Giá thị trường cao su Tocom và thế giới hàng ngày
Giá cả thị trường hàng hóa thế giới 12-04-2016
- Cập nhật : 12/04/2016
Giá dầu Mỹ lại vượt mốc 40 USD/thùng
Thị trường đang hy vọng về thỏa thuận đóng băng sản lượng khi các nước thành viên OPEC và Nga nhóm họp tại Doha.
Phiên 11/4, giá dầu Mỹ lên trên 40 USD/thùng lần đầu tiên trong gần 3 tuần qua và giá dầu Brent lên cao nhất 4 tháng khi USD giảm và thị trường hy vọng các nước sản xuất dầu thô chủ chốt sẽ đạt được thỏa thuận đóng băng sản lượng nhằm cắt giảm tình trạng thừa cung toàn cầu.
Cả giá dầu Brent và dầu Mỹ đều ghi nhận phiên tăng thứ 2 liên tiếp, sau khi tăng hơn 6% hôm thứ Sáu 8/4.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 5/2015 trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 64 cent, tương ứng 1,6%, lên 40,36 USD/thùng.
Giá dầu Brent giao tháng 6/2016 trên sàn ICE Futures Europe tăng 89 cent, tương đương 2,1%, lên 42,83 USD/thùng.
Theo giới phân tích, giá dầu phiên đầu tuần tăng chủ yếu do USD suy yếu, hy vọng sản lượng và lượng dầu lưu kho của Mỹ tuần qua tiếp tục giảm và phiên họp ngày 17/4 tại Doha, Qatar của các nước sản xuất dầu thô chủ chốt sẽ đi đến thỏa thuận đóng băng sản lượng.
Tuần qua, giá dầu đã tăng 14%, kể cả mức tăng 6% hôm thứ Sáu 8/4, khi số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, nguồn cung dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm và sản lượng chỉ nhỉnh hơn 9 triệu thùng/ngày, làm tăng hy vọng sản lượng dầu của Mỹ sẽ giảm xuống dưới ngưỡng này trong báo cáo tuần này của EIA.
Trong khi đó, giới đầu tư ngày càng lạc quan hơn rằng phiên họp ngày 17/4 tới đây tại Doha, Qatar của các nước sản xuất dầu thô chủ chốt sẽ đạt kết quả tích cực và đi đến thỏa thuận đóng băng sản lượng ở mức của tháng 1/2016 hoặc tháng 2/2016.
Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn cho rằng ngay cả khi đạt được thỏa thuận đóng băng sản lượng, thì tình trạng thừa cung cũng không mấy được cải thiện. Hơn nữa, Iraq hôm Chủ nhật 10/4 tuyên bố đã tăng sản lượng lên mức kỷ lục 4,55 triệu thùng/ngày trong tháng 3 vừa qua.
Morgan Stanley cho biết, việc lượng dầu lưu kho của Mỹ trong tuần kết thúc vào 1/4 giảm 4,9 triệu thùng chủ yếu do các yếu tố mùa vụ và sẽ không lặp lại. Ngân hàng này dự đoán tâm lý thị trường tuần này sẽ lại bi quan, kéo giảm giá dầu.
Giá vàng lên cao nhất 3 tuần khi USD suy yếu
Giá vàng phiên 11/4 lên cao nhất 3 tuần, tiến sát mốc 1.300 USD/ounce, do đồn đoán về thái độ chủ hòa của Fed và USD suy yếu.
Giá vàng phiên 11/4 lên cao nhất 3 tuần, tiến sát mốc 1.300 USD/ounce, do đồn đoán về thái độ chủ hòa của Fed và USD suy yếu.
Số liệu kinh tế tiêu cực và bất ổn về chính sách tiền tệ của Mỹ đã góp phần khiến giới đầu tư né tránh rủi ro, trong khi đẩy tăng nhu cầu vàng và các tài sản khác được coi là hầm trú ẩn an toàn, kể cả yên Nhật.
Lúc 14h33 giờ New York (1h33 sáng ngày 12/4 giờ Việt Nam) giá vàng giao ngay tăng 1,3% lên 1.255,93 USD/ounce, trong phiên có lúc giá chạm 1.258,7 USD/ounce.
Giá vàng giao tháng 6/2016 trên sàn Comex tăng 1,1% lên 1.258 USD/ounce.
Tính theo euro, giá vàng đã chạm mốc 1.100 euro/ounce lần đầu tiên kể từ 30/3.
Việc giới đầu tư giảm đồn đoán Fed sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm nay đã giúp vàng trong quý I/2016 ghi nhận quý tăng giá tốt nhất trong gần 30 năm qua sau khi Ngân hàng trung ương Mỹ lần đầu tiên tăng lãi suất trong gần một thập kỷ hồi tháng 12/2015
Hôm thứ Sáu 8/4, Chủ tịch Fed New York William Dudley cho rằng Ngân hàng trung ương cần tiến hành nâng lãi suất một cách thận trọng trước những mối nguy từ bên ngoài đối với nền kinh tế Mỹ.
