Lâu nay, nói về XK cà phê, người ta thường chỉ nhắc tới cà phê nhân. Nhưng bên cạnh sản phẩm chủ lực này, cà phê hòa tan Việt Nam cũng đang âm thầm tiến mạnh ra thị trường thế giới.
Dệt may, da giày Việt Nam tìm cách chiếm lĩnh thị trường Đông Âu
- Cập nhật : 24/08/2015
(Tin kinh te)
Để có cơ hội chiếm lĩnh lại thị trường truyền thống Đông Âu sau một thời gian dài gián đoạn, các doanh nghiệp dệt may và da giày Việt Nam cần phải có một chiến lược đột phá.
Ngày 20/8 tại Trung tâm Công nghệ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Séc ở Prague, Hội thảo Xúc tiến thương mại Hà Nội-Cộng hòa Séc đã diễn ra với sự tham dự của gần 70 doanh nghiệp từ hai phía.
Đây là chương trình phối hợp giữa Sở Công Thương Hà Nội với Hiệp hội Công nghiệp Cộng hòa Séc và cũng là một hoạt động trước thềm Hội chợ Thời trang Quốc tế sẽ diễn ra từ ngày 22-24/8 tại thành phố Brno.
Phát biểu mở đầu cuộc hội thảo, ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, nhấn mạnh hiện nay ngành dệt may của Việt Nam chiếm tỷ trọng cao thứ hai trong tổng kim ngạch xuất khẩu, năm 2014 đạt trên 20,7 tỷ USD, 6 tháng năm 2015 đạt 10,2 tỷ USD, chiếm 13% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nếu tính riêng Hà Nội, trong năm 2014, kim ngạch hàng xuất khẩu dệt may đạt xấp xỉ 1,6 tỷ USD, trong đó riêng xuất khẩu sang thị trường EU là 436 triệu USD. Đây chính là lý do để lần này thành phố Hà Nội với đông đảo các doanh nghiệp trong ngành dệt may có mặt tại Hội chợ Thời trang Quốc tế ở Brno.
Ông Lê Hồng Thăng cũng cho biết mục đích chuyến đi lần này của đoàn doanh nghiệp dệt may và da giày của Hà Nội ngoài tìm kiếm khách hàng, đối tác nhập khẩu sản phẩm còn tìm đối tác cung cấp nguyên phụ liệu dệt may, da giày cho Hà Nội.
Năm 2014, kim ngạch nhập khẩu vải của các doanh nghiệp Hà Nội ở mức hơn 662,5 triệu USD, nhập khẩu sợi là 125,6 triệu USD, nguyên phụ liệu là 196 triệu USD.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, ông Marcel Winter, Chủ tịch Hội Séc-Việt, khẳng định: "Các doanh nghiệp Séc thiếu thông tin chính xác về Việt Nam. Người Séc thường nghĩ các doanh nghiệp Việt Nam chỉ biết 'buôn thúng bán mẹt.' Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn ngược lại. Kinh tế Việt Nam những năm gần đây phát triển rất nhanh và năng động, có nhiều tiềm năng. Các doanh nghiệp Việt Nam có những sản phẩm rất tốt đối với người tiêu dùng Séc và cũng cần nhập những thiết bị, máy móc chất lượng từ các doanh nghiệp Séc."
Tiếp theo hội thảo là cuộc trao đổi trực tiếp giữa các doanh nghiệp dệt may, da giày Hà Nội với các doanh nghiệp Séc. Công ty dệt may Đông Xuân, một trong gần 20 doanh nghiệp của Hà Nội tham gia Hội thảo Xúc tiến thương mại và Hội chợ Thời trang Quốc tế Brno, thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Séc.
Bà Phạm Ngọc Diệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đông Xuân cho biết trước đây sản phẩm của công ty chủ yếu được xuất sang thị trường các nước Đông Âu nhưng sau đó gặp khó khăn, công ty đã phát triển sang thị trường Nhật Bản thành công. Giờ đây, công ty muốn sản phẩm của Đông Xuân quay lại thị trường Đông Âu nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, lâu dài.
Bà Livse Safrankova, Giám đốc công ty thời trang Libka Safr, một trong gần 50 doanh nghiệp Séc tham gia hội thảo và hội chợ, lại rất quan tâm đến sự hợp tác với công ty thời trang Elise của Hà Nội. Bà cho rằng: "việc hợp tác với các đối tác Việt Nam sẽ đem lại lợi nhuận và lợi thế cạnh tranh cho chúng tôi."
Theo đánh giá của ông Lê Hồng Thăng và ông Marcel Winter, hai đồng chủ tọa Hội thảo Hội thảo Xúc tiến thương mại Hà Nội-Cộng hòa Séc, việc trở lại thị trường truyền thống Đông Âu thông qua Séc của các doanh nghiệp dệt may, da giày Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đem lại lợi ích cho cả hai nước, bổ sung, hỗ trợ lợi thế của nhau để cùng phát triển./.