Giá thị trường cao su Tocom và thế giới hàng ngày
Giá cả thị trường hàng hóa thế giới 13-04-2016
- Cập nhật : 13/04/2016
Giá dầu lên cao nhất kể từ đầu năm
Phiên 12/4, giá dầu lên cao nhất kể từ đầu năm đến nay nhờ đồn đoán các nước sản xuất sẽ nhất trí đóng băng sản lượng trong phiên họp ngày 17/4.
Phiên 12/4, giá dầu lên cao nhất kể từ đầu năm đến nay nhờ đồn đoán các nước sản xuất sẽ nhất trí đóng băng sản lượng trong phiên họp ngày 17/4.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 5/2015 trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 1,81 USD, tương ứng 4,5%, lên 42,17 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 11/2015.
Giá dầu Brent giao tháng 6/2016 trên sàn ICE Futures Europe tăng 1,86 USD, tương đương 4,3%, lên 44,69 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 11/2015.
Thị trường dầu thô toàn cầu đã thừa cung trong hơn 1 năm rưỡi qua sau khi giá dầu bắt đầu lao dốc từ giữa năm 2014. Tuy sản lượng tại một số khu vực bắt đầu giảm do cắt giảm chi phí đầu tư, nhất là tại các vùng sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, song sản lượng dầu thô toàn cầu vẫn vượt nhu cầu.
Giới đầu tư đang chờ đợi phiên họp của các nước sản xuất dầu thô chủ chốt vào ngày 17/4 tới đây tại Doha, Qatar, để bàn về việc đóng băng sản lượng. Một số nhà đầu tư coi đây là sự khởi đầu cho việc cắt giảm sản lượng vào cuối năm nay, trong khi số khác cho rằng việc đóng băng sản lượng ở mức của tháng 1/2016 tác dụng không đáng kể đến tình trạng thừa cung hiện nay.
Tin tức cho thấy Nga và Arab Saudi nhất trí đóng băng sản lượng trước thềm phiên họp ngày 17/4 tại Doha cũng hỗ trợ giá dầu trong phiên 12/4. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu các nước tham dự có thể đạt được thỏa thuận hay không. Iran đã từ chối tham gia bất kỳ thỏa thuận nào và tuyên bố sẽ tăng sản lượng lên bằng mức trước khi các lệnh trừng phạt được áp đặt - khoảng 4 triệu thùng/ngày.
Giá dầu cũng được hỗ trợ khi thị trường đồn đoán nguồn cung dầu thô của Mỹ tiếp tục giảm.
Trong viễn cảnh năng lượng ngắn hạn ra hôm thứ Ba 12/4, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, sản lượng dầu thô của Mỹ trong tháng 3/2016 giảm 90.000 thùng/ngày. EIA cũng hạ dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ trong năm 2016 và 2017.
Sản lượng dầu thô của Mỹ đã giảm từ mức đỉnh 9,7 triệu thùng/ngày hồi tháng 4/2015 xuống 9 triệu thùng/ngày trong tháng 2/2016, theo EIA.
Số liệu về lượng dầu lưu kho của Mỹ trong tuần kết thúc vào 8/4 sẽ được EIA công bố vào thứ Tư 13/4. Các nhà phân tích trong khảo sát Wall Street Journal dự đoán lượng dầu lưu kho của Mỹ tuần qua tăng 1,8 triệu thùng, trong khi nguồn cung xăng giảm.
Viện Dầu mỏ Mỹ (API) hôm thứ Ba 12/4 cho biết, theo số liệu của Viện, lượng dầu lưu kho của Mỹ tuần qua tăng 6,2 triệu thùng nhưng nguồn cung xăng giảm 1,6 triệu thùng và dự trữ sản phẩm chưng cất giảm 530.000 thùng.(NCĐT)
Giá vàng tiếp tục đứng ở đỉnh 3 tuần
Giá vàng phiên 12/4 khá ổn định sau khi lên cao nhất 3 tuần hôm 11/4 khi USD tăng nhẹ từ mức đáy 8 tháng qua.
