Giá vàng giảm 1% sau số liệu bán lẻ của Mỹ
Giá cà phê arabica lên cao nhất 3 tháng
Giá cao su trong nước và Nhật Bản tăng nhẹ
Tổng hợp tin thị trường gạo ngày 12/8
- Cập nhật : 12/08/2015
(Tin kinh te)
Các nước sản xuất gạo hàng đầu châu Á thành lập Tổ chức dầu cám gạo quốc tế; Việt Nam hạ trần giá xuất khẩu gạo chất lượng thấp; lũ lụt phá hủy hơn 200.000 hecta ruộng lúa tại Myanmar.
Bảng giá gạo
Các nước sản xuất gạo hàng đầu châu Á thành lập Hiệp hội dầu cám gạo quốc tế
Financial Express cho biết, các nước sản xuất gạo hàng đầu châu Á, gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và Việt Nam, vừa chung tay thành lập Hiệp hội dầu cám gạo quốc tế (IARBO), nhằm đẩy mạnh việc sử dụng và hoạt động thương mại dầu cám gạo trên toàn cầu.
IARBO, được đặt trụ sở ở Bangkok, có nhiệm vụ thúc đẩy những tiến bộ công nghệ trong lĩnh vực chế biến dầu cám gạo và tiêu chuẩn hóa những đặc tính của loại dầu này để đưa vào thương mại quốc tế.
Theo kết quả khảo sát gần đây, dù dầu cám gạo rất phù hợp với cách nấu ăn của người Ấn Độ nhưng loại dầu này vẫn chưa thực sự phổ biến tại nước này, Chủ tịch của IARBO cho biết.
Ngài Chủ tịch cũng cho biết, Pakistan và các quốc gia sản xuất gạo khác ở châu Á có thể sẽ sớm tham gia hiệp hội IARBO.
Kể từ đầu năm đến nay, sản lượng dầu cám gạo mới chỉ đạt 1,5 triệu tấn. Chủ tịch IARBO dự đoán, sản lượng dầu cám gạo trên toàn cầu sẽ đạt khoảng 3,5 triệu tấn trong năm nay với Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Thái Lan là những nước sản xuất lớn nhất.
Việt Nam hạ trần giá xuất khẩu đối với gạo chất lượng thấp
Reuters cho biết, Việt Nam đã hạ trần giá xuất khẩu gạo chất lượng thấp khoảng 3% xuống còn 340 USD/tấn để thúc đẩy xuất khẩu. Mức giá này sẽ được áp dụng từ ngày 13/8/2015.
Việt Nam đã xuất khẩu 3,301 triệu tấn gạo trong 7 tháng đầu năm 2015, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Hiệp hội thực phẩm Việt Nam. Giá xuất khẩu gạo trung bình của Việt Nam kể từ đầu năm đến nay đang ở 414 USD/tấn, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thái Lan bán gần 430.000 tấn gạo dự trữ trong phiên đấu giá 11/8
Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, chính phủ vừa bán 426.977 tấn gạo dự trữ cho 47 thương nhân trong nước trong một phiên đấu giá mở và thu về khoagnr 6,3 tỷ baht (178 triệu USD).
Đây là phiên đấu giá gạo thứ 5 trong năm 2015 và phiên thứ 9 kể từ khi chính quyền quân sự Thái Lan lên nắm quyền hồi tháng 5/2014. Trong 8 phiên đấu giá trước, Thái Lan đã bán 3,88 triệu tấn gạo với số tiền thu về khoảng 40 tỷ baht (1,15 tỷ USD).
Hiện tại, chính phủ nước này vẫn sở hữu gần 14 triệu tấn gạo trong kho dự trữ và dự kiến sẽ đấu giá 1,29 triệu tấn gạo hỏng cho lĩnh vực công nghiệp trong tháng này.
Xuất khẩu gạo của Campuchia tăng mạnh trong 7 tháng đầu năm 2015
Theo số liệu của chính phủ, Campuchia đã xuất khẩu khoảng 312.317 tấn gạo, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái trong 7 tháng đầu năm.
Trong đó, có khoảng 72 doanh nghiệp Campuchia xuất khẩu gạo sang 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm 26 nước thành viên Liên minh châu Âu (193.903 tấn); các nước ASEAN như Malaysia, Indonesia và Singapore (34.099 tấn); Trung Quốc, Hong Kong, Australia, Mỹ, Đài Loan và Canada (84.315 tấn).
Riêng trong tháng 7/2015, Campuchia xuất khẩu khoảng 28.492 tấn gạo, tăng 28% so với tháng trước đó.
Chính phủ Campuchia đặt ra mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn gạo trong năm nay. Tuy nhiên, Campuchia rất có thể sẽ không đạt được mục tiêu trên do thiếu thốn trang thiết bị, cơ sở hạ tầng và nguồn vốn.
USDA ước tính, Campuchia sẽ xuất khẩu 1,1 triệu tấn gạo (theo đường chính thống và không chính thống qua biên giới Việt Nam, Thái Lan) trong năm 2015.
Lũ lụt phá hủy hơn 200.000 hecta lúa tại Myanmar
Lũ lụt do mưa lớn ở các tỉnh phía bắc của Myanmar, như Kale, Kanbalu và Monywa, đã phá hủy 208.000 hecta lúa, Chủ tịch Hiệp hội lúa gạo Myanmar cho biết. Để đảm bảo nguồn cung nội địa và bình ổn giá cả, chính phủ Myanmar buộc phải ngừng xuất khẩu gạo đến tận tháng 9/2015 và mở kho gạo bán buôn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Tưới tiêu Myanmar, người nông dân vẫn có thể gieo trồng lại trước khi kết thúc mùa thu hoạch vì mua thu hoạch gạo hàng năm kéo dài từ tháng 6-7 đến tận tháng 9-10. Các quan chức cho biết, có thể gieo trồng lại hơn 112.000 hecta lúa.
Hiệp hội Lúa gạo Myanmar cho biết, nước này có thể sẽ phải nhập khẩu gạo nếu tình hình thời tiết ngày càng khắc nghiệt, nhưng đây sẽ là giải pháp cuối cùng.
Hiệp hội kỳ vọng, sản lượng gạo của Myanmar sẽ đạt 8,96 triệu tấn trong năm 2015, thấp hơn nhiều so với mức ước tính 12,8 triệu tấn của USDA.
(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)