Giữa năm 2016, Tập đoàn KIDO, trước kia là Kinh Đô đã bán nốt 20% cổ phần còn lại cho đối tác ngoại, chính thức chấm dứt 23 năm nổi đình nổi đám của một thương hiệu bánh kẹo Việt.
Hiệp định ATIGA: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam
- Cập nhật : 01/09/2015
(Thuong mai)
Từ năm 2015, Hiệp định thương mại tự do hàng hóa ASEAN (Hiệp định ATIGA) bước vào giai đoạn cắt giảm và xóa bỏ sâu các dòng thuế theo nguyên tắc đã được các bên ký kết. Vậy Việt Nam sẽ phải làm gì để đón đầu cơ hội này? Bài viết sẽ giúp trả lời câu hỏi trên.
Cắt giảm, xóa bỏ sâu các dòng thuế
Theo lộ trình cắt giảm thuế quan của Hiệp định thương mại tự do hàng hóa ASEAN (Hiệp định ATIGA), đến cuối năm 2014, Việt Nam đã cắt giảm 6.859 dòng thuế (chiếm 72% tổng Biểu thuế xuất nhập khẩu) xuống 0%. Nối tiếp nỗ lực trên, từ ngày 1/1/2015, Việt Nam điều chỉnh thêm 1.720 dòng thuế (khoảng 18% tổng số dòng thuế) xuống 0%. Số còn lại (bao gồm 687 dòng thuế, chiếm 7% biểu thuế) sẽ điều chỉnh xuống 0% vào năm 2018, chủ yếu là các mặt hàng nhạy cảm như ôtô, xe máy, phụ tùng linh kiện ôtô-xe máy, sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa, dầu thực vật, hoa quả nhiệt đới, tủ lạnh, máy điều hòa, bánh kẹo, thức ăn gia súc, sản phẩm nhựa, phôi thép, lốp ôtô, vô tuyến, tàu thuyền. Như vậy, ngoại trừ xăng dầu và 7% dòng thuế thuộc danh mục hàng hóa nhạy cảm có thời gian bảo hộ dài, thì những mặt hàng đang còn chịu thuế được đưa về mức thuế suất 0% kể từ 1/1/2015, cho hàng hóa nhập khẩu từ các nước ASEAN.
Hiệp định ATIGA đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 17/5/2010 khi Thái Lan, nước thành viên cuối cùng của ASEAN nộp văn kiện phê chuẩn Hiệp định ATIGA cho Ban Thư ký ASEAN. Hiệp định ATIGA là hiệp định toàn diện đầu tiên của ASEAN điều chỉnh toàn bộ thương mại hàng hóa trong nội khối và được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các cam kết đã được thống nhất trong Hiệp định về Khu vực Thương mại tự do ASEAN (CEPT/AFTA) cùng các hiệp định, nghị định thư có liên quan. Theo Hiệp định ATIGA, các nước trong khối ASEAN sẽ xóa bỏ thuế quan đối với phần lớn các mặt hàng, trừ nông sản chưa chế biến đưa về 0-5%. Đối với nhóm 4 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam, thuế suất được đưa về 0-5% đối với các mặt hàng thuộc danh mục cắt giảm từ 1/1/2009 và sẽ đưa về 0% từ 1/1/2015. Hiệp định cũng quy định rõ số dòng thuế được lùi thời hạn xóa bỏ thuế quan đến 2018 với 4 nhóm nước (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam); đồng thời, cho phép tạm dừng hoặc điều chỉnh cam kết thực hiện nghĩa vụ cắt giảm, xóa bỏ thuế quan giữa các nước trong khối ASEAN. Phạm vi toàn diện của hiệp định ATIGA sẽ góp phần làm minh bạch quá trình tự do hóa thương mại của khu vực. Toàn bộ các cam kết về thương mại hàng hóa nội khối đã được tổng hợp trong Hiệp định. Các cơ quan quản lý hàng hóa nhập khẩu như hải quan, kiểm dịch động vật và y tế sẽ cùng phối hợp hoạt động nhằm đảm bảo cho việc thông quan tại các cửa khẩu được nhanh chóng và thuận lợi hơn; góp phần vào thiết lập thị trường và cơ sở sản xuất đồng nhất để xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 cũng như góp phần thúc đẩy thương mại nội khối thông qua việc đơn giản hóa các thủ tục; giảm bớt thời gian và chi phí kinh doanh, từ đó làm tăng lợi nhuận cho khối doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng.
Việt Nam cần làm gì?
