Đầu tháng 5 này, Thụy Sĩ vừa phát động chiến dịch tiết kiệm năng lượng tầm quốc gia mang tên Energy Challenge 2019.
Dệt may hưởng lợi kép, tăng trưởng kép
- Cập nhật : 26/09/2018
Ngành dệt may đang tận dụng được nhiều lợi thế với kết quả kinh doanh rất tích cực.
Trong 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đã đạt 19,4 tỉ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 10,4% của cùng kỳ 2017. Xuất khẩu ngành dệt may tăng trưởng đều đặn hằng năm với tăng trưởng kép CAGR đạt 12,8% trong giai đoạn 2010-2017. Giá trị xuất khẩu hàng dệt may năm 2017 đạt 26 tỉ USD, tăng 9,2% so với năm 2016.
Nhận định về ngành dệt may của Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán Quốc tế Việt Nam, cho biết: “Hiện tại, ngành dệt may Việt Nam đang hưởng nhiều thuận lợi. Thứ nhất là Mỹ đang áp thuế với Trung Quốc, thì hàng dệt may vào Mỹ sẽ có lợi vì Việt Nam và Trung Quốc cạnh tranh trực tiếp. Ngoài ra, các nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật cũng lo ngại về việc đầu tư vào Trung Quốc, điều này tạo ra một luồng đầu tư, xuất khẩu từ Việt Nam sang Hàn Quốc và Nhật”.
Trong xu hướng thuận lợi này, Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) có kết quả kinh doanh tích cực. Trong báo cáo mới nhất về tình hình kinh doanh 8 tháng đầu năm, TCM đạt doanh thu 2.467,5 tỉ đồng, hoàn thành 80% kế hoạch năm 2018. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế đạt 185,65 tỉ đồng, đạt 100% kế hoạch năm 2018.
Tại Việt Nam, TCM thuộc số ít doanh nghiệp (cùng với Tổng Công ty Phong Phú) có được chuỗi hoàn thiện sợi - dệt - nhuộm - may. TCM tự sản xuất vải và cung cấp cho nhà máy nên thuận lợi về chi phí đầu vào và còn tiết kiệm được chi phí vận chuyển khá lớn. Không những vậy, từ nguồn vải tự cung cấp, TCM chủ động các đơn hàng xuất khẩu và ít lệ thuộc vào nguồn cung bên ngoài.
Cùng với Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (TNG), Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (GMC), TCM là 3 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất về may mặc, trong đó TCM có quy mô lớn nhất. So sánh kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của TCM chỉ kém hai công ty thuộc khối quốc doanh gồm Tổng Công ty Cổ phần May Việt Tiến (VGG) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VGT).
Ông Trần Như Tùng, thành viên Hội đồng Quản trị TCM, cho biết, các nhà máy của TCM đã chạy hết công suất, riêng nhà máy may đã vượt quá công suất nên Công ty đã phải gia công bên ngoài. “Do đó, để tăng năng suất cho ngành may, chúng tôi đã mua thêm một nhà máy tại Khu Công nghiệp Trảng Bàng Tây Ninh”, ông Tùng cho biết.
Giới phân tích nhận định, việc sở hữu quy trình khép kín sẽ là lợi thế lớn của TCM trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều hiệp định song phương (FTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Về tác động của các hiệp định này tới ngành dệt may Việt Nam, ông Tùng nhận định: “Những hiệp định này có hiệu lực sẽ giúp cho ngành dệt may Việt Nam có cơ hội cạnh tranh nhiều hơn so với các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc. Hàng dệt may sẽ xuất đi nhiều hơn trong khối CPTPP và dư địa tăng trưởng càng cao”.
Bên cạnh đó, những động thái liên quan đến chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong ngắn hạn sẽ giúp cho Việt Nam có mức cạnh tranh về giá cả tốt hơn nếu như Chính phủ Mỹ áp mức thuế cao hàng dệt may có nguồn gốc từ Trung Quốc. Chẳng hạn, sau 3 năm, khoảng cách thị phần hàng dệt may tại thị trường Hàn Quốc giữa Trung Quốc và Việt Nam được rút ngắn rất nhanh. Dự báo từ nay đến cuối năm, hàng dệt may của Việt Nam xuất sang Hàn Quốc sẽ tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2017, nâng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 đạt 3,2 tỉ USD, tăng 22% so với năm 2017.
Trước xu thế này, TCM đã có quá trình tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2017, thu hẹp mảng sản xuất sợi và tăng sản xuất vải và hàng may mặc. Ngoài ra, những năm trước, kết quả kinh doanh của TCM chịu ảnh hưởng khá nhiều khi nhà máy đan và nhuộm tại Vĩnh Long hoạt động chưa hiệu quả. Tuy nhiên, hiện tại nhà máy này đang dần hoạt động ổn định và đạt điểm hòa vốn. Điều này kết hợp với việc xuất khẩu sang các thị trường hiện tại tiếp tục tăng trưởng sẽ góp phần cải thiện biên lợi nhuận của TCM, biên lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2018 của TCM đã tăng lên 17,7% so với 16,4% của cùng kỳ năm ngoái.
Nhận định về triển vọng của ngành dệt may Việt Nam và TCM trong thời gian tới, ông Tùng cho biết: “Dự báo trong năm 2019, ngành dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 2 con số, riêng TCM kỳ vọng tăng trưởng ở mức khoảng 15-17%”.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TCM tăng hơn 60% lên hơn 28.000 đồng/cổ phiếu trong 2 tháng qua, bất chấp tranh chấp thương mại quốc tế diễn ra, điều thường ảnh hưởng đến cổ phiếu của các công ty xuất khẩu.
Tuy vậy, hoạt động của TCM không hẳn là không có rủi ro. Như nhiều công ty dệt may khác, TCM cũng bị ảnh hưởng bởi tỉ giá biến động vì phần lớn khoản vay của Công ty để mua nguyên liệu là USD, nên nếu tỉ giá biến động sẽ ảnh hưởng đến chi phí tài chính của TCM. Ông Tùng nhận định: “TCM có nguồn thu USD ở mức 12-15 triệu USD bình quân mỗi tháng. Căn cứ theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước, hằng tháng, TCM đều trích lập dự phòng cho tỉ giá nên cuối năm sẽ không bị ảnh hưởng đến lợi nhuận của cả năm”.
Bá Ước
Theo Nhipcaudautu.vn