Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2018 đã thu về trên 5 tỷ USD, tăng 14,9%, trong khi đó nhập khẩu đạt trên 1,4 tỷ USD, tăng 2,4%. Như vậy, tính đến hết tháng 8, mặt hàng này đã xuất siêu trên 4 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ 2017.
Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, trái cây sang UAE coi chừng bị lừa
- Cập nhật : 13/07/2017
Thương vụ Việt Nam tại các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) vừa cảnh báo tình hình lừa đảo của một số doanh nghiệp (DN) nhập khẩu tại UAE mà các DN Việt Nam cần đặc biệt lưu ý.
Trong thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại UAE đã tiếp nhận, phát hiện và xử lý nhiều trường hợp DN Việt Nam nhận được lời chào mua hàng nông sản, trái cây và ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu mặt hàng này mang tính lừa đảo, gian lận từ một số doanh nghiệp tại UAE.
Theo ông Phạm Trung Nghĩa, Tham tán thương mại Việt Nam tại Dubai (UAE), mặc dù thương vụ đã có các cảnh báo trước đó trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng một số DN Việt Nam vẫn "mắc bẫy" giao dịch với các DN UAE lừa đảo này.
Nhằm giúp các DN nhận biết và tránh các nguy cơ bị lừa đảo tại UAE, ông Nghĩa khuyến cáo:
Thứ nhất, thị trường UAE tương đối mở và dễ tính nhưng có sự cạnh tranh rất khốc liệt về giá cả hàng nhập khẩu và biên lợi nhuận thường ở mức thấp. Vậy nên khi DN Việt Nam thấy các hỏi mua hàng ở mức giá khá cao hơn giá thị trường từ những DN mới, lạ thì cần hết sức cảnh giác.
Thứ hai, phương thức thanh toán đối với hàng rau quả trái cây tại UAE thường là đặt cọc một phần tiền, sau đó khi nhận được bản scan bộ chứng từ gửi hàng thì trả tiếp một phần và phần còn lại trả sau khi họ nhận hàng khoảng 15-30 ngày tuỳ trường hợp. Rất hiếm khi mở L/C (thư cam kết của ngân hàng về việc trả tiền người xuất khẩu) và kể cả mở L/C cũng là L/C trả chậm 30-45 ngày.
"Họ viện cớ là đặc thù của rau quả trái cây là hàng mau hỏng, buôn bán trong khu vực thường cho nhau nợ và họ ép các DN Việt Nam theo phương thức trên. Do đó, khi đàm phán, ký kết hợp đồng, DN Việt cần lưu ý hạn chế việc cho trả chậm hoặc nợ tiền. Nếu có cũng chỉ ở mức 10-20%, tránh trường hợp nhiều DN cho trả chậm đến 1/2 giá trị lô hàng, khi phát sinh vấn đề sẽ bị đọng vốn, khó giải quyết", ông Nghĩa cho hay.
Thứ ba, cũng là quan trọng nhất, DN phải tiến hành sàng lọc và xác minh rõ các đối tác, đặc biệt là đối tác mới lần đầu giao dịch, đối tác tìm kiếm qua Internet. Nhiều trường hợp phải sang trực tiếp địa bàn để thẩm định và làm việc với đối tác. Đối với các đơn hàng ký kết lần đầu với đối tác mới, cần liên hệ với Thương vụ để đề nghị hỗ trợ, xác minh về pháp nhân, uy tín.
Về lâu dài, trong quá trình làm ăn với DN UAE, ông Phạm Trung Nghĩa cho rằng, DN Việt Nam cần chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực làm công tác xuất nhập khẩu, nghiên cứu thị trường, bạn hàng tại UAE một cách kỹ lưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật. DN Việt Nam cần hết sức hạn chế cạnh tranh theo kiểu bán hàng giá thấp để có hợp đồng vì sẽ càng khiến cho DN UAE tận dụng ép giá, ép phương thức thanh toán và nghiêm trọng hơn là phá vỡ mặt bằng giá hàng Việt Nam tại thị trường UAE.
UAE là quốc gia với rất nhiều DN các nước hoạt động kinh doanh. Các DN kinh doanh rau quả, trái cây tại UAE chủ yếu là Pakistan và Ấn Độ, họ đã làm ăn hàng chục năm tại đây, có những DN làm ăn chắc chắn, bài bản, uy tín. DN Việt Nam có thể ký hợp đồng/thoả thuận cung cấp dài hạn hàng hoá đối với các DN này theo mức giá xác định từng thời điểm, trên cơ sở % hoa hồng chia sẻ cho DN đầu mối tại UAE. Trường hợp bán hàng theo chuyến, cần xác định rõ giá thị trường của hàng và phương thức thanh toán thích hợp.
Về phía Thương vụ Việt Nam tại UAE sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường như: triển khai khu trưng bày hàng thực phẩm, nông sản, trái cây của Việt Nam tại các hệ thống siêu thị lớn của UAE như Al Maya, Union Corps, Choithrams, Lulu… nhằm đưa hàng hóa Việt vào các hệ thống siêu thị này.
Nếu phát hiện các DN UAE có dấu hiệu gian lận, chây ì thanh toán, Thương vụ sẽ tiếp tục cảnh báo tới DN Việt Nam. Trường hợp phát sinh tranh chấp, Thương vụ sẽ hỗ trợ xử lý đối với DN cả hai phía.
Hoàng Dương/Báo Tin Tức