tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt lộ trình giảm thuế

  • Cập nhật : 25/08/2015

(Tin kinh te)

Theo ông Dương Hoàng Minh, Phó vụ trưởng Vụ Châu Âu (Bộ Công thương), doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt lộ trình giảm thuế đối với từng mặt hàng, biết mình được ưu đãi tới đâu để tận dụng tối đa cơ hội.

Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) có hiệu lực vào đầu năm 2016, cam kết mở cửa thị trường với 9.927 dòng thuế là lợi thế rất lớn cho hàng hóa Việt Nam.

doanh nghiep can chu dong nam bat lo trinh giam thue

Doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt lộ trình giảm thuế


Dệt may, da giày, nông, lâm, thủy sản… là nhóm hàng được cho là hưởng lợi nhiều khi FTA Việt Nam - EAEU có hiệu lực, ông nhìn nhận cơ hội với các lĩnh vực này ra sao?

Ông Dương Hoàng Minh: Theo Hiệp định, hai bên cam kết mở cửa thị trường với 9.927 dòng, nhóm, không cam kết mở cửa thị trường là 1.433 dòng. Chẳng hạn, với thủy sản, 95% dòng thuế mở cửa hoàn toàn, trong đó 71% xóa bỏ hoàn toàn, tương đương 100% tổng kim ngạch xuất khẩu trung bình trong 3 năm (2010 - 2012) của Việt Nam vào EAEU, 5% dòng thuế còn lại là các mặt hàng Việt Nam không có thế mạnh xuất khẩu.

Với mặt hàng giày dép, 77% dòng thuế cắt giảm ngay, trong đó 73% xoá bỏ hoàn toàn và lộ trình tối đa 5 năm, 100% dòng thuế của các mặt hàng túi xách sẽ về 0%, 76% số mặt hàng đồ gỗ được cắt giảm thuế… Có thể nói, cơ hội xuất khẩu hàng hóa vô cùng lớn cho nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, để hưởng lợi từ ưu đãi giảm thuế thì doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ hiệp định này, với từng dòng thuế, lộ trình cắt giảm tới đâu… để có sự chuẩn bị phù hợp cho hàng hóa xuất khẩu thuộc ngành, lĩnh vực của mình.
.
Thủy sản là ngành được cho là có lợi thế xuất khẩu sang Nga và các nước thuộc EAEU (gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan), tuy nhiên, yêu cầu về kiểm dịch thực vật đang là rào cản. Vậy doanh nghiệp Việt Nam phải làm gì để vượt qua chướng ngại vật này?

Như tôi đã nói, FTA Việt Nam - EAEU có hiệu lực là cơ hội lớn cho các ngành hàng Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường gần 180 triệu dân của EAEU. Nhưng quy định để được giảm thuế với từng mặt hàng khác nhau. Với thủy sản, phải đáp ứng về tỷ lệ xuất xứ nguyên liệu, quan trọng nhất là giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, hoặc mô tả hàng hoá khi cấp nguồn gốc xuất xứ… Bởi vậy, không ai thay doanh nghiệp trong việc đáp ứng các yêu cầu từ thị trường nhập khẩu.

Về tổng thể, Bộ Công thương đánh giá, sau khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên sẽ đạt 10 - 12 tỷ USD vào năm 2020 (năm 2014 đạt khoảng 4 tỷ USD).

Ngành thép được nhận định sẽ gặp nhiều sức ép lớn khi EAEU có hiệu lực, do Nga và các nước thuộc EAEU là cường quốc về sản xuất thép, vậy khả năng chống đỡ của ngành thép nước ta ra sao, thưa ông?

Quá trình đàm phán EAEU thực tế các bộ, ngành đã có tham vấn rất kỹ với ngành thép và thực tế, với từng mặt hàng sẽ có lộ trình giảm thuế, mở cửa khác nhau, nên các doanh nghiệp ngành thép cũng không nên quá lo lắng.

Được biết, vì quá lo nên ngành thép đã đề xuất được hỗ trợ, tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, ngành thép hay bất cứ ngành nào khác, nếu có được bảo hộ của Nhà nước thì cũng không thể lâu dài được, nên phải tự mình nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nhìn nhận ở góc độ khác, Việt Nam lại có cơ hội nhập khẩu từ EAEU các loại thép đặc thù mà trong nước chưa sản xuất được với giá cạnh tranh hơn nhập từ các thị trường khác.


Theo dự kiến, FTA với EAEU sẽ được 2 bên phê chuẩn và có hiệu lực vào đầu năm 2016,  ông có khuyến cáo gì với các doanh nghiệp xuất khẩu?

Thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã có kinh nghiệm xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản. Bởi vậy, khi EAEU có hiệu lực, thuế giảm thì các doanh nghiệp nên nghiên cứu kỹ Hiệp định để có thể tận dụng tối đa.

Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý về quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại song phương quy định với hàng dệt may và giày dép về cơ chế ngưỡng. Khi hàng hóa xuất khẩu Việt Nam hoặc bên kia bị vượt ngưỡng, bên nhập khẩu cho rằng có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước thì họ có thể tiến hành điều tra. Đây là vấn đề doanh nghiệp cần hết sức lưu ý , bởi nếu tăng quá mạnh thì cũng không tốt.

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

Trở về

Bài cùng chuyên mục