Sau những tháng cao điểm thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) tăng giá, lên xuống theo nhu cầu xây dựng của người dân, đến thời điểm hiện tại cuối tháng 5, nhu cầu về các loại VLXD (xi măng, sắt, thép, gạch, cát, sỏi, gạch...) vẫn còn khá lớn, tuy nhiên giá cả của những loại vật liệu này lại không biến động, thất thường như những tháng đầu năm.
Đối thủ hàng Việt: Không chỉ Trung Quốc, Thái Lan, hàng Nhật cũng là “mối đe doạ”
- Cập nhật : 09/05/2016
(Tin kinh te)
Thay vì mua hàng Nhật xách tay, người tiêu dùng đã có thể mua hàng Nhật dễ dàng hơn tại các siêu thị khi lượng hàng Nhật xuất hiện nhiều hơn trên các kệ hàng và các chuỗi siêu thị bán hàng Nhật nội địa.
Aeon Fivimart “thế chỗ” SapoMart Hà Đông
Đầu năm 2016, SapoMart, tiền thân là Hiway Supercenter, chuỗi siêu thị cho CTCP Hiway Việt Nam quản lý đã tuyên bố tạm dừng kinh doanh chỉ sau một năm thay đổi nhận diện thương hiệu và chưa đạt được, dù chỉ một phần mục tiêu mà lãnh đạo doanh nghiệp này đặt ra hồi đầu năm 2015.
Trước cửa siêu thị SapoMart Hà Đông (Hà Nội) đặt tấm biển “Xả toàn bộ hàng hoá để cải tạo mặt bằng siêu thị giảm đến 80% trong vòng 10 ngày" và cam kết "siêu thị sẽ mở cửa hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất”, tuy nhiên tại thời điểm này một số thông tin cho biết, có một nhà bán lẻ liên doanh giữa Việt Nam - Nhật Bản sẽ sử dụng lại mặt bằng của SapoMart.
SapoMart mới chỉ tồn tại và hoạt động trong một năm, nhưng kể từ khi được thay tên, thay đổi nhận dạng thương hiệu mới từ Hiway Supercenter thành SapoMart, lãnh đạo của SapoMart đã từng đặt nhiều kỳ vọng về chuỗi siêu thị này.
Cụ thể như, đưa hệ thống siêu thị SapoMart trở thành siêu thị thân thiện số 1 tại Việt Nam. Phát triển hệ thống 10 siêu thị trong năm 2015, 20 siêu thị đến hết năm 2016. Trở thành top 5 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam đến năm 2020….
Việc thay đổi slogan từ “Hiway - Giá rẻ mỗi ngày” thành “SapoMart - Thân quen mỗi ngày”, lãnh đạo Hiway Việt Nam cho rằng, không xem cạnh tranh bằng giá làm mục tiêu phát triển siêu thị mà sẽ cạnh tranh bằng dịch vụ, thái độ và sự chăm sóc với khách hàng.
Hiện, thay thế SapoMart tại mặt bằng SapoMart từng kinh doanh là siêu thị Fivimart được điều hành và quản lý bởi CTCP Nhất Nam, cũng là đơn vị Tập đoàn bán lẻ Nhật Bản Aeon đã mua 30% cổ phần hồi đầu năm 2015.
Aeon (Nhật Bản) lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam với cụm trung tâm thương mại tại Tân Phú (TP.HCM), sau đó là các trung tâm thương mại tại Bình Dương, Long Biên (Hà Nội), Bình Tân (TP.HCM). “Đại gia” bán lẻ đến từ Nhật Bản nhìn nhận tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam rất lớn, dự kiến đến năm 2020 sẽ xây dựng khoảng 20 trung tâm mua sắm quy mô lớn ở Việt Nam.
Tập đoàn này đặt ra chiến lược kinh doanh là “bám” lấy tâm lý thích dùng hàng Nhật của người Việt, lên phương án kinh doanh 1/3 hàng Nhật, 1/3 hàng Việt, còn lại là hàng hóa nhập từ các nước khác.