Giá vàng phiên 12/4 khá ổn định sau khi lên cao nhất 3 tuần hôm 11/4 khi USD tăng nhẹ từ mức đáy 8 tháng qua.
Giá vàng giao ngay trong phiên giao dịch chạm mốc 1.262,6 USD/ounce trước khi giảm nhẹ xuống 1.257,01 USD/ounce lúc 15h49 giờ New York (2h49 sáng ngày 13/4 giờ Việt Nam), biến động không đáng kể so với chốt phiên 11/4.
Giá vàng giao tháng 6/2016 trên sàn Comex tăng 2,9 USD, tương đương 0,2%, lên 1.260,9 USD/ounce.
Giá vàng vẫn tăng bất chấp đà đi lên của chứng khoán và giá dầu Brent lên cao nhất 4 tháng khi giới thương nhân kim loại quý tập trung vào kết quả lợi nhuận quý I/2016 của các công ty - được dự đoán giảm, và viễn cảnh ảm đạm về tăng trưởng kinh tế toàn cầu mà IMF đưa ra.
Hôm thứ Ba 12/4, IMF lại hạ dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chủ yếu do sự biến động của thị trường tài chính, đà giảm tốc của các nền kinh tế phát triển và những khó khăn mà các thị trường mới nổi đang đối mặt.
Đồn đoán Fed sẽ tiếp tục duy trì lãi suất ở mức thấp cũng hỗ trợ giá vàng. Theo giới phân tích, giá vàng đã thiết lập ngưỡng giao dịch ở 1.210-1.280 USD/ounce khi giới đầu tư tiếp tục đánh giá những bình luận của các nhà hoạch định chính sách Fed cũng như theo dõi số liệu kinh tế.
Trong số các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 2% lên 16,21 USD/ounce, cao nhất 5 tháng rưỡi, giá bạch kim tăng 1,2% lên 1.000,25 USD/ounce và giá palladium tăng 0,2% lên 546,26 USD/ounce.
Thỏa thuận thép Tata Ấn Độ để cứu vãn 4.400 việc làm tại Anh
Tập đoàn Thép Tata của Ấn Độ đã nhất trí chuyển giao hoạt động sản xuất thép dài của họ tại Vương quốc Anh cho Tập đoàn đầu tư Greybull Capital với mức phí "tượng trưng," trong một thỏa thuận được hai bên cho rằng sẽ cứu 4.400 việc làm tại Anh.
Theo tờ The Guardian (Người bảo vệ) ngày 11/4, sau các cuộc thương lượng kéo dài với Tập đoàn Tata, Tập đoàn Greybull Capital sẽ mua lại một nhà máy luyện thép ở Scunthorpe, hai nhà máy ở Teesside, một nhà xưởng ở Workington, một công ty tư vấn thiết kế ở York và các cơ sở liên kết phân phối, cùng một nhà máy của Tata đặt ở miền Bắc nước Pháp.
Greybull sẽ trả một mức phí không đáng kể cho giao dịch này bởi vì họ sẽ gánh vác các nghĩa vụ phải thanh toán của Tập đoàn Tata đối với các cơ sở này cũng như đầu tư vốn để chúng tiếp tục hoạt động.
Giám đốc Bộ phận Các sản phẩm thép dài của Tập đoàn Tata Bimlendra Jha cho biết thỏa thuận vừa đạt được là kết quả tốt nhất cho tập đoàn sau những nỗ lực không ngừng nghỉ để đảm bảo sự tồn tại của các doanh nghiệp cũng như khiến chúng trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua.
Tập đoàn Greybull trước đó đã đầu tư vào hãng hàng không Monarch và hãng bán lẻ Comet.
Hiện ngành công nghiệp thép ở Xứ sở sương mù đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng nghiêm trọng từ quyết định của Tập đoàn Thép Tata bán toàn bộ doanh nghiệp tại Anh sau gần một thập kỷ hoạt động.
Các nhà sản xuất thép tại Anh phải trả chi phí năng lượng và thuế môi trường cao hàng đầu thế giới, nhưng chính phủ cho rằng vấn đề cốt lõi đe dọa ngành thép nước này chính là sự sụt giá thép trên thị trường toàn cầu, xuất phát từ sản lượng thép dư thừa lớn của Trung Quốc.
