quốc nhưng tốc độ tăng trưởng nhập khẩu lớn nhất lại là thị trường Hàn Quốc. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, nhập khẩu của VN từ Hàn Quốc đã đạt 22,5 tỉ USD, tăng 51,2%.
Các chuyên gia và doanh nghiệp nói gì về xu hướng này?
* Ông Lee Yong Ho (giám đốc nhãn hàng riêng của LOTTE Mart VN): Tiêu thụ hàng Hàn Quốc đang tăng
Trước đây, các sản phẩm Hàn Quốc chiếm tỉ trọng khoảng 3% trong tổng doanh số của LOTTE Mart nhưng hai năm gần đây đã tăng lên 5%. Với thu nhập ngày càng được cải thiện, người tiêu dùng Việt ngày càng chi tiêu nhiều hơn cho mua sắm.
Thống kê cho thấy trị giá giỏ hàng trung bình cũng cao hơn so với trước đây. Trong đó, người tiêu dùng chi tiêu thoáng hơn cho các mặt hàng trung và cao cấp, đặc biệt là các sản phẩm nhập ngoại.
Tại hệ thống bán lẻ của chúng tôi, các mặt hàng nhập ngoại từ Hàn Quốc được người tiêu dùng ưa chuộng, cụ thể: trái cây như lê, dâu, các loại thực phẩm, bánh kẹo nhập khẩu từ Hàn Quốc... những mặt hàng này có mức giá dao động từ 50.000 đến 400.000 đồng được tiêu thụ mạnh.
Với việc xóa bỏ hàng rào thuế quan, giá sản phẩm được cắt giảm tạo hiệu quả tốt cho các sản phẩm này. Vì vậy doanh số đối với các sản phẩm Hàn Quốc sẽ được nâng cao và sản phẩm sẽ ngày càng được đa dạng hơn.
* Bà Nguyễn Thị Ngọc Linh (tổng thư ký CLB Doanh nghiệp xuất khẩu TP.HCM - VEXA): Hàn Quốc muốn bán nhiều hàng vào Việt Nam
Trong quá trình làm việc, kết nối doanh nghiệp VN với các đối tác Hàn Quốc, chúng tôi đón tiếp rất nhiều đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc, và phần lớn họ qua VN với mong muốn bán được hàng.
Việc xúc tiến của doanh nghiệp nước này cũng rất bài bản, chuyên nghiệp, các cơ quan xúc tiến thương mại của Chính phủ Hàn Quốc, từ cấp trung ương như KOTRA (Cơ quan Xúc tiến thương mại & đầu tư Hàn Quốc) đến cấp địa phương như các cơ quan xúc tiến thương mại của các tỉnh, thành phố lớn của Hàn Quốc thường xuyên tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp Hàn Quốc muốn xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng tiêu dùng vào VN.
Họ coi VN là thị trường tiêu thụ chính của mình và muốn chiếm lĩnh thị trường bằng hàng hóa Hàn Quốc. Xu hướng này nhanh chóng gặp chất xúc tác là nhu cầu xài hàng cao cấp của người tiêu dùng VN thay thế hàng giá rẻ Trung Quốc.
Các siêu thị, hệ thống bán lẻ Hàn Quốc nhanh chóng thu hút người tiêu dùng. Cùng với mạng lưới bán lẻ còn có những tập đoàn mạnh, những thương vụ M&A mua lại các thương hiệu VN có sẵn kênh phân phối rộng khắp để đưa hàng tiêu dùng Hàn Quốc vào.
Trong khi lượng hàng hóa VN xuất qua Hàn Quốc không tăng bao nhiêu thì hàng hóa Hàn Quốc vào thị trường VN lại tăng theo cấp số nhân. Hàng hóa VN xuất khẩu nhưng không được nhận diện hay khó vào siêu thị ở nước ngoài vì những lỗi cố hữu như bao bì xấu, quy cách đóng gói...
* Ông Bùi Trinh(chuyên gia kinh tế): Chưa hết lo
Nhập siêu từ Hàn Quốc gia tăng không có gì khác biệt về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, chủ yếu chỉ là hoạt động chuyển đổi nhập khẩu các hàng hóa từ Trung Quốc sang Hàn Quốc.
Điều này chỉ minh chứng việc chuyển đổi đối tác nhập khẩu của VN chứ không thay đổi về chất (cấu trúc kinh tế), vẫn là nhập khẩu các linh kiện cho sản xuất trong nước do doanh nghiệp Việt chưa đáp ứng được nguồn nguyên liệu.
