Nhiều mặt hàng nông sản Việt bị trả về vì... không hiểu quy định của các nước nhập khẩu.
Xuất khẩu cá tra: Việt Nam có thể kiện Mỹ
- Cập nhật : 03/07/2017
Nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra đề nghị tăng kiểm soát chất lượng cá tra sang Trung Quốc, tránh ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu cá tra của Việt Nam, dù đây là thị trường rất lớn. Trong khi đó, Việt Nam đã chuẩn bị các điều kiện để kiện Mỹ ra Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), nếu việc áp dụng Đạo luật Nông trại của nước này ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT), nửa đầu năm 2017, cá tra nguyên liệu thiếu hụt nên giá cá tăng cao. Giá cá những tháng đầu năm 25.000-27.000 đồng/kg, người nuôi có lãi 4.000-6.000 đồng/kg. Từ tháng 5 lại đây, giá cá đã dịu xuống ở mức 21.500-23.000 đồng/kg. Dẫu vậy, với mức giá trên, cả người sản xuất giống và người nuôi cá thương phẩm đều có lãi.
Giá xuất khẩu cũng có nhiều khởi sắc, khi tổng kim ngạch tính đến ngày 15/6 đạt 580 triệu USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi xuất khẩu cá tra sang Mỹ giảm khá mạnh (gần 20%), EU cũng giảm 25% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, việc tăng trưởng của thị trường Trung Quốc, khiến không ít người lo ngại hình ảnh của cá tra Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng do tính chất xuất khẩu biên mậu.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Cty CP Vĩnh Hoàn cho biết, thị trường Trung Quốc dù mới nổi, nhưng tăng trưởng rất nhanh và trở thành thị trường nhập khẩu lớn của cá tra Việt Nam. Theo bà, dù chiếm chỉ khoảng 17% về giá trị xuất khẩu, nhưng về lượng có thể chiếm tỷ lệ nhiều hơn, do thị trường Trung Quốc không nhập cá phile thông thường, thậm chí tiêu thụ cả mỡ cá…
Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Cty CP Hùng Vương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, thị trường Trung Quốc yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn, chất lượng với hàng xuất chính ngạch, hàng biên mậu thì chất lượng thấp hơn. Tuy nhiên, theo ông Minh, sản phẩm cá tra đã được đưa vào sản phẩm quốc gia, nên vấn đề chất lượng rất quan trọng. Nếu chế biến, xuất khẩu tràn lan, sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín cá tra của Việt Nam.
“Chúng ta phải có thông điệp rõ ràng về chất lượng mới phát triển cá tra bền vững được. Còn về việc kiểm soát gian lận, hàng tháng, hàng quý có thể tổng kết giá xuất khẩu, biết ngay ai ăn gian, bán rẻ. Chỉ có tăng hàm lượng nước, mạ băng (quá trình làm đóng băng một lớp nước trên bề mặt sản phẩm)… thì mới bán rẻ thôi và cần có biện pháp xử lý”- ông Minh nói.
Về thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Quản lý Chất lượng Nông lâm nghiệp và Thủy sản (Nafiqad, Bộ NN&PTNT) cho biết: “Chúng tôi sẽ đề xuất có đoàn làm việc với cơ quan thẩm quyền Trung Quốc về chỉ tiêu chất lượng của các mặt hàng thủy sản và cá tra nói riêng. Đồng thời, đề nghị phía bạn với xuất tiểu ngạch, biên mậu, nếu không có chứng thư của Việt Nam sẽ không cho vào. Chúng tôi sẽ lấy ý kiến của Bộ Công Thương, hải quan về việc bắt buộc về việc cấp chứng thư khi xuất đi sang thị trường Trung Quốc”- ông Tiệp nói.
Có thể kiện Mỹ ra WTO
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, ngành cá tra gặp khó khăn, thách thức, khi phải đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật, cũng như một số kênh truyền thông “bôi nhọ” hình ảnh cá tra Việt Nam ở châu Âu. Đặc biệt, Mỹ sẽ thực thi Đạo luật Nông trại từ 1/9 tới, khi đó Cục Thanh tra an toàn thực phẩm của Mỹ (FSIS) sẽ tiến hành kiểm tra lấy mẫu 100% lô hàng sản phẩm cá tra nhập khẩu.
Theo đó, nếu không có bộ hồ sơ đánh giá tương đồng về thống kê tiêu chuẩn, quy chuẩn; giám sát chất lượng…như yêu cầu của phía Mỹ, cá tra Việt Nam sẽ không được xuất vào Mỹ…
Bộ NN&PTNT cho biết, Việt Nam đã sẵn sàng 3 giải pháp với Chương trình giám sát cá da trơn theo Đạo luật Nông trại của Mỹ. Theo đó, Bộ NN&PTNT đang tích cực hợp tác với Bộ Nông nghiệp Mỹ, để đảm bảo những yêu cầu để đánh giá tương đương (1/9 tới là hạn cuối cùng).
Việt Nam cũng sẽ tăng cường vận động hành lang với giới chức và đối tác Mỹ, để họ thấy rằng, chương trình giám sát cá da trơn là vô lý và tốn kém, không cần thiết, cần bãi bỏ. Và đặc biệt là không để họ “nhân bản” mô hình kiểm soát này sang tôm và những nông sản khác.
Theo Tiền Phong