Giá cà phê trong nước ngày 7/6/2016
Giá chè trong nước ngày 7/6/2016
Giá đường trong nước ngày 7/6/2016
Giá muối trong nước ngày 7/6/2016
Sàn giao dịch hồ tiêu gian nan vượt khó
- Cập nhật : 03/06/2016
(Tin kinh te)
Qua sàn giao dịch, người nông dân có cơ hội gặp gỡ, biết đến nhiều người mua hơn, có cơ hội mặc cả hơn ở thị trường nội và xuất khẩu.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đang đề xuất, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xúc tiến thành lập sàn giao dịch hồ tiêu. Bởi Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu, việc có một sàn giao dịch sẽ giúp DN và người nông dân trồng tiêu cập nhật thông tin giá cả thị trường xuất khẩu, cũng như cơ hội tiếp cận nhiều bạn hàng trong nước và thế giới, hạn chế việc bị ép giá khi được mùa.
Có thiên thời, địa lợi
Theo VPA, từ hai năm qua, hồ tiêu đã thành công vượt mặt nhiều mặt hàng nông sản khác về sản xuất và thương mại, giữ vững ngành hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Hồ tiêu Việt Nam đã xuất khẩu đến 95 quốc gia, vùng lãnh thổ khắp các châu lục như, châu Á 43%, châu Âu là 28,14%, châu Mỹ 22,08% và châu Phi 6,78%...
Dự báo sản lượng hồ tiêu xuất khẩu năm 2016 ước đạt trên 140.000 tấn, với giá ổn định, ít biến động. Những sản phẩm tiêu xuất khẩu có giá trị gia tăng cao là tiêu đen và tiêu trắng xay (nghiền) đang được doanh nghiệp xuất khẩu đẩy mạnh tiếp cận thị trường.
Trên cả nước hiện có 82 doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp tiêu, trong đó 26 doanh nghiệp xuất khẩu đạt trên 4,6 triệu USD/năm. Và theo dự báo của Hiệp hội Hồ tiêu thế giới trong 5 - 8 năm tới, Việt Nam sẽ vẫn là nước xuất khẩu tiêu hàng đầu thế giới.
Về sản xuất, hiện nay diện tích thu hoạch tiêu cả nước là 61.493 ha. Vùng trồng cây tiêu tập trung tại 7 tỉnh Quảng Trị, Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Đồng Nai, với tổng sản lượng tiêu đạt 130.000 tấn/2015. Ngày càng có nhiều nông dân trồng hồ tiêu có kinh nghiệm sản xuất, phân tích và dự báo thị trường.
Tuy có nhiều thành công, nhưng ngành hồ tiêu cũng chưa thật sự phát triển bền vững. Bởi diện tích tăng nóng, canh tác thiếu kiểm soát, thiếu sự liên kết, tổ chức chặt chẽ trong toàn chuỗi sản xuất, khiến việc sử dụng hóa chất trong canh tác, thu hoạch, bảo quản hồ tiêu không theo quy định về chất lượng an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nhiều đến thương mại xuất khẩu, đặc biệt là khi vào các thị trường có giá trị cao.
Tiêu thụ trong nước, người nông dân vẫn tồn tại tâm lý, khi tiêu tăng giá thì thi nhau găm dự trữ, gây bất ổn thị trường, khiến doanh nghiệp xuất khẩu rất khó khăn trong việc thu mua đủ hàng cho các hợp đồng đã ký.
Và cần có sàn giao dịch
Thạc sĩ Nguyễn Mai Oanh, Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, hiện nay VPA đang đề xuất với Bộ NN&PTNT về việc xúc tiến thành lập Sàn giao dịch hồ tiêu Việt Nam. Bởi những năm gần đây, các quốc gia sản xuất hồ tiêu chính trên thế giới như Ấn Độ, Malaysia, Brazil, Sri Lanka... đều công nhận Việt Nam đã dẫn đầu cộng đồng các nhà sản xuất hồ tiêu quốc tế.
Trong đó, Ấn Độ tuy là đối thủ cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu hồ tiêu nhưng vẫn đánh giá cao triển vọng hợp tác hai bên cùng có lợi với Việt Nam. Đặc biệt trong lĩnh vực đấu giá hồ tiêu trên thị trường quốc tế, cụ thể bằng việc thành lập một sàn giao dịch hồ tiêu tại Việt Nam.
Và Đại sứ quán Ấn Độ đã có công văn gửi Bộ NN&PTNT Việt Nam đề xuất của Chính phủ Ấn Độ sẽ hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật, công nghệ thông tin để thành lập một sàn giao dịch hồ tiêu. Bởi Ấn Độ có kinh nghiệm từ hoạt động sàn giao dịch hồ tiêu đặt tại các thành phố lớn là Mumbai và Cochin của nước này.
Đối với người nông dân, sàn giao dịch hồ tiêu sẽ mang đến những lợi ích lớn, họ sẽ hoàn toàn chủ động trong việc tiêu thụ và định giá sản phẩm của mình. Hiện nay, nhà nông Việt Nam nếu không có doanh nghiệp kinh doanh bao tiêu sản phẩm thì sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.
Và phần lớn nhà nông thích bán cho thương lái hơn, bởi quy mô sản xuất và tiêu thụ hộ gia đình nhỏ lẻ, khi cần tiền chi tiêu, họ sẽ bán 10kg – 20kg tiêu, thu tiền mặt ngay, nên thương lái đôi khi thao túng, ép giá. Khi qua sàn giao dịch, nhà nông sẽ biết thông tin cụ thể về thị trường tiêu thụ trong nước và thế giới, về giá mua và bán sản phẩm mới nhất trong ngày.
Đặc biệt, qua sàn giao dịch, người nông dân có cơ hội gặp gỡ, biết đến nhiều người mua hơn, có cơ hội mặc cả hơn ở thị trường nội và xuất khẩu.
Theo bà Nguyễn Mai Oanh, việc thành lập một sàn giao dịch hồ tiêu cần nguồn vốn rất lớn với nhiều chính sách, pháp luật liên quan nhiều bộ, ngành chức năng, thậm chí cả chính sách, quy định Nhà nước về tiền tệ… Chính vì vậy, VPA vẫn đang kiến nghị đề xuất lên Bộ NN&PTNT. Còn mọi thủ tục tiến hành hay làm việc với phía Ấn Độ vẫn chờ ở cấp bộ.
Thanh Trà
(Thời báo Ngân hàng)