Chính phủ Anh đang gấp rút tìm đối tác có thể mua lại các nhà máy của Tata. Tại Anh, Tata tuyển dụng 15.000 công nhân thép và nếu tính cả lực lượng lao động liên quan thì số việc làm có thể bị tác động bởi việc Tata đóng cửa nhà máy có thể lên tới 40.000.
Các nhà sản xuất thép tại Anh phải trả chi phí năng lượng và thuế xanh cao hàng đầu thế giới, nhưng chính phủ cho rằng vấn đề cốt lõi đe dọa ngành thép nước này chính là sự sụt giá thép trên thị trường toàn cầu, xuất phát từ sản lượng thép dư thừa lớn của Trung Quốc./.
Iran hy vọng dầu thô sẽ mang về 21 tỷ USD trong năm nay
Chính phủ Iran cho biết doanh thu từ xuất khẩu dầu của nước này thời kỳ hậu cấm vận kinh tế đã tăng 90% và cứ với đà xuất khẩu 1,7 triệu thùng dầu/ngày như hiện nay, nguồn thu mà "vàng đen" mang lại dự kiến sẽ lên tới 21 tỷ USD trong năm nay (theo lịch Iran bắt đầu từ 21/3/2016).
Tehran đưa ra con số ước tính trên trong bối cảnh Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) đã được thực thi và có hiệu lực từ giữa tháng Một vừa qua, nhằm dỡ bỏ những hạn chế đối với ngành ngân hàng Iran - được cho là cản trở hoạt động xuất khẩu dầu thô của quốc gia Trung Đông này.
Trước khi JCPOA được thực thi, doanh thu từ xuất khẩu dầu của Iran chỉ đạt mức 12 tỷ USD.
Mới đây, Giám đốc phụ trách đối ngoại của Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Iran (NIOC) Mohsen Ghamsari cho biết lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ của nước này hiện đang gặp khó khăn khi các khách hàng quốc tế vẫn còn thận trọng trong việc thúc đẩy giao thương với Tehran, do các "nút thắt" còn chưa được tháo gỡ trong lĩnh vực bảo hiểm tàu và ngân hàng.
Các lệnh trừng phạt kinh tế đã khiến xuất khẩu dầu thô của Iran giảm mạnh từ mức "đỉnh" 2,5 triệu thùng/ngày năm 2011 xuống còn hơn 1 triệu thùng/ngày trong những năm gần đây.
Iran đang tìm cách giành lại thị phần dầu mỏ sau khi các lệnh cấm vận kinh tế được bãi bỏ. Xuất khẩu dầu của quốc gia Trung Đông này đã tăng thêm 500.000 thùng/ngày trong tháng Hai vừa qua.
Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu dầu thô ra thị trường quốc tế, nhất là sang châu Âu, vẫn đối mặt với thách thức, do chưa rõ ràng về một số điều kiện như bảo hiểm tàu, phương thức thanh toán bằng USD và thư tín dụng của các ngân hàng châu Âu./.
Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu thịt lợn Việt Nam vì thiếu nguồn cung
Bộ Công thương dẫn nguồn tin từ Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia Trung Quốc cho biết, hiện nay giá thịt lợn tại thị trường Trung Quốc đang có chiều hướng liên tục tăng cao.
Thông tin trên được Bộ Công Thương phát đi ngày 11.4. Cụ thể, theo cơ quan này, trong tháng 3 vừa qua, giá thịt lợn sống bình quân tại thị trường Trung Quốc được bán với giá 66.000 đồng/kg, tăng 55,3% so với cùng kỳ năm 2015.
Theo đánh giá của cơ quan này, nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá thịt lợn tại thị trường tăng chóng mặt chính là kết quả của vài năm gần đây, khi ngành chăn nuôi lợn của Trung Quốc bước vào chu kỳ điều chỉnh, kéo theo sự phục hồi và nhu cầu bù lỗ của các hộ chăn nuôi sau thời gian dài thua lỗ.
Ngoài ra, hiện tượng thời tiết cực đoan do tác động của biến đổi khí hậu trong năm 2015 đã ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của lợn, khiến nguồn cung trong nước bị giảm sút.
Trong khi đó, giá thịt lợn hơi trên thị trường bán lẻ có tăng, song mức tăng thấp hơn mức tăng thịt lợn sống. Trong tháng 3.2016, giá bình quân mỗi ký thịt lợn hơi bán trong các chợ, siêu thị tại 36 thành phố lớn của nước này là khoảng 118.000 đồng/kg, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2015.
Theo dự báo của Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia Trung Quốc, từ nay đến Tết Trung thu và Quốc khánh Trung Quốc (1.10), giá thịt lợn tại thị trường Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng cao.
Do giá thịt lợn tại thị trường Trung Quốc tăng cao nên nhiều người dân ở nước này đã tận dụng cơ hội nguồn cung rẻ tại các thị trường láng giềng để nhập về.
Trước đó vào ngày 10.4, Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) đã thông báo Việt Nam hiện là mục tiêu nhập khẩu thịt lợn chính của Trung Quốc, các thương lái Trung Quốc đang tích cực thu mua một khối lượng lớn thịt lợn hơi từ phía Việt Nam để hưởng mức giá rẻ, vì giá thịt lợn hơi của Việt Nam chuyển qua biên giới phía bắc để xuất sang Trung Quốc còn chưa tới 60.000 đồng/kg.
Đánh giá về tình trạng Trung Quốc đột ngột thu mua nhiều thịt lợn của Việt Nam, ông Nguyễn Văn Trọng Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết mặc dù việc Trung Quốc ồ ạt thu mua lợn của Việt Nam sẽ giúp cho người chăn nuôi trong nước dễ tiêu thụ sản phẩm và có lãi trong thời điểm hiện nay, nhưng Trung Quốc lại nhập khẩu rất thất thường, một khi mà họ dừng đột xuất thì sẽ làm mất ổn định cung - cầu thịt lợn, tạo nên cơn sốt giá trong nước và thậm chí, người chăn nuôi cũng thua lỗ nặng.
Đài Loan mở cửa trở lại với thanh long Việt Nam
Ngày 12/4, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, sau một thời gian gián đoạn, Đài Loan (Trung Quốc) vừa thông báo cho phép nhập khẩu quả thanh long ruột trắng của Việt Nam từ ngày 1/6 tới.
Đây là một tin tốt cho các doanh nghiệp, người dân trồng và xuất khẩu thanh long, vì Đài Loan là thị trường tiêu thụ thanh long rất tiềm năng.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, sau thời gian dài đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật về kiểm dịch thực vật giữa Cục với Cơ quan Kiểm dịch thực vật Đài Loan (BAPHIQ), hai bên đã thống nhất các quy định.
Theo đó, phía Đài Loan quy định quả thanh long phải được xử lý hơi nước nóng với thông số hai bên đã thống nhất, nhằm đảm bảo diệt trừ triệt để ruồi đục quả trước khi xuất khẩu.
Chuyên gia kiểm dịch thực vật của Đài Loan sẽ sang Việt Nam phối hợp với cán bộ kiểm dịch thực vật của Cục Bảo vệ thực vật trực tiếp giám sát quá trình xử lý quả thanh long.
Hiện Cục Bảo vệ thực vật đang tích cực phối hợp chặt chẽ với BAPHIQ để làm các thủ tục mời chuyên gia Đài Loan sang Việt Nam, cũng như cung cấp các thông tin về cơ sở xử lý, về kế hoạch xuất khẩu dự kiến theo quy định.
Được biết, trước đây, hàng năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 10 ngàn tấn thanh long sang Đài Loan. Năm 2008, Đài Loan dừng nhập khẩu thanh long Việt Nam với lý do là có loài ruồi đục quả ổi ở Việt Nam có thể đi theo Thanh long nhập khẩu vào nước bạn.
Năm 2015, Việt Nam xuất khẩu thanh long đạt khoảng hơn 1 triệu tấn.