Điều Tổng thống Mỹ Donald Trump nghĩ khi áp thuế thuế quan đối với nhôm nhập khẩu có lẽ không giống như mong đợi, khi có thể một trong số những người giành chiến thắng lớn từ thuế nhập khẩu 10% sẽ là các nhà sản xuất Trung Quốc.
Vẽ lại bản đồ hàng hóa thế giới trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
- Cập nhật : 16/07/2018
Thị trường nông nghiệp và năng lượng đã sẵn sàng khi Trung Quốc đang tìm một nguồn cung mới.
Trung Quốc sẽ phải tìm các thị trường thay thế sau những đòn trừng phạt thương mại của Mỹ. Ảnh: Global News
Sau khi Mỹ áp thuế lên 34 tỉ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào thứ Sáu trước, Trung Quốc cũng đáp trả bằng thuế quan đến 25% lên lượng hàng hóa có giá tương đương đến từ Mỹ.
Từ đậu nành...
Mục tiêu đầu tiên của Trung Quốc là đậu nành và các sản phẩm nông nghiệp khác. Nhưng Bắc Kinh cũng có kế hoạch áp thuế quan 25% lên dầu thô và các mặt hàng năng lượng khi mà vừa có thêm 16 tỉ USD mặt hàng nhập khẩu khác của Trung Quốc bị Washington đặt mức thuế 25%.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ đậu nành nhiều nhất thế giới, 90% nhu cầu của nước này phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Các sản phẩm đậu nhập khẩu từ Mỹ đáp ứng đến 30% nhu cầu của Trung Quốc. Giờ đây, với hậu quả của việc “ăn miếng trả miếng”, Trung Quốc phải săn lùng một nguồn cung cấp khác.
Brazil hiện là nhà cung cấp đậu nành chính của Trung Quốc, nhưng năng suất của nước này không đủ để bù đắp cho sự cắt giảm nhập khẩu từ Mỹ. Lúc này, Nga và các nước Trung Á trở thành ứng cử viên sáng giá. Cả hai đều là một sự lựa chọn đầy thu hút, với “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của Trung Quốc giúp giảm thời gian vận chuyển hàng hóa xuyên Á – Âu.
Xuất khẩu đậu nành của Nga đến Trung Quốc đạt mức 850.000 tấn từ 7/2017, tăng 2,5 lần so với một năm trước.
Trung Quốc cũng phụ thuộc vào nhập khẩu đậu nành và lúa mỳ từ Kazakhstan. Bộ Nông nghiệp Kazakhstan muốn đẩy mạnh xuất khẩu lúa mỳ sang Trung Quốc, hướng đến mục tiêu 1 triệu tấn vào năm 2020, gần gấp ba lần so với năm 2016.
Tháng 6, Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev đã hội đạm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, hai bên đồng ý mở rộng các mối quan hệ về giao thông vận tải, nông nghiệp và các khu vực khác.
Đối với đợt thuế quan thứ hai của Mỹ nhắm vào 16 tỉ USD hàng hóa, Bắc Kinh vẫn chưa quyết định trả đũa như thế nào, nhưng hiện đang cân nhắc trả đũa lên dầu thô và các mặt hàng năng lượng khác.
Tới dầu mỏ...
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu dầu thô lớn thứ hai của Mỹ, sau Canada. Trong ba tháng đầu năm 2018, lượng nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ Mỹ đã tăng gấp đôi so với một năm trước, lên đến 350.000 thùng/ ngày.
Tuy nhiên, Mỹ cũng chỉ cung cấp 3,5% tổng sản lượng dầu Trung Quốc nhập khẩu, trong khi đó lượng dầu này chiếm tới 20% tổng sản lượng xuất khẩu của Mỹ. Thuế quan của Trung Quốc có thể kìm hãm nền công nghiệp xuất khẩu dầu của Mỹ trong lúc Mỹ đang muốn mở rộng ngành này.
“Khi Trung Quốc có thể nhập dầu thô từ các nguồn cung khác, thật khó để Mỹ có thể tìm được thị trường thay thế nào lớn như Trung Quốc”, theo nhận xét của Công ty Nghiên cứu Wood Mackenzie (Anh).
Nhiều chuyên gia dự đoán Trung Quốc sẽ chuyển sang nhập khẩu dầu thô trung bình từ Angola và các quốc gia Trung Đông, dầu thô nhẹ từ Nigeria.
Nga cũng có thể đưa các chuyên gia dầu mỏ sang Trung Quốc. Vào tháng 11/2017, Nga đã hoàn thiện đường ống Đông Syberia – Thái Bình Dương, đường ống này có thể vận chuyển trực tiếp dầu thô từ Đông Syberia tới vùng Đông Bắc Trung Quốc. Dự án này đã tăng gấp đôi lượng dầu Nga có thể xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua ống dẫn dầu, lên đến 30 triệu tấn / năm.
Ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại lên nhập khẩu dầu mỏ Trung Quốc là “vô hại” đối với thị trường thế giới, vì Trung Quốc có thể dễ dàng nhập khẩu dầu từ các quốc gia khác, theo Tsuyoshi Ueno, nhà kinh tế học cao cấp tại Viện Nghiên cứu NLI, Nhật Bản. Nhưng nó sẽ đẩy giá dầu ngọt nhẹ WTI xuống thấp, bằng việc gây ra một tình trạng dư thừa dầu trên thị trường Mỹ.
Sự đối đầu giữa Mỹ - Trung này cũng có thể ảnh hưởng đến thị trường khí dầu mỏ hóa lỏng, ví dụ như prôpan (khí đốt), thị trường này hiện đang tăng trưởng tại Mỹ nhờ cuộc cách mạng khí đốt đá phiến. Mỹ cung cấp khoảng một phần tư lượng khí đốt nhập khẩu của Trung Quốc, một con số chắc chắn sẽ sụt giảm khi Bắc Kinh nhắm tới khí đốt để áp thuế quan.
Các doanh nghiệp của Trung Quốc cũng đã bắt đầu phản ứng. Theo một nguồn tin trong ngành công nghiệp này, các nhà nhập khẩu Trung Quốc đang tìm cách chuyển hướng nhập khẩu khí đốt từ Trung Đông thay cho Mỹ.
Trung Quốc có vẻ kiên quyết không chịu lùi bước khi đối đầu với Mỹ, nhưng danh sách các mặt hàng bị Trung Quốc áp thuế quan để trả đũa cho thấy nước này đang rất cẩn trọng cân nhắc các lựa chọn của mình. Trong khi dầu thô và khí thiên nhiên nằm trong danh sách này, khí thiên nhiên hóa lỏng lại không bị đưa vào, vì nó rất quan trọng trong chính sách thay thế than để chống ô nhiễm môi trường của nước này. Áp mức thuế quan cao lên khí thiên nhiên hóa lỏng có thể kích hoạt một đợt lạm phát.
Cuối cùng, cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tạo áp lực cho rất nhiều các mặt hàng của Mỹ. Nhưng trong khi Bắc Kinh vẫn đang cố gắng phục hồi sau thất bại trong việc đảm bảo một đường ống dẫn khí vào mùa đông năm ngoái, khí ga thiên nhiên hóa lỏng xuất khẩu từ Mỹ vẫn được an toàn, ít nhất là trong thời điểm này.
Bá Ước / Bhipcaudautu.vn
Nguồn Nikkei