Dù có giá cao hơn nhiều sản phẩm trong nước nhưng trái cây Thái Lan vẫn vượt mặt Trung Quốc tràn vào Việt Nam.
Không còn lý do để giá cà phê tăng?
- Cập nhật : 05/06/2016
Sản lượng không giảm như dự báo, giá bị áp lực trong ngắn hạn
Vivek Verma, phó giám đốc điều hành của Olam cho biết nguồn cung trên thế giới gia tăng sẽ gây áp lực giảm giá cà phê trong ngắn hạn, nhưng tiêu thụ tăng về lâu dài sẽ hỗ trợ giá đi lên.
Hợp đồng robusta kỳ hạn giao sau đã giảm giá trở lại sau khi lên mức cao kỷ lục 9 tháng vào tháng 5 vừa qua, trong khi arabica cũng giảm giá khỏi mức cao kỷ lục gần 2 tháng đạt được cũng trong tháng 5.
“Tỷ lệ dự trữ – tiêu thụ hiện đang ở mức tương đối thấp. Tồn trữ cuối vụ 2015/16 đang tiến tới mức thấp chưa từng thấy kể từ nhiều năm nay”, ông Verma cho biết, “(Nhưng) nếu vụ mùa của Brazil tiếp tục tiến triển tốt như hiện nay thì chỗ thiếu hụt sẽ nhanh chóng được lấp đầy”.
Theo ông Verma, mưa đến với những nông trường cà phê ở Việt Nam – nước sản xuất robusta lớn nhất thế giới – đã giúp cải thiện tình hình sau khi hạn hán kéo dài gây thiệt hại tới khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Ông dự báo sản lượng cà phê robusta của Việt Nam sẽ chỉ giảm khoảng 5% trong niên vụ 2016/17, ít hơn mức giảm 15% dự báo trước đây.
“Tôi không thấy có lý do nào để giá robusta tăng vì sản lượng của Việt Nam đang hồi phục”, và “Tôi cho rằng sản lượng của Việt Nam sẽ không giảm quá nhiều”, ông Verma nhận định.
Brazil, nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, chủ yếu trồng cà phê arabica chất lượng cao hơn so với robusta. Vụ mùa arabica năm nay được mùa và chất lượng tốt, và dự báo sản lượng sẽ tăng 15% so với năm ngoái – năm hạn hán ảnh hưởng tới mùa vụ.
Arabica thường được sử dụng để rang xay và sản xuất cà phê pha phin, trong khi robusta thường được dùng làm nguyên liệu sản xuất cà phê hoà tan hoặc pha trộn với arabica để hạ giá thành.
Trong khi sản lượng arabica của Brazil đang bùng nổ, hạn hán năm thứ 2 liên tiếp ở những khu vực sản xuất robusta của nước này đang ảnh hưởng tới sản lượng robusta. Tuy nhiên, theo ông Verma thì vấn đề này sẽ chỉ ảnh hưởng tới chút ít tới thị trường cà phê nội địa của Brazil chứ chưa chắc sẽ đẩy giá robusta thế giới tăng lên.
“Brazil là nước tiêu thụ cà phê lớn, và robusta thường được các nhà rang xay trong nước thu mua làm nguyên liệu”, ông cho biết.
“Các nhà rang xay đã chuyển hướng từ robusta sang tăng tỷ lệ arabica trong trường hợp thiếu cung, vậy nên không ảnh hưởng nhiều tới nguồn cung robusta thế giới”.
Diện tích tăng
Cacao và cà phê là nguyên liệu để hãng Olam sản xuất bánh kẹo và đồ uống – đóng góp tới 36% vào tổng doanh thu 19 tỷ SGD (13,8 tỷ USD) trong năm 2015 của hãng.
Những cổ đông lớn nhất của hãng này là Temasek Holdings của Singapore và Mitsubishi Corp của Nhật. Hãng có những nông trường cà phê ở Brazil, Tanzania, Zambia và Lào. Họ cũng mua cổ phần ở một số nông trường và nhà máy cà phê hoà tan ở Việt Nam và Tây Ban Nha.
Ông Verma cho biết Olam có kế hoạch tăng diện tích cà phê thêm 1/3 lên từ mức khoảng 5.500 ha lên khoảng 7.500 ha trong năm nay và năm tới, và sẽ nâng diện tích lên 15.000 – 20.000 ha trong vòng 5-5 năm tới.
Về lâu dài, giá cà phê thế giới dự báo sẽ tăng theo xu hướng tăng tiêu thụ, nhất là đối với các loại cà phê đặc biệt và cà phê hoà tan.
Thị trường cà phê đặc biệt (cà phê cao cấp) đang tăng trưởng khá mạnh mẽ, đặc biệt ở những nền kinh tế phát triển. Theo Hiệp hội Cà phê Quốc gia Hoa Kỳ (NCA), những người tiêu dùng trẻ tuổi ở nước này đang là động lực thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cà phê đặc biệt.
Từ năm 2008 tới 2016, tỷ lệ tiêu thụ cà phê loại đặc biệt đã tăng từ 13% lên 36% với độ tuổi 18-24 và từ 19% lên 41% với độ tuổi 25 đến 39. Theo điều tra của NCA, những người ở độ tuổi 25 đến 39 có tần suất tiêu thụ cà phê đặc biệt hàng tuần cao nhất trong số các độ tuổi.
Nhà phân tích Carlos Mera thuộc Rabobank có trụ sở ở London cũng có nhận định tương tự, và cho biết cà phê đã trở thành thức uống ưa chuộng nhất trong số các loại đồ uống. “Người tiêu dùng đang “thèm khát” cà phê, những loại cà phê có nguồn gốc khác nhau và được chế biến theo cách rang xay”.
Vân Chi
Theo Trí thức trẻ/FT/CafeF