Hàng hóa loại nào cũng nhập, trong khi sản xuất trong nước ngày càng khó khăn, không cạnh tranh nổi với hàng nước ngoài
Tiêu thụ thép bật tăng
- Cập nhật : 15/07/2016
Nhu cầu thị trường thép phục hồi, cộng với các biện pháp tự vệ tạm thời giúp doanh nghiệp giữ được nhịp độ sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm, toàn ngành thép đã sản xuất hơn 8,5 triệu tấn sản phẩm (thép xây dựng, ống thép, tôn mạ, thép cán nguội…), tăng 35,7% so với cùng kỳ năm trước, tổng tiêu thụ hơn 8 triệu tấn, tăng 39% so với cùng kỳ. Trừ đi sản lượng xuất khẩu hơn 1 triệu tấn, thì tiêu thụ nội địa vẫn đạt trên 7 triệu tấn.
Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, từ cuối tháng 3/2016, Bộ Công thương đã áp thuế tự vệ tạm thời với các sản phẩm phôi thép và thép thành phẩm từ 14,2 - 23,3%, đã phần nào hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong quý II/2016 của các doanh nghiệp ngành thép, giữ ổn định thị trường thép trong nước.
Thị trường sắt thép trong nước đã có sự phục hồi tích cực, sản xuất và tiêu thụ nửa đầu năm 2016 đạt khá.
Thị trường sắt thép trong nước đã có sự phục hồi tích cực, sản xuất và tiêu thụ nửa đầu năm 2016 đạt khá.
“VSA ủng hộ các doanh nghiệp thép trong nước kiến nghị với Chính phủ áp dụng những biện pháp bảo vệ sản xuất thép nội địa, kể cả sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại theo đúng thông lệ quốc tế trước làn sóng thép xuất khẩu giá rẻ từ nước ngoài”, ông Dũng nói.
Ngay sau thời điểm áp thuế tự vệ, nhiều nhà sản xuất, kinh doanh tăng lượng mua, giá thép trên thị trường tăng cao từ đầu tháng 3 đến đầu tháng 5 do một số đối tượng đầu cơ. Tuy nhiên, từ nửa cuối tháng 5 và tháng 6 thì giá thép bắt đầu hạ nhiệt, và hiện giá thép trên thị trường đã giảm từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng mỗi tấn.
Thêm vào đó, thị trường đã có sự phục hồi tích cực, nhu cầu tăng, giá thép trong nước cũng tăng theo. Các doanh nghiệp sản xuất thép đều đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường, do đó, sản xuất và tiêu thụ nửa đầu năm 2016 đều đạt được mức tăng trưởng khá cao so với mức bình quân của những năm gần đây.
Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG) đã công bố lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2016 lên tới 200 tỷ đồng, với sản lượng tiêu thụ đạt 346.000 tấn.
Kết quả này là một bước tiến dài nếu nhìn vào sản lượng bán hàng cả năm 2015 của công ty này chỉ đạt 423.000 tấn, doanh thu chỉ hoàn thành 70% kế hoạch đề ra, đạt 5.462 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 126 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Mạnh Hùng, Tổng giám đốc NKG, Công ty có nhiều lợi thế về xuất khẩu sang thị trường Malaysia, do sản phẩm của NKG không bị áp thuế chống bán phá giá, là một trong những điểm cộng thúc đẩy kết quả kinh doanh của NKG trong nửa đầu năm 2016 và thời gian tới.
Sở dĩ Thép Nam Kim có thêm lợi thế là bởi, từ đầu năm 2016, Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia đã công bố quyết định việc áp thuế chống bán phá giá cho các doanh nghiệp tôn phủ màu, trong đó Thép Nam Kim được loại trừ việc áp thuế chống bán phá giá do biên độ phá giá được xác định là 0,06% (theo quy định của WTO, biên độ phá giá dưới 2% được xem như trường hợp không bị bán phá giá).
Đây là lợi thế cạnh tranh của Công ty Thép Nam Kim so với các đối thủ cùng ngành khi xuất khẩu sản phẩm tôn phủ màu sang thị trường Malaysia trong giai đoạn 2016 - 2021.
Thị trường thép nội địa trong 6 tháng đầu năm cũng ghi nhận thêm Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) đã có mức tiêu thụ khá. Với sản lượng sản xuất phôi thép đạt 983.000 tấn, tăng 22% so với cùng kỳ, tiêu thụ ước đạt 314.000 tấn, tăng 7%. Thép xây dựng đạt sản lượng 1,6 triệu tấn, tăng 23% so với cùng kỳ. Tiêu thụ trên 1 triệu tấn. Tổng lợi nhuận trước thuế của Công ty mẹ ước lãi 105 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế của khối công ty con ước lãi 339 tỷ đồng.
Tiếp đến là Tập đoàn Hòa Phát với số lượng xấp xỉ 800.000 tấn, thị phần thép đạt 20,3%.
Theo số liệu báo cáo bán hàng tháng 6/2016 của Hòa Phát, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng trong tháng là 105.000 tấn. Tính chung trong quý II/2016 tiêu thụ 389.000 tấn. Mảng ống thép tiêu thụ tăng trưởng mạnh, đạt 121.000 tấn, phôi thép tiêu thụ đạt 80.000 tấn…
Sơ bộ trong nửa đầu năm 2016, lợi nhuận sau thuế của nhà sản xuất thép xây dựng lớn thứ 2 trên thị trường này đã đạt 1.850 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận thu về từ kinh doanh thép xây dựng lên tới 1.280 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận còn lại đến từ kinh doanh ống thép, phôi thép, khai khoáng…
Không chỉ tiêu thụ nội địa, từ đầu năm đến nay, Hòa Phát đã đẩy mạnh xuất khẩu, với sản lượng đạt hơn 8.000 tấn, đóng góp 10% tổng sản lượng tiêu thụ và đang từng bước nâng kim ngạch xuất khẩu qua mỗi tháng sang các nước ASEAN - thị trường xuất khẩu chính của thép Việt Nam. Ngoài ra, thép Hòa Phát cũng tiếp tục xuất khẩu sang thị trường Australia. Với đà tiêu thụ như trên, mục tiêu doanh thu 28.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.200 tỷ đồng trong năm 2016 của Hòa Phát hoàn toàn có thể đạt được.
Theo Báo Đầu Tư