Trong năm 2015, theo dự báo của Hiệp hội Rau quả VN, giá trị xuất khẩu các mặt hàng rau quả VN có thể cán mốc 2 tỉ USD, một con số ấn tượng khi đa số mặt hàng nông sản khác vẫn đang gặp khó.
Giá chè xuất khẩu phục hồi nhờ được minh oan
- Cập nhật : 29/09/2015
(Tin kinh te)
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá chè đã hồi phục nhờ thông tin “minh oan" khi Việt Nam bị Đài Loan phát hiện có dư lượng thuốc trừ sâu.
Tại thị trường trong nước, tháng 9, giá chè nguyên liệu ở hai tỉnh sản xuất chè lớn nhất nước là Thái Nguyên và Lâm Đồng tiếp tục giữ mức ổn định của tháng trước. Cụ thể, tại Thái Nguyên, chè xanh búp khô loại I có giá 150.000 đ/kg; giá chè xanh búp khô loại II giữ ở mức 130.000đ/kg, chè cành chất lượng cao vẫn giữ ở mức giá là 200.000đ/kg.
Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), giá chè nguyên liệu sản xuất chè xanh vẫn ở mức 9.000 đ/kg chè nguyên liệu sản xuất chè đen giữ ở mức 4.500 đ/kg sau khi tăng nhẹ 500 đ/kg vào tháng trước.
Nhìn chung, thị trường chè trong nước 9 tháng qua biến động thất thường. Tại Thái Nguyên, giá chè biến động tăng do nhu cầu mạnh vào dịp Tết Nguyên đán, nhưng sau đó giảm dần với nhu cầu giảm và sản lượng chè tăng, duy trì ổn định cho đến nay.
Trong khi đó, tại Lâm Đồng, giá chè nguyên liệu liên tục tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm do thời tiết không thuận lợi khiến nguồn cung hạn chế. Sau đó, giá giảm do nguồn thông tin “xấu” từ phía Đài Loan. Cụ thể, 12 lô hàng của Việt Nam xuất khẩu vào Đài Loan chủ yếu là trà, chè các loại 8 lô có dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức cho phép.
Tuy nhiên, theo Bộ NN và PTNN, gần đây, giá chè đã hồi phục nhờ thông tin “minh oan”.
Về tình hình xuất khẩu, khối lượng xuất khẩu chè tháng 9 năm 2015 ước đạt 10 nghìn tấn với giá trị đạt 17 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu chè 9 tháng đầu năm 2015 ước đạt 88 nghìn tấn với giá trị đạt 151 triệu USD, giảm 8,8% về khối lượng và giảm 8,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Trong 8 tháng đầu năm 2015, khối lượng chè xuất khẩu sang Pakistan – thị trường lớn nhất của Việt Nam với 38,15% thị phần – tăng 9,54% về khối lượng và tăng 8,56% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Các thị trường có giá trị xuất khẩu tăng đột biến là Nga (tăng 33,45%), các TVQ Arập Thống nhất (gấp gần 3 lần) và Indonesia (tăng 15,59%).
Kiều Linh
Theo Vinanet