Diễn biến của USD cũng hỗ trợ giá vàng khi đồng bạc xanh giảm 0,5% so với các đồng tiền chủ chốt trong giỏ tiền tệ.
Lượng vàng nắm giữ cua Quỹ tín thác lớn nhất thế giới SPDR hôm thứ Sáu 8/4 giảm.
Trong số các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 3,9% lên 15,95 USD/ounce, giá bạch kim tăng 2% lên 985,12 USD/ounce và giá palladium tăng 1,1% lên 544,93 USD/ounce.
Giá quặng sắt chịu áp lực do dự trữ tại các cảng của Trung Quốc cao nhất 1 năm
Giá quặng sắt kỳ hạn tại Trung Quốc, Singapore suy giảm; Dự trữ quặng sắt tại các cảng của Trung Quốc đạt 97 triệu tấn; Giá thanh cốt thép tại Thượng Hải vững, dưới mức cao nhiều tháng.
Giá quặng sắt kỳ hạn tại châu Á giảm phiên hôm thứ tư tuần trước (6/4), chịu áp lực từ nguồn cung gia tăng, khiến dự trữ tại các cảng của Trung Quốc lên mức cao nhất trong 1 năm và có thể kéo giá quặng sắt giảm hơn nữa, sau khi tăng mạnh quý trước đó.
Hoạt động giao dịch tại thị trường quặng sắt physical hạn chế, sau khi dự trữ mới đây bởi các khách mua hàng Trung Quốc tìm cách tăng theo mùa đối với thép.
Giá quặng sắt giao kỳ hạn tháng 9 tại Sở giao dịch hàng hóa Đại Liên giảm 0,5%, xuống còn 376,5 NDT (tương đương 58 USD)/tấn. Tại Sở giao dịch hàng hóa Singapore, giá quặng sắt giao kỳ hạn tháng 5 giảm 0,7%, xuống còn 50,8 USD/tấn.
“Nguồn cung quặng sắt vận chuyển bằng đường biển gia tăng và chúng tôi có thể dự đoán dự trữ tại các cảng Trung Quốc trong những tuần tới tăng”, các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư ANZ cho biết.
Xuất khẩu quặng sắt từ Port Hedland Australia, cảng quặng sắt lớn nhất tăng lên mức cao kỷ lục 39,5 triệu tấn trong tháng 3/2016. Xuất khẩu sang thị trường hàng đầu Trung Quốc đạt 32,59 triệu tấn, so với 29,14 triệu tấn trong tháng 2/2016.
Dự trữ quặng sắt nhập khẩu tại các cảng lớn của Trung Quốc đạt 97 triệu tấn tính đến ngày 1/4, mức cao nhất kể từ cuối tháng 4/2015, số liệu được dõi theo bởi công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Giá quặng sắt giao ngay sang cảng Thiên Tân Trung Quốc không thay đổi, ở mức 54 USD/tấn – phiên thứ 2 liên tiếp trong hôm thứ ba (5/4), The Steel Index cho biết, hoạt động giao dịch hạn chế ngay cả khi Trung Quốc trở lại thị trường sau ngày nghỉ lễ hôm thứ hai (4/4).
Giá quặng sắt giao ngay, phiếu benchmark trong 3 tháng đầu năm 2016 tăng 24%, quý tốt nhất kể từ quý IV/2012 và tăng nhanh hơn mức tăng các hàng hóa khác, bao gồm vàng và kẽm.
Tại Sở giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, xây dựng sử dụng thanh cốt thép thay đổi chút ít, ở mức 2.182 NDT/tấn, dưới mức đỉnh điểm 9 tháng, ở mức 2.240 NDT/tấn đạt được ngày 23/3.
(1 USD = 6,4753 NDT)
CISA: Số liệu tháng 3 là yếu tố quan trọng để đánh giá sự phục hồi gần đây của giá thép
Số liệu xuất khẩu và sản lượng thép Trung Quốc trong tháng 3 là hai yếu tố chủ chốt để xác định liệu sự phục hồi gần đây của giá trong nước có thể bền vững hay không, đại diện CISA phát biểu hôm thứ Sáu.
“Tôi tin tháng 3, 4 và 5 sẽ là những tháng quan trọng đối với ngành thép Trung Quốc”, Wang Liqun, Phó Chủ tịch của Hiệp hội phát biểu tại một hội nghị ở Thượng Hải. “Nếu sản lượng tháng 3 tăng thì giá đã không giảm và xuất khẩu không tăng, vậy thì không có vấn đề gì. Nhưng nếu sản lượng giảm thì giá không đi xuống và xuất khẩu đã tăng, vậy thì chúng ta sẽ gặp rắc rối lớn”.
