Từ năm 2015, Hiệp định thương mại tự do hàng hóa ASEAN (Hiệp định ATIGA) bước vào giai đoạn cắt giảm và xóa bỏ sâu các dòng thuế theo nguyên tắc đã được các bên ký kết. Vậy Việt Nam sẽ phải làm gì để đón đầu cơ hội này? Bài viết sẽ giúp trả lời câu hỏi trên.
TPP là điều kiện tốt để cơ cấu lại thị trường
- Cập nhật : 01/09/2015
(Tin kinh te)
Các thành viên tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Singapore, Mexico, Australia, Malaysia, Chile, Peru, New Zealand, Brunei và Việt Nam.
TPP thuộc thế hệ thứ 3, với mức độ sâu, rộng hơn trong các lĩnh vực như cắt giảm thuế suất, tăng mức độ mở cửa của dịch vụ, tăng cường đầu tư nước ngoài, bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ, tăng yêu cầu về vệ sinh dịch tễ và rào cản kỹ thuật, tăng cường minh bạch trong cạnh tranh, các vấn đề về lao động và các vấn đề phi thị trường khác.
Kim ngạch xuất khẩu năm 2014 của Việt Nam vào TPP đạt 58,4 tỷ USD, chiếm 38,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đó là tỷ trọng khá cao. Trong tổng số 23 thị trường đạt từ 1 tỷ USD trở lên, thì TPP có 7 thị trường, lớn nhất là Hoa Kỳ (28,66 tỷ USD), tiếp đến là Nhật Bản (14,7 tỷ USD), Australia (3,99 tỷ USD), Malaysia (3,93 tỷ USD), Canada (2,08 tỷ USD), Mexico (1,04 tỷ USD).
Trong 6 tháng năm 2015, xuất khẩu vào TPP đạt 29,8 tỷ USD, chiếm 38,3% tổng số. Mới qua nửa năm đã có 6 thị trường đạt trên 1 tỷ USD (Hoa Kỳ 15,7 tỷ USD, Nhật Bản 6,7 tỷ USD, Malaysia 1,7 tỷ USD, Singapore 1,66 tỷ USD, Australia 1,55 tỷ USD, Canada 1,13 tỷ USD).
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào TPP năm 2014 mới chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch nhập khẩu của các nước này, trong đó có 5 thị trường đạt trên 1% (Malaysia, Nhật Bản, Australia, Brunei). Điều đó cho thấy, TPP là thị trường còn nhiều tiềm năng.
Trong quan hệ buôn bán hàng hoá với TPP, Việt Nam ở vị thế xuất siêu lớn (năm 2014 xuất siêu tới 24,12 tỷ USD; 6 tháng 2015 xuất siêu 11,23 tỷ USD). Trong 6 tháng đầu năm 2015, Việt Nam xuất siêu sang 7 thị trường (Hoa Kỳ 11,9 tỷ USD, Canada 0,93 tỷ USD, Mexico 0,47 tỷ USD, Australia 0,63 tỷ USD, Chile 0,16 tỷ USD, Brunei 0,01 tỷ USD, Peru 0,1 tỷ USD) và nhập siêu với 4 thị trường (Singapore 1,99 tỷ USD, Nhật Bản 0,6 tỷ USD, Malaysia 0,32 tỷ USD, New Zealand 0,06 tỷ USD). Khả năng cả năm, Việt Nam xuất siêu vào TPP khoảng 24,3 tỷ USD (trong đó riêng Hoa Kỳ có thể cán mốc 26,5 tỷ USD).
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký của những dự án còn hiệu lực của các thành viên TPP vào Việt Nam tính từ năm 1988 đến nay đạt 100,5 tỷ USD, chiếm 39,1% tổng lượng vốn FDI vào Việt Nam. Đây là một trong những yếu tố góp phần đưa tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam vào TPP đạt tỷ trọng cao như đã nêu ở trên. Trong các thành viên TPP đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, đứng đầu là Nhật Bản (37,61 tỷ USD), tiếp đến là Singapore (33,10 tỷ USD), Hoa Kỳ (11,07 tỷ USD), Malaysia (10,80 tỷ USD), Canada 5 tỷ USD... Trong 22 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI vào Việt Nam đạt trên 1 tỷ USD, thì TPP có 7.
Khách quốc tế từ các nước thành viên TPP chiếm 26,5% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2014. Đông nhất là du khách đến từ Nhật Bản, tiếp đến là Hoa Kỳ, Malaysia, Australia, Singapore. Trong 6 tháng năm 2015, lượng khách quốc tế từ TPP đến Việt Nam chiếm tỷ trọng 28,5%. Dự báo cả năm 2015 sẽ có khoảng 2,1 triệu lượt khách từ TPP đến Việt Nam.
Cơ hội rõ nhất là xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng cao hơn, khi có đến 90% dòng thuế nhập khẩu sẽ được hạ về mức 0%. Đây là điều kiện để Việt Nam cơ cấu lại thị trường nhập khẩu, cân bằng được quan hệ thương mại với các thị trường khác, nhất là với các thị trường châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan.
Để tận dụng cơ hội, cần nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển công nghiệp hỗ trợ, bởi theo quy tắc “xuất xứ”, xuất khẩu vào các thành viên TPP, muốn được hưởng thuế suất thấp, phải có nguyên liệu tự sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ các thành viên TPP.
Một cơ hội quan trọng khác là vốn FDI của các nước thành viên TPP vào Việt Nam sẽ gia tăng để tận dụng cơ hội hưởng thuế suất xuất khẩu thấp vào TPP. Do vậy, cần tập trung hơn đối với các thành viên của TPP, nhất là những nền kinh tế có kỹ thuật - công nghệ nguồn để có sức cạnh tranh lâu dài với hàng nhập khẩu cũng như xuất khẩu.
Tham gia TPP tạo nhiều cơ hội cho Việt Nam, song nó cũng đòi hỏi nước ta phải tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao tính thị trường, đẩy mạnh công cuộc tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, đổi mới thể chế.
Thách thức lớn nhất và dễ thấy nhất là sức ép cạnh tranh khi thuế suất nhập khẩu từ TPP hạ về 0%. Những ngành sản xuất chịu nhiều sức ép cạnh tranh do giảm thuế suất thuế nhập khẩu về 0% là ô tô, thịt lợn, thịt bò và đường; những ngành thực phẩm chế biến, rượu và hoá phẩm tiêu dùng; những mặt hàng còn được bảo hộ cao như muối, lá thuốc lá, trứng gia cầm, thép, giấy… Các ngành dịch vụ chịu sức ép cạnh tranh lớn là ngân hàng, thương mại bán lẻ, viễn thông, vận tải, bảo hiểm, tài chính với nước ngoài.
Một thách thức quan trọng khác là nguồn thu thuế nhập khẩu giảm sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước.