Trong vòng một tiếng sau khi Ngân hàng Nhà nước thông báo tăng tỷ giá và nới biên độ, giá vàng miếng SJC tăng gần một triệu đồng lên 35 triệu đồng rồi lại rơi nhanh về vùng 34,4 triệu đồng mỗi lượng.
Cuộc chiến giữ sân nhà: Doanh nghiệp nội dần biến mất
- Cập nhật : 24/04/2017
Làn sóng mua bán sáp nhập lại tiếp tục bùng nổ với nhiều thương vụ âm thầm, có giá trị hàng ngàn tỉ đồng. Nhiều thương hiệu Việt lại tiếp tục được đổi chủ, thay áo mới.
Thông tin Tập đoàn hóa chất Earth Chemical (Nhật Bản) thông báo đã chi 1.824 tỉ đồng (hơn 80 triệu USD) để mua lại Công ty cổ phần Á Mỹ Gia, chủ sở hữu các sản phẩm nước tẩy rửa Gift, Ami, Redfoxx... của VN một lần nữa khiến thị trường mua bán sáp nhập (M&A) dậy sóng.
Bán nước tẩy rửa thu về 8 triệu USD
Công ty Á Mỹ Gia chuyên sản xuất hóa mỹ phẩm có vốn điều lệ 15 tỉ đồng, được thành lập vào năm 2003 với các sản phẩm tẩy rửa chính là Gift, Ami, Redfoxx. Sản phẩm của công ty được chia thành 3 nhóm chính là chăm sóc nhà cửa; sản phẩm chăm sóc không gian và các sản phẩm khác như bình xịt côn trùng, bột phân hủy vi sinh.
Báo cáo vừa công bố của Baker McKenzie dự đoán tổng giá trị hoạt động M&A doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm doanh nghiệp VN trong năm nay sẽ đạt 1 tỉ USD, dự báo làn sóng M&A xuyên quốc gia tại VN năm nay sẽ mạnh mẽ hơn 2016. Năm 2015, VN ghi nhận 3,9 tỉ USD giá trị các thương vụ doanh nghiệp nước ngoài mua lại doanh nghiệp VN. Năm 2016, con số này đã sụt xuống còn 2,3 tỉ USD.
Năm 2016, Á Mỹ Gia đạt doanh thu 351 tỉ đồng và lợi nhuận 37 tỉ đồng sau thuế. Với mức trên 1.800 tỉ đồng được đối tác Nhật mua lại, giá trị của công ty này cao gần gấp 50 lần lợi nhuận của năm 2016.
Thương vụ Earth Chemical và Á Mỹ Gia nhắc giới kinh doanh nhớ lại các thương vụ M&A đình đám trong ngành hóa mỹ phẩm trước đây của VN với đối tác ngoại. Năm 1995, sau khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận, một vài nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực hóa mỹ phẩm bắt đầu vào VN.
Sớm nhất có thể kể là Unilever sau khi vào VN mua ngay thương hiệu kem đánh răng hiệu P/S của Công ty Phong Lan với giá 5 triệu USD.
Tỏ ra sốt ruột không kém, ông Trịnh Thành Nhơn, chủ thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan (đang nắm 70% thị phần sản phẩm kem đánh răng) liên doanh với Colgate Palmolive rồi bán luôn sau đó 3 năm với giá 3,2 triệu USD.
Điều đáng nói là chỉ sau đó 3 tháng liên doanh, nhãn hàng kem đánh răng Dạ Lan bị thay thế hoàn toàn cho nhãn hàng kem đánh răng Colgate trên thị trường. Ông Nhơn cũng sớm rời khỏi liên doanh và từng nhớ lại chuyện cũ một cách chua chát: “Nếu ngày đó tôi vững vàng hơn, kinh nghiệm hơn thì đã khác. Bán thương hiệu Dạ Lan của hơn 30 năm về trước là sai lầm lớn nhất của tôi”.
Nhiều thương hiệu bị thay tên, đổi chủ
Thực tế, mục đích của cả hai phía nội và ngoại trong các thương vụ là hoàn toàn khác nhau. Đối tác ngoại muốn nắm kênh phân phối để nhanh chóng đưa hàng vào VN. Đối tác nội lại nghĩ thương hiệu của mình sẽ vững mạnh hơn nhờ kinh nghiệm quản lý của nhà đầu tư ngoại.
Sau cuộc “khủng hoảng tinh thần” bởi bị mất trắng thương hiệu mình đã gầy dựng từ khi đất nước chưa đổi mới, tháng 10.2010, ông Nhơn lập Công ty hóa mỹ phẩm quốc tế ICC, xây dựng những nhãn hàng bột giặt, dầu gội mới và kể cả gầy dựng lại thương hiệu Dạ Lan. Còn Công ty hóa mỹ phẩm P/S chuyển hướng làm gia công vỏ ống kem cho Unilever một thời gian… Trong ngành hóa mỹ phẩm, liên quan đến những thương hiệu Việt dần được đối tác ngoại thâu tóm, cũng có thể kể đến thương hiệu dầu gội X-Men của Công ty cổ phần sản xuất hàng gia dụng quốc tế bán 85% cổ phần trị giá 60 triệu USD cho Tập đoàn Ấn Độ Marico vào năm 2011.
Mỗi câu chuyện trong M&A có thể hoàn toàn khác nhau. Chủ động xây dựng thành công rồi bán khi được giá như X-Men, Gift... hay không chịu nổi sức ép cạnh tranh, thậm chí bị hụt hơi trong hội nhập như kem đánh răng P/S và Dạ Lan… Mỗi trường hợp đều có lý do riêng, song hiện tượng bùng nổ mua bán sáp nhập thương hiệu thuần Việt trên thị trường hóa mỹ phẩm ngày càng teo tóp.
H.Nga - Mai Phương
Theo thanhnien.vn