Hàng Nhật: Gói mì tôm 49.000 đồng, gói mì chính 240.000 đồng
Hiện thực hoá chiến lược kinh doanh kể trên, tại hệ thống siêu thị Fivimart trên địa bàn Hà Nội, từ chiếc tăm bông, nước rửa bát, kem đánh răng, mì tôm, bánh kẹo đến các sản phẩm đồ gia dụng có xuất xứ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan đã xuất hiện nhiều hơn trên các kệ hàng.
Tuy nhiên, trong khi hàng Thái Lan có mức giá tương đương với hàng Việt cùng loại, hàng Hàn Quốc, Nhật Bản có mức giá cao hơn thậm chí gấp từ 2-5 lần.
Cụ thể, giá bán chai nước rửa bát hương bưởi 600ml có thương hiệu Nhật Bản là 49.400 đồng/chai, trong khi giá của chai nước rửa bát Sunlight 400g là 15.200 đồng/chai, giá chai nước rửa bát thương hiệu Fivimart 400g có giá 11.900 đồng/chai.
Đối với sản phẩm mì tôm, giá bán gói mì ăn liền vị nước tương TV 96gr 19.900 đồng/gói, mì tô ăn liền Soba Tempura 101gr có giá bán 42.900 đồng/hộp, miến ly rau quả và rong biển 25,5gr có giá 39.900 đồng. Mì Hàn Quốc có giá rẻ hơn, dao động từ 10.000-15.000 đồng/gói, hộp trong khi mì ăn liền tại Việt Nam có giá bán chỉ từ 3.000-5.000 đồng/gói.
Không chỉ tại các siêu thị mà doanh nghiệp Nhật Bản liên doanh, hàng Nhật có mặt nhiều hơn trên thị trường thông qua chuỗi cửa hàng, siêu thị chuyên phân phối hàng Nhật nội địa.
Từ một gian hàng được mở tại trung tâm thương mại từ năm 2011 bán các sản phẩm phục vụ mẹ và bé như bỉm, sữa, bình sữa, sữa tắm… Công ty TNHH Quốc tế Sakura Việt Nam đã mở rộng số lượng lên đến 5.000 chủng loại hàng thuộc các nhóm chăm sóc sức khoẻ, mỹ phẩm, đồ điện điện tử, đồ dùng phòng tắm, phòng bếp, phòng khách… 100% hàng nội địa Nhật Bản với 7 điểm siêu thị.
Khảo sát tại cửa hàng Sakura (Thái Hà, Đống Đa), giá bán của một số sản phẩm như mì chính Ajinomoto gói 400g, có giá bán lên đến 240.000 đồng/gói, chưa bao gồm VAT, sản phẩm cá ngừ đóng hộp 130g giá bán 110.000 đồng/hộp, ruốc cá hồi 180g có giá bán 160.000 đồng/hộp…
Thừa nhận rằng hàng Nhật Bản hiện đang có mức giá cao so với hàng có xuất xứ Thái Lan, Hàn Quốc chỉ thích hợp với phân khúc khách hàng cao cấp, tuy nhiên theo chuyên gia thương mại, ông Vũ Vinh Phú các nhà sản xuất Nhật Bản sẽ nghiên cứu từng phân khúc người tiêu dùng, sản xuất với mức giá hợp lý hơn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam.
“Đôi tất Nhật Bản đang được bán với giá lên đến 200.000 đồng/đôi nhưng chất lượng hoàn toàn hơn hẳn các sản phẩm cùng loại đang được bán trên thị trường, trong tương lai thu nhập của người dân được cải thiện đồng thời, mức giá có thể giảm hơn nhờ việc tiết kiệm các chi phí như bao bì…, hàng Nhật sẽ là mối đe doạ với hàng hoá không chỉ hàng Việt Nam mà cả các nước đang bán tại thị trường Việt Nam”, ông Phú cho biết.
NGUYỄN THẢO
Theo Bizlive