tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Bắc Giang: Khởi động mùa vải thiều 2016

  • Cập nhật : 04/06/2016
Với tổng diện tích gần 6.000 ha, sản lượng vải thiều sớm vụ này ước đạt khoảng 23.000 tấn (giảm 2.000 tấn so với năm 2015 do Bắc Giang cũng bị ảnh hưởng đợt rét đậm, rét hại kéo dài hồi đầu năm).

Vùng vải thiều sớm của Bắc Giang tập trung ở các huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Tân Yên.

Theo Báo Bắc Giang, vải thiều sớm đang được thương nhân từ nhiều nơi trong cả nước đến thu mua tại vườn hoặc ở các điểm thu mua với giá 20.000-30.000 đồng/kg (tương đương với giá vải quả năm 2015).

Về diện tích trồng vải, so với năm 2015, năm nay, diện tích trồng vải của tỉnh giảm 1.000 ha, xuống còn 30.000 ha (do chuyển đổi cơ cấu cây trồng).  Còn chất lượng vải thiều nói chung năm nay cao hơn những năm trước. Dự kiến vải thiều chính vụ ở Bắc Giang bắt đầu thu hoạch vào thời điểm từ giữa tháng 6 trở đi.

Một điểm đáng chú ý là trong năm 2016, diện tích vải thiều trồng theo tiêu chuẩn VietGAP (chủ yếu ở 30 xã, thị trấn của huyện Lục Ngạn) đạt 10.500 ha, sản lượng ước đạt 45.000 tấn.

Những năm trước giá vải VietGAP bình quân cao gấp 1,5 lần so với vải thông thường. Đặc biệt, năm 2015, lần đầu tiên loại vải này “ra mắt” thị trường khó tính là Mỹ, Australia, Pháp, Anh, Nhật Bản.

Khâu hậu cần đã sẵn sàng

Năm nay, vải thiều Lục Ngạn (vùng sản xuất vải thiều chính của Bắc Giang) chín muộn hơn mọi năm. Tuy nhiên, các công việc chuẩn bị về nguồn vốn và các dịch vụ hậu cần phục vụ tiêu thụ, vận chuyển, bảo quản vải thiều đã sẵn sàng.

Để đáp ứng nhu cầu của các DN, thương nhân và nông dân, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - chi nhánh Bắc Giang đã giải ngân khoảng 60 tỷ đồng cho các hợp đồng vay sản xuất đá cây, thùng xốp và thu mua vải thiều. 

Ngân hàng NN&PTNT - chi nhánh tỉnh Bắc Giang -  dự kiến cho vay khoảng 50 tỷ đồng phục vụ tiêu thụ, chế biến vải thiều.

Bên cạnh đó, nhờ thanh khoản dồi dào nên nhiều ngân hàng thương mại khác như Vietcombank, Vietinbank, VPBank… đều cam kết bảo đảm lượng vốn có ưu đãi về lãi suất cùng các thủ tục giải ngân, thanh toán, chuyển tiền thông thoáng, kịp thời phục vụ nhu cầu của các thương nhân, hộ kinh doanh.

 

Huyện Lục Ngạn có 4 doanh nghiệp sản xuất thùng xốp; 46 kho chứa, tập trung chủ yếu ở các xã Phượng Sơn, Quý Sơn, Hồng Giang, Giáp Sơn, Nghĩa Hồ, thị trấn Chũ, đủ đáp ứng nhu cầu.

Ngoài thùng xốp, dịch vụ sản xuất đá cây cũng sẵn sàng. Trên địa bàn huyện cũng có hơn 40 cơ sở sản xuất đá cây, công suất thiết kế có thể đáp ứng khoảng 40.000 cây đá/ngày.


Nguồn: Thanh Phương/Chinhphu.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục