tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Vì sao vẫn nhập khẩu các mặt hàng mà trong nước đang “ế dài”?

  • Cập nhật : 05/05/2017

Trong khi nhiều sản phẩm trong nước không tiêu thụ được như thịt lợn, thuỷ sản, rau củ-quả, thì vẫn có một lượng lớn hàng nhập khẩu cùng chủng loại tiêu thụ trong nước. Vậy có phải thị trường bán lẻ đang bị các mặt hàng ngoại nhập “khống chế”, chỗ dành cho tiêu thụ các sản phẩm Việt còn rất ít, đặc biệt là nông sản của bà con nông dân?

thu truong bo cong thuong do thang hai.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải.

 

Đó là câu hỏi được đặt ra tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều tối ngày 4/5.

Làm rõ vấn đề này,  Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, qua đó có nhiều Hiệp định thương mại tự do với các quốc gia và vùng lãnh thổ.

"Nếu chúng ta phát triển xuất khẩu, thì nhiều nước cũng sẽ có điều kiện xuất khẩu vào Việt Nam", ông Hải cho biết.

Riêng về giá thịt lợn, Thứ trưởng Hải cho biết sẽ cung cấp thông tin liên quan đến việc liệu có phải do nhập khẩu thịt lợn và các mặt hàng liên quan làm ảnh hưởng đến tiêu thụ các sản phẩm này trong nước hay không.

Cụ thể, theo ông Hải, cả năm 2016, Việt Nam nhập 39.400 tấn thịt lợn và các sản phẩm liên quan đến thịt lợn từ các nước EU, Australia, Hoa Kỳ, Canada, Liên bang Nga… Như vậy, về kim ngạch chỉ đạt 44 triệu USD, bằng 0,1% sản lượng tiêu thụ thịt lợn trong nước.

"Do đó, có thể khẳng định việc nhập khẩu thịt lợn và các sản phẩm liên quan đến thịt lợn không ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước", ông Hải khẳng định.

Cũng theo ông Hải, nếu vào các siêu thị sẽ thấy các sản phẩm nhập khẩu có giá đắt hơn rất nhiều so với các sản phẩm thịt lợn sản xuất trong nước.

"Liên quan đến tạm nhập - tái xuất, năm 2016 chỉ tạm nhập - tái xuất 20 triệu USD thịt lợn. Hiện nay Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đang rất lưu ý và có nhiều biện pháp phòng tránh thẩm lậu các mặt hàng tạm nhập - tái xuất vào thị trường nội địa", ông Hải nói.

Theo ông Hải, các mặt hàng tạm nhập - tái xuất chủ yếu là nội tạng lợn. Do đó sau khi được Chính phủ chấp thuận, Bộ Công Thương đã có các biện pháp để có thể sẵn sàng trong trước mắt tạm dừng tạm nhập - tái xuất các sản phẩm thịt lợn và liên quan đến thịt lợn.

Về việc tại sao nhiều mặt hàng của Việt Nam như rau quả, thịt lợn không thể xuất khẩu sang thị trường các nước, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng: Trước hết là do chất lượng các mặt hàng này.

"Ví dụ như thịt lợn, trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương mới chỉ có Hong Kong và Malaysia là chúng ta đã ký Hiệp định về thú ý, công nhận chất lược kiểm dịch. Như vậy nếu về chính ngạch sản phẩm của Việt Nam mới chỉ có thể xuất khẩu vào hai thị trường này. Nhưng cũng xin nói thêm là hai thị trường này chỉ nhập khẩu lợn sữa, với số lượng rất ít. Tương tự như vậy là các mặt hàng rau, quả", ông Hải nói.

Về tình hình nhập siêu 4 tháng đầu năm 2017, ông Hải khẳng định không chỉ nhập khẩu mà xuất khẩu cũng tăng mạnh. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng nhập khẩu tăng mạnh hơn, ở mức 29,4%, trong khi xuất khẩu tăng 15,4%.

"Chính vì vậy tính chung 4 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu khoảng 2,74 tỷ USD, bằng khoảng 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu", ông Hải cho biết.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công thương, phải nhìn xem Việt Nam nhập khẩu mặt hàng nào. Trong 4 tháng đầu năm, nhập khẩu tập trung chủ yếu ở các mặt hàng nguyên liệu, nhiên liệu, máy móc, thiết bị… để phục vụ sản xuất và chế biến xuất khẩu.

Mặt khác, giá dầu tăng so với cùng kỳ đã kéo theo giá của một số mặt hàng nhập khẩu như nhiên liệu, nguyên liệu của một số ngành sản xuất, các mặt hàng cơ bản như xăng dầu, hoá chất, chất dẻo, nguyên liệu… tăng theo. Ngoài ra, ông Hải cũng cho biết hiện nay, nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ như quần áo, điện tử… vẫn đang ở mức tương đối cao.

Thời gian tới để đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu hàng trong nước, ông Hải cho rằng cần tập trung nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp, hàng hoá để có thể đạt giá trị xuất khẩu cao hơn.

N.MẠNH
Theo Bizlive

Trở về

Bài cùng chuyên mục