Trong số thị trường nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử từ Việt Nam thì Trung Quốc là thị trường chính, chiếm 28,23% tỷ trọng.
Cao su xuất khẩu lo bị ép giá
- Cập nhật : 20/08/2015
(Tin kinh te)
Việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) sẽ tác động tới nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam, trong đó có mặt hàng cao su.
PV Báo Tin Tức đã trao đổi với ông Võ Hoàng An, Tổng thư ký Hiệp hội cao su Việt Nam, Trưởng ban Xuất nhập khẩu Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam về vấn đề này.
Việc Trung Quốc phá giá đồng NDT sẽ ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của ngành cao su như thế nào, thưa ông?
Việc phá giá đồng NDT sẽ khiến những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Trung Quốc trở nên rẻ hơn và tăng tính cạnh tranh hơn so với hàng hóa của các nước trong khu vực, đồng thời làm cho các mặt hàng nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ gặp khó khăn do đắt hơn trước đây.
Đối với mặt hàng cao su thiên nhiên nguyên liệu, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với lượng xuất khẩu từ 460.000 tấn đến 500.000 tấn mỗi năm, chiếm khoảng 40% – 50% tổng lượng cao su xuất khẩu mặc dù đang có xu hướng giảm dần về tỷ trọng.
Khi đồng NDT giảm giá sẽ khiến mặt hàng cao su thiên nhiên nhập khẩu từ các nước trong khu vực vào Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn so với trước đây, làm giảm khả năng cạnh tranh so với cao su nội địa của Trung Quốc.
Những đơn hàng xuất khẩu cao su Việt Nam áp dụng phương thức thanh toán bằng đồng NDT sẽ gặp ảnh hưởng trực tiếp từ sự thay đổi tỷ giá, kéo doanh thu của các doanh nghiệp giảm xuống khi quy đổi sang VND. Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cao su sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch sẽ càng gặp thêm khó khăn khi doanh thu giảm bên cạnh tình trạng các cửa khẩu Trung Quốc lúc mở, lúc đóng. Đối với các hợp đồng thanh toán bằng đồng USD, trước bối cảnh đồng NDT mất giá, các doanh nghiệp Trung Quốc phải chi thêm hơn 4% cho các đơn hàng mua với giá trước đây, vì vậy đang có xu hướng ép giá cao su Việt Nam để bù đắp lại phần thâm hụt khi chuyển đổi từ NDT sang USD.
Hiện nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu nguyên liệu cao su thiên nhiên lớn nhất của Việt Nam, nên việc Trung Quốc phá giá nội tệ sẽ khiến giá bán và doanh thu của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể sụt giảm trong thời gian tới nếu đồng Việt Nam thay đổi tỷ giá với biên độ thấp hơn. Mặt khác, cao su Việt Nam còn gặp cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực vì đồng tiền của các nước này cũng bị mất giá do ảnh hưởng của việc giảm mạnh tỷ giá NDT.
Tuy nhiên, việc phá giá đồng nội tệ của Trung Quốc là nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước và xuất khẩu, do đó trong tương lai có thể kéo theo nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu tăng lên, tạo kỳ vọng cho cao su thiên nhiên xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc có thể tăng về lượng.
Ảnh hưởng lớn nhất là đối với các thành phẩm cao su, khi đồng NDT mất giá, các sản phẩm cao su Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam càng tăng tính cạnh tranh nhờ giá bán rẻ hơn. Những sản phẩm cao su Trung Quốc mà Việt Nam vẫn cần nhập như cao su tổng hợp, săm lốp xe, băng tải, sản phẩm cao su y tế, chỉ thun, ống cao su, tấm cao su… Các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất những sản phẩm cao su này sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh hơn nữa từ phía Trung Quốc sau việc đồng NDT bị phá giá.
Theo ông, ngành cao su cần có những giải pháp gì để tránh ảnh hưởng từ việc Trung Quốc phá giá đồng NDT?
Ngày 12/8/2015, Ngân hàng Trung ương Việt Nam đã tăng biên độ tỷ giá từ 1% lên 2% nhằm tháo gỡ một phần khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, nhưng hàng hóa Việt Nam vẫn đắt hơn Trung Quốc vì mức phá giá của nước này lên đến 4,6%.
Để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ việc Trung Quốc phá giá đồng NDT, các doanh nghiệp ngành cao su cần đa dạng hóa thị trường, từng bước giảm phụ thuộc vào thị trường nước này, kết hợp với việc cắt giảm giá thành, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm để tăng cường khả năng cạnh tranh và thúc đẩy xuất khẩu.
Đồng thời, Việt Nam cần chú trọng hơn nữa việc khai thác tiềm năng thị trường nội địa và chuyển đổi cơ cấu chủng loại cao su cho phù hợp với nhu cầu tiêu thụ chung trên thế giới thay vì chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc, là thị trường còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.