UBND TP.HCM mới đây đã giao Liên hiệp Hợp tác xã thương mại thành phố phối hợp với Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn xây dựng Đề án nâng cao sức cạnh tranh của thị trường bán lẻ thành phố với mục tiêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, thương hiệu Saigon Co.op sẽ trở thành tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Việt Nam, có một trung tâm thương mại lớn tầm khu vực tại TP.HCM.
Đối tác ngoại ồ ạt “thôn tính” thị trường điện máy Việt
- Cập nhật : 01/06/2016
(Tin kinh te)
Hoạt động mua lại và sáp nhập giữa doanh nghiệp điện máy, bán lẻ kỹ thuật số trong nước với đối tác nước ngoài đang tạo ra các liên minh mới trên thị trường. Đây là con đường nhanh nhất để doanh nghiệp ngoại sở hữu thị phần, chuỗi cung ứng bán lẻ và số lượng khách hàng hiện có của các thương hiệu điện máy Việt.
Theo ông Đặng Chương Linh, Phó Trưởng ban Ban Nghiên cứu Chiến lược và Quy hoạch phát triển thương mại (Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương), tại Việt Nam hiện nay, các hoạt động mua lại và sáp nhập (M&A - Mergers and Acquisitions) doanh nghiệp đang phát triển nhanh chóng cả về số lượng và quy mô.
Năm 2015, Việt Nam có tổng cộng 525 thương vụ với giá trị đạt trên 4,3 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2014.
A.T Kearney (Mỹ) thống kê Việt Nam đứng thứ 28 trong danh sách các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất trên thế giới và đây là lý do giải thích cho câu hỏi tại sao các thương vụ M&A trong lĩnh vực này luôn sôi động.
“Thông qua M&A, các doanh nghiệp trong nước có thể cùng liên kết để nâng cao sức mạnh, nhưng mặt khác các doanh nghiệp nhỏ và hoạt động không hiệu quả có thể không còn khả năng cạnh tranh và bị đào thải trước các liên minh mới xuất hiện trên thị trường”, ông Đặng Chương Linh nhận định.
Trong đó, tính riêng lĩnh vực điện máy vài năm gần đây cũng trở nên sôi động với các thương vụ mua bán sáp nhập. Nguyễn Kim bắt tay với Tập đoàn Central Group của Thái Lan thông qua thương vụ Power Buy (thuộc Central Group) mua lại 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim), đặt tham vọng sẽ đạt 50 siêu thị vào năm 2019.
Tập đoàn Nojima đến từ Nhật Bản nâng sở hữu lên 31% sau khi mua lại từ một quỹ nước ngoài khác của điện máy Trần Anh. Ngoài ra, một loạt cái tên khác như HC, Pico, Media Mart, FPT Shop… cũng tính đến thương vụ M&A nhằm gia tăng lợi thế.
Từ năm 2015, phía Công ty TNHH Thương mại VHC (doanh nghiệp sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Home Center - HC) từng cho biết nếu có đối tác phù hợp và dự án hợp tác thúc đẩy sự phát triển của cả đôi bên, HC có thể sẽ tham gia. Media Mart cũng úp mở thông tin đang trong giai đoạn đàm phán và tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác nước ngoài.
Đối với FPT Shop, Tập đoàn FPT đang kêu gọi đầu tư từ các nhà đầu tư có tài chính mạnh, có kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ truyền thống và trực tuyến để giúp FPT Shop phát triển mạnh hơn trong giai đoạn tiếp theo, tận dụng tối đa và khai thác tiềm năng của thị trường bán lẻ hiện đại.
M&A là con đường ngắn nhất để tấn công thị trường Việt
Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu xét năng lực tổng thể, các doanh nghiệp nước ngoài khi thâm nhập vào thị trường bán lẻ Việt Nam sở hữu tiềm lực rất mạnh trên mọi phương diện như vốn, kinh nghiệm thương trường, nhân sự cũng như công nghệ quản lý.
Còn về phía các doanh nghiệp phân phối bán lẻ trong nước, ngoài lợi thế hoạt động trên “sân nhà”, am hiểu tâm lý của người tiêu dùng trong nước thì vẫn còn tồn tại rất nhiều hạn chế về vốn (vốn của siêu thị nội chỉ đủ khoảng 20% nhu cầu kinh doanh, khó thu mua hàng hóa một cách trực tiếp của sản xuất; phần còn lại phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng với lãi suất cao), thiếu kinh nghiệm, công nghệ quản lý yếu kém, thiếu hụt chuỗi kinh doanh và áp lực về nhân sự chất lượng cao.
Ngoài ra, mạng lưới phân phối chưa đủ mạnh và không khép kín từ sản suất đến tiêu dùng, chưa có chiến lược đầy đủ.
Chính vì thế, các thương vụ M&A xuất phát từ nhu cầu đa dạng của các doanh nghiệp có thể là sự hợp tác cùng lớn mạnh, nhưng cũng có thể là sự thâu tóm, giành giật thị phần và chiếm lĩnh thị trường của các ông lớn.
Ông Đặng Chương Linh phân tích, đối với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài, từ lợi thế sức mạnh về vốn và công nghệ quản lý, ý đồ của họ khá rõ ràng đó là từng bước thâm nhập thị trường mới, nhiều tiềm năng, chiếm lĩnh thị trường bán lẻ.
Đặc biệt, đó còn là toan tính thúc đẩy xuất khẩu thông qua mạng lưới bán lẻ của mình vào thị trường mới - đây cũng chính là chiến lược quốc gia của họ nhằm phát triển xuất khẩu, trong đó chính phủ trực tiếp điều hành các hoạt động theo các khâu của chuỗi cung ứng, hỗ trợ các doanh nghiệp từ sản xuất đến vận chuyển, tiêu thụ và điều phối lợi nhuận...
Và trong định hướng đó, M&A chính là con đường ngắn và nhanh nhất để sở hữu thị phần, chuỗi cung ứng bán lẻ đang hoạt động và số lượng khách hàng hiện có.
Ông Ngô Quốc Bảo, Giám đốc phát triển Kinh doanh Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT lưu ý, trong hoạt động nhượng quyền thương mại, các doanh nghiệp Việt Nam phải nhạy bén, cần phải hiểu rõ năng lực của mình để xác định đúng những điểm mạnh, điểm yếu cũng như cơ hội và thách thức trước mắt.
Nhượng quyền thương mại sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tập trung nguồn lực để nâng cao sức cạnh tranh và làm tiền đề để xâm nhập thị trường quốc tế.
Để có thể nâng cao năng lực, các doanh nghiệp bán lẻ cần nâng cao chất lượng cung ứng, chất lượng dịch vụ bán hàng và sau bán hàng. Cần vượt qua các thách thức từ mô hình mua sắm truyền thống sang hình thức mua sắm hiện đại và đầu tư vào chuỗi các cửa hàng, siêu thị bán lẻ, liên kết để phát triển các hình thức bán lẻ mới. Xây dựng thương hiệu và tham gia mạnh mẽ vào các mô hình bán hàng thông qua thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến trên truyền hình, điện thoại...
Theo ICT News