Ông Wang cho biết sự liên quan của số liệu sẽ chỉ ra sức khỏe của nhu cầu tiêu thụ thép Trung Quốc như thế nào, vì những cải cách về nguồn cung từ chính phủ nhằm loại bỏ bớt công suất, tồn kho và đòn bẩy.
Sự phục hồi gần đây của giá đã gây một số áp lực lên nỗ lực nhằm giảm bớt công suất, ông Wang cho hay, và sự thành công về lâu dài sẽ tùy thuộc vào chính sách của chính quyền địa phương và cách mà các doanh nghiệp tự phản ứng như thế nào. “Các công ty cảm thấy rằng tốt nhất là người khác nên cắt giảm chứ không phải tôi, và chính quyền địa phương hy vọng rằng các công ty dưới quyền của họ tất cả sẽ đều sống sót. Nhưng một số nhà máy phải vứt bỏ ảo tưởng của họ- tuy không phải tất cả nhưng là một số công ty làm ăn không hiệu quả”.
Những cải cách từ ngành thép cũng sẽ đối mặt với sức ép lớn hơn từ thế giới bên ngoài, bởi vì khối lượng xuất khẩu kỷ lục của nước này. Ông Wang thúc giục các đại biểu tham gia hội nghị lần này hãy chú ý đến bài bình luận gần đây về xuất khẩu của Trung Quốc, nhất là bởi truyền thông nước ngoài, và cũng cần chú ý tới kết quả của Hội nghị chuyên đề Ủy ban ngành thép OECD sẽ diễn ra ở Brussels vào ngày 18/4 tới.
Hải quan Trung Quốc đã có kế hoạch công bố số liệu thương mại tháng 3 vào ngày 13/4 và Tổng cục thống kê quốc gia sẽ thông báo con số sản lượng vào ngày 15/4.
Ngành thép Trung Quốc đối mặt với khó khăn
Hàng trăm lao động của ngành công nghiệp thép Trung Quốc bị sa thải đã tổ chức các biểu tình trong tuần này trước trụ sở doanh nghiệp mà họ từng làm việc.
Tuy vậy, đây mới chỉ là “bề nổi của tảng băng” khi các doanh nghiệp thép lớn của Trung Quốc đã thua lỗ hơn 100 tỷ NDT (15,5 tỷ USD trong năm 2015.
Trung Quốc cho biết sẽ cắt giảm 500.000 việc làm trong ngành thép trong những năm tới.
Con số đó cao hơn 328.000 lao động đang làm việc trực tiếp trong ngành công nghiệp sản xuất thép ở Liên minh châu Âu (EU).
Sản lượng thép của Trung Quốc đã tăng gấp bảy lần trong giai đoạn 2000-2004 khi nhu cầu trong nước tăng mạnh, nhờ đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống cơ sở hạ tầng tại các đô thị đang phát triển và chính phủ đổ hàng tỷ USD vào ngành công nghiệp nặng để ứng phó với các tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Năm 2014, Trung Quốc sản xuất khoảng 820 triệu tấn, tương đương khoảng 50% tổng sản lượng thép toàn cầu và cao hơn bảy lần so với quốc gia sản xuất thép nhiều thứ hai thế giới là Nhật Bản.
Nhu cầu trong nước của Trung Quốc đối với thép đã tăng lên đỉnh điểm trong năm 2014, cũng là năm hoạt động xây dựng ở nước này bắt đầu hạ nhiệt và tăng trưởng kinh tế giảm tốc khiến giá thép lao dốc.
Theo trang web steelbenchmarker.com, giá thép thế giới đã giảm hơn 70% từ mức cao kỷ lục 1.113 USD/tấn hồi tháng 7/2008 xuống chỉ còn 321 USD/tấn trong tháng Ba vừa qua.
Trung Quốc hiện có thể sản xuất khoảng 1,2 tỷ tấn thép/năm song nhu cầu trong nước chỉ vào khoảng 700 triệu tấn và các doanh nghiệp nước này đang tìm cách xuất khẩu chúng sang các thị trường nước ngoài, chủ yếu là châu Á, để giải quyết bài toán dư thừa sắt thép.
Ông Cai Rang, chủ tịch China Iron and Steel Research Institute Group, tháng trước cho biết Trung Quốc đã xuất khẩu khoảng 100 triệu tấn thép trong năm 2015, cao hơn khoảng hai lần so với hai năm trước đó.
Tuy vậy, theo các chính trị gia châu Âu, ngành thép Trung Quốc hiện là nguyên nhân khiến giá thép sụt giảm và gây ra tình trạng dư thừa nguồn cung tác động tiêu cực tới hoạt động không chỉ của chính ngành thép nước này mà còn cả thế giới.