Ngành thép Việt bị động bởi thách thức từ thị trường trong nước và làn sóng phòng vệ thương mại, theo ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và những điều tồi tệ được dự báo
- Cập nhật : 22/07/2018
Những phát súng đầu tiên trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã được bắn ra, nhưng chưa tạo nhiều tiếng vang trên các thị trường tài chính. Tuy nhiên, sự bình tĩnh có thể không kéo dài lâu.
Trong vài tháng, các thị trường tài chính toàn cầu đã chuẩn bị tâm thế cho cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhờ các thông báo từ Tổng thống Mỹ Donald Trump với việc đe dọa áp dụng hàng rào thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Bởi vậy, khi Mỹ chính thức áp thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa từ Đại lục vào thứ Sáu (6/7) và Trung Quốc đáp trả ngay sau đó, các nhà đầu tư không lấy làm bất ngờ. Tuy nhiên, diễn biến về sau mới là bài toán khó đối với các thành viên thị trường, cũng như những chuyên gia kinh tế hàng đầu.
Hiệu ứng khiêm tốn
Các nhà kinh tế cảm thấy rằng, họ có thể hiểu rõ những tác động trực tiếp từ việc áp dụng hàng rào thuế cao hơn. Thuế tăng nâng cao giá của các hàng hóa nhập khẩu, bơm phồng chi phí của hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp có thể hấp thụ các phí tổn này, hoặc chuyển một phần/toàn bộ sang khách hàng. Cuối cùng, giá cả giá tăng, nhu cầu sụt giảm.
Sau bước đi đầu tiên, hiện tại, chính phủ Mỹ đang xem xét bước đi tiếp theo với 16 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Nếu Mỹ dừng ở mức đánh thuế với 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu, và Trung Quốc làm điều tương ứng, diễn biến này sẽ có tác động khiêm tốn tới nền kinh tế của cả 2 nước. Đây là kết quả đưa ra từ dự án khảo sát các chuyên gia kinh tế của Bloomberg Economics.
Khi đó, đây chỉ là cuộc chiến “vặt vãnh”: cả 2 nền kinh tế có cảm nhận được căng thẳng, nhưng không cao, trong khi các thị trường tài chính có “rung động” nhưng không bị phá vỡ.
Bùng nổ tác động
Trong tuần trước, ông Trump cho biết có thể mở rộng chính sách đánh thuế với hơn 500 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, tương đương toàn bộ lượng hàng được mua về từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong trường hợp này, các nhà kinh tế cho biết, họ không thể đo lường đầy đủ các tác động gián tiếp sẽ xuất hiện khi cuộc chiến leo thang. Tuy nhiên, có những điều chắc chắn đã được dự báo trước. Cụ thể, chịu tổn thương lớn nhất và trước nhất là thị trường chứng khoán với việc giá cổ phiếu lao dốc, khối tài sản của những doanh nhân giàu có đi xuống. Sau đó, diễn biến căng thẳng thương mại giữa 2 nước có thể tác động giảm 0,4% tăng trưởng GDP của Mỹ.
Đối với Trung Quốc, thị trường chứng khoán và tiền tệ của quốc gia này vốn đã trong trạng thái bị thiệt hại bởi mối lo ngại về cuộc chiến Mỹ - Trung. Chỉ số Shanghai Composite đang trong chuỗi giảm dài nhất 6 năm qua, trong khi đồng nhân dân tệ vừa có quý giảm giá mạnh nhất kể từ năm 1994. Sắp tới, nhiều khả năng các nhà chính sách cần phải can thiệp nhằm ổn định đồng nhân dân tệ.
Bên cạnh đó, sự tự tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp vẫn là “nhân tố bí ẩn”. “Rủi ro gia tăng khi chúng ta chứng kiến nhiều doanh nghiệp phản ứng tiêu cực hơn bằng cách thu hẹp hoạt động đầu tư”, Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng tại Oxford Economics nhận định.
Ở quy mô lớn hơn, Atsi Sheth, Giám đốc Moody’s Investors Service cho rằng, khó có thể đo lường các tác động mà cuộc chiến thương mại gây ra với nền kinh tế toàn cầu.
“Chúng ta chưa có cuộc chiến thực sự nào trong ít nhất 50 năm qua. Do đó, không có nhiều dữ liệu được tập hợp từ quá khứ để có thể đưa ra chỉ dấu cho tương lai”, Sheth nói.
Đổ vỡ mối quan hệ
Hiện tại, Trung Quốc đang tránh né chuyện đi đầu. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết: “Theo quan điểm của chúng tôi, chiến tranh thương mại chưa bao giờ là giải pháp. Nó không có lợi cho ai”.
Theo Gene Ma, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc tại Viện Tài chính quốc tế, phản ứng từ Bắc Kinh đã có sự kiềm chế. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới muốn gói gọn mọi chuyện vào vấn đề kinh tế, thay vì để chính trị liên quan.
Tuy nhiên, mọi chuyện có thể thay đổi, nhất là khi Tổng thống Trump liên tiếp có những cáo buộc Trung Quốc giao thương không công bằng và “ăn cắp” tài sản trí tuệ của nước Mỹ. Nếu ông Trump không dịu đi, Đại lục có thể phải sử dụng đến nhiều biện pháp “mạnh tay” hơn như sử dụng nhân dân tệ làm vũ khí, bóp nghẹt doanh nghiệp Mỹ.
“Những cơn gió ngược chiều càng thổi mạnh dần lên, thì mọi chuyện càng khó để tháo gỡ. Dù trong ngắn hạn, các tác động từ việc áp thuế lên hàng hóa là chưa đáng ngại, nhưng hệ quả tích lũy sẽ rất lớn”, Bill Reinsch, cố vấn cao cấp Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế nhận định.
(Theo Tinnhanhchungkhoan.vn)