Giá dầu giảm đang khiến các nước xuất khẩu dầu mỏ, trong đó có Saudi Arabia, mất đi một lượng doanh thu lớn. OPEC đang đứng trước nguy cơ phải cắt giảm sản lượng và để mất thị phần.
Cơ hội của doanh nghiệp vừa và nhỏ trước các FTA
- Cập nhật : 26/08/2015
(Tin kinh te)
Chấp nhận cuộc chơi sòng phẳng, nâng cao năng lực cạnh tranh là yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng hội nhập khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) được kí kết.
Ngày 25/8 tại Đà Nẵng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội nghị bàn về một số vấn đề cải cách thể chế, hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh mới.
Trong khi ASEAN cố gắng hoàn thành mục tiêu thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015, thì Việt Nam cũng đang nỗ lực tham gia vào các hiệp định thương mại mới như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA. Những động thái này sẽ đem đến cho các DN Việt Nam những cơ hội mới để mở rộng thị trường và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Do đó, các DN Việt Nam, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ (DNVVN) cần có biện pháp chuẩn bị trước tác động của môi trường kinh doanh toàn cầu mới và cũng để tăng cường khả năng cạnh tranh của DN trong thương mại quốc tế thông qua các công nghệ trực tuyến như thương mại điện tử.
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, việc mở cửa giúp Việt Nam tiếp cận các thị trường lớn trên thế giới mà Việt Nam có lợi thế ở các ngành dệt may, giày dép, thủy sản…
Tất cả những điều kiện thuận lợi đó, chúng ta chỉ có thể tận dụng tốt nếu như có sự chuẩn bị tích cực từ phía DN và sự cải cách thể chế quyết liệt từ phía Chính phủ để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.
Việt Nam có tới 96% DN nhỏ và siêu nhỏ. Trong đó, chỉ có 2% là DN cỡ vừa. Đây là điều phi lý khi việc mở cửa thị trường cần những DN cỡ lớn và cỡ vừa liên kết theo chuỗi, theo mạng để kết nối nền kinh tế Việt Nam và nền kinh tế toàn cầu khi tham gia các hiệp định.
Trước hiện trạng đó, ông Lộc nhấn mạnh, VCCI đã và đang xúc tiến nhiều chương trình hỗ trợ nhằm giúp DNVVN đáp ứng yêu cầu hội nhập sắp tới. Không thể để DNVVN tự bơi được.
Hiện nay, chưa thể xác định chính xác lúc nào TPP kết thúc đàm phán và ký kết. Nhưng ông Lộc hy vọng Hiệp định sẽ được kí vào tháng 9/2015. Trong khi đó, AEC đến cuối năm nay cũng sẽ hình thành và FTAEU cũng đã hoàn tất. Trước những hiệp định sắp được kí kết, DN Việt đang đứng trước ngưỡng cửa của các cuộc hội nhập lớn.
Trước vấn đề trên, các đại biểu tại hội nghị cùng trao đổi những khó khăn trước cơ hội hội nhập lớn này. Qua đó, DN cần phải chuẩn bị tâm thế, chấp nhận một cuộc chơi sòng phẳng đối với các đối tác trong-ngoài nước. Do đó, nâng cao năng lực cạnh tranh là yếu tố cốt lõi.
Theo ông Lộc, VCCI sẽ phổ biến thông tin về hội nhập cho DN cũng như tác động của mở cửa thị trường đối với từng ngành đến lĩnh vực của chính mình.
Qua đó, lên kế hoạch sản xuất kinh doanh phải đặt trong chuỗi, trong thế liên kết, chứ không thể “chiến tranh du kích”. Theo ông Lộc, “chiến tranh du kích” là thua trong hội nhập.
DN cần triển khai hành động ngay các kế hoạch tổ chức sản xuất kinh doanh, trước khi các hiệp định có hiệu lực; tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại nguồn cung ứng nguyên liệu để đảm bảo nội địa hóa, nội khối, đáp ứng yêu cầu giảm thuế quan cũng như vượt qua rào cản kĩ thuật khác.
Chấp nhận cuộc chơi sòng phẳng, nâng cao năng lực cạnh tranh là yếu tố cốt lõi giúp DN Việt Nam dễ dàng hội nhập khi các hiệp định được kí kết.