Với trên 600 triệu người tiêu dùng, tổng GDP trên 1.300 tỷ USD, ASEAN được xem là khu vực phát triển năng động nhất thế giới và là một trong 4 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Cùng với quá trình hội nhập, việc giảm thuế sẽ tạo thuận lợi cho Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang các nước ASEAN. Tự do hóa thương mại trong ATIGA đã đem đến nhiều cơ hội cho các DN trong nước nhập khẩu nguồn nguyên liệu phong phú với giá cả rẻ hơn, nguồn thiết bị máy móc chất lượng tốt hơn so với hàng hóa sản xuất trong nước. Các sản phẩm nông sản đặc trưng của Việt Nam (gạo, cao su, càphê...) cũng sẽ có nhiều cơ hội được xuất khẩu ra các nước trong khu vực. Theo số liệu tổng kết của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu nông sản cả nước năm 2014 đạt 30,86 tỷ USD. Trong đó có 10 mặt hàng nông lâm sản đạt kim ngạch xuất khẩu lớn từ trên 1 tỷ USD cho tới 6 tỷ USD. Riêng giá trị tôm xuất khẩu trong năm 2014 đạt tới 4 tỷ USD và trở thành mặt hàng có giá trị chiếm 50% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản của năm 2014...
Cơ hội nhiều nhưng thách thức đặt ra cho Việt Nam cũng không ít, mấu chốt là hiện nay phần lớn các DN xuất khẩu nông sản Việt Nam đều hướng tới sản phẩm thô; bản thân các DN lại không chủ động được thị trường. Các dòng thuế quan được gỡ bỏ vừa là lực đẩy khiến nhiều sản phẩm của Việt Nam vươn xa, nhưng cũng là lực hút đối với hàng hóa nước ngoài. Theo cam kết đến năm 2018 sẽ có tới 90% dòng sản phẩm nhập khẩu thuế suất bằng 0%, các sản phẩm công nghiệp hóa mới của Việt Nam sẽ khó có thể cạnh tranh nổi. Thậm chí cả những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như nông sản và hàng tiêu dùng cũng có nguy cơ mất chỗ đứng, khi phải cạnh tranh với các mặt hàng của Thái Lan, Campuchia. Theo các chuyên gia kinh tế, các DN Việt Nam đang thiếu sự chuẩn bị cần thiết cho hội nhập vào khu vực ASEAN. Sự chú ý đang tập trung nhiều hơn tới Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU bởi lợi ích từ việc gia tăng giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, hai hiệp định được cho là FTA thế hệ mới này vẫn chưa được ký kết và nếu muốn các FTA đi vào hiệu lực, Việt Nam sẽ phải chờ từ 3-5 năm nữa. Trong khi đó, AEC sẽ hình thành vào cuối năm 2015 với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, nếu các DN không chủ động thì sẽ đối diện với rất nhiều khó khăn, thậm chí là thua ngay trên “sân nhà”.
Để ứng phó với tình hình này, giới chuyên gia cho rằng, DN cần xây dựng các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu như kê khai nguồn gốc, kiểm soát chất lượng, giấy chứng nhận… để tự phòng vệ cho chính mình. Quan trọng hơn, cần có sự chuẩn bị chu đáo nhằm cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu có mức giá ngày càng giảm. Bởi vì, việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tính chất tự do hóa kinh doanh thị trường sẽ đậm nét hơn, hàng rào kỹ thuật càng trở nên đa dạng, phức tạp hơn, cao hơn đối với các DN và hàng xuất khẩu Việt Nam.
Đối với thị trường trong nước, DN cần giữ thị phần thật tốt bằng giải pháp nâng cao chất lượng mẫu mã, chất lượng tiện ích, dịch vụ sau bán hàng… cũng như tìm thị trường ngách để đầu tư phát triển. Khảo sát cho thấy, các DN Thái Lan đã và đang tận dụng rất tốt cơ hội từ lưu thông hàng hóa, do việc cắt giảm thuế quan theo Hiệp định ATIGA. Họ đã chủ động trong việc tìm hiểu các thị trường khu vực, chuẩn bị đón đầu cơ hội bằng những lợi thế về sản phẩm hàng hóa, cơ sở hạ tầng và cả nguồn nhân lực. Đây có thể là điều mà các DN Việt Nam cần học hỏi, thị trường toàn cầu rộng lớn nhưng thị trường khu vực cũng rất đáng được quan tâm.
Tóm lại, khi thực hiện lộ trình cắt giảm sâu thuế quan (mở cửa gần như hoàn toàn cho hàng nhập khẩu từ ASEAN), sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Do vậy, DN Việt Nam cần có sự chuẩn bị chu đáo về mặt thông tin và xây dựng chiến lược kinh doanh, tận dụng tối ưu những thuận lợi, để nâng cao sức cạnh tranh với các DN đến từ các quốc gia thuộc khối ASEAN.