Nhập siêu Hàn Quốc của VN gắn với xu hướng đầu tư của quốc gia này vào VN. Về bản chất nhập khẩu từ Hàn Quốc là phục vụ cho sản xuất của các doanh nghiệp nước này đầu tư tại Việt Nam, hàng tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 8% trong cơ cấu tổng nhập khẩu, tuy vậy con số cũng đang trong xu hướng tăng.
Mặt trái của xu hướng này khá đáng lo vì nền kinh tế dễ rơi vào tình cảnh cung tiền vào lưu thông nhiều, tỉ lệ cung tiền so với GDP cao có thể dẫn đến lạm phát, nợ xấu tăng, tiền không đi vào sản xuất mà đi vào tiêu dùng.
Trong khi đó, tiền bỏ vào tiêu dùng chỉ tạo ra những tăng trưởng GDP trong ngắn hạn và nhất thời, nhưng trong nhiều trường hợp làm mất cân đối vĩ mô, kinh tế không phát triển bền vững. Hơn nữa, nền sản xuất của VN thiên về gia công, hàng hóa sản xuất trong nước giá trị gia tăng chưa cao trong chuỗi giá trị.
Giải quyết cốt lõi của con số nhập siêu từ Hàn Quốc là VN phải thay đổi cấu trúc kinh tế, doanh nghiệp nội địa phải tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị sản phẩm, cung ứng linh kiện, thiết bị cho các nhà đầu tư Hàn Quốc tại VN.
Ngay trong cấu trúc kinh tế về sở hữu, Chính phủ phải có cái nhìn công bằng, một chính sách nhất quán giữa các loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nước ngoài và giữa các doanh nghiệp với nhau.
Chúng ta nói nhiều về sản phẩm cho công nghiệp hỗ trợ nhưng lại không hành động quyết liệt nên sau bao nhiêu năm, tỉ lệ nội địa hóa vẫn lẹt đẹt.
Chuyển dịch thâm hụt thương mại từ Trung Quốc sang Hàn Quốc sẽ phần nào giảm sức ép từ Trung Quốc nhưng mối lo cho doanh nghiệp VN vẫn không giảm chút nào.
* Một lãnh đạo Bộ Công thương: Tích cực
Nhập siêu của 6 tháng từ Hàn Quốc tăng cao, tăng 162% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng không phải tập trung nhóm hàng tiêu dùng mà là hàng nguyên liệu và thiết bị sản xuất.
Với bốn nhóm hàng tăng mạnh nhất như máy móc thiết bị phục vụ lắp đặt dự án của Samsung với kim ngạch đạt 6 tỉ USD, nhóm hàng linh kiện điện thoại là nguyên liệu sản xuất của nhà máy của Samsung cũng khoảng 6 tỉ USD, nhóm xăng dầu đạt hơn 800 triệu USD...
Hiện nhập siêu từ Hàn Quốc là tích cực, vì so với hàng nhập khẩu Trung Quốc như thép và phân bón thì cạnh tranh với những mặt hàng mà VN sản xuất được. Còn nhập khẩu từ Hàn Quốc không phải là những mặt hàng mà VN sản xuất được.
Đó là khía cạnh tích cực của FTA, vừa đa dạng hàng hóa, vừa hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy giúp cho xuất khẩu 19% là con số tích cực.
Nhập khẩu hàng tiêu dùng Hàn Quốc không gia tăng lớn nên chưa có gì đáng lo ngại. Song cũng cần phải nhìn nhận rằng khi chấp nhận mở cửa, tham gia WTO đến các hiệp định thương mại tự do thì đây là câu chuyện nhìn thấy trước, tức là chấp nhận hàng hóa nước ngoài tham gia vào thị trường VN.
Không phủ nhận việc hàng hóa Hàn Quốc nói riêng và nước ngoài nói chung có mặt ở VN cũng làm cho sản phẩm của VN bị cạnh tranh, buộc doanh nghiệp Việt phải có sự chọn lọc và vươn lên. Các doanh nghiệp VN cũng phải tự đổi mới, vì đã chấp nhận mở cửa thì không thể ngăn được.
* TS Phạm Tất Thắng (chuyên gia cao cấp, Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công thương): Phải có rào cản thương mại
Vấn đề đặt ra là chúng ta dựng nên những rào cản kỹ thuật thương mại thế nào để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp, khâu này các cơ quan quản lý chưa chú ý thật sự tích cực.
Về phía doanh nghiệp của các nước họ đưa hàng, dịch vụ vào thị trường của ta thì bên cạnh nâng cao sức cạnh tranh, cũng phải có kế hoạch làm thế nào đưa hàng sang các quốc gia đó thông qua chương trình xúc tiến thương mại, tăng cường quảng bá và giới thiệu sản phẩm...
NHƯ BÌNH - NGỌC AN thực hiện
Theo Tuoitre.vn