tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Đại gia châm ngòi 'cuộc chiến' bán lẻ

  • Cập nhật : 09/06/2017

Thị trường bán lẻ nội địa đang “dậy sóng” khi gã khổng lồ 7-Eleven (Nhật) tuyên bố khai trương vào ngày 15/6 tới đây tại TP.HCM.

khach hang mua sam tai vinmart cong hoa. anh: doc lap.

Khách hàng mua sắm tại Vinmart Cộng Hòa. Ảnh: Độc Lập.

 

Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng thị trường bán lẻ trong nước đã đến giai đoạn bão hòa, đặc biệt khi một số tên tuổi lớn phải rút lui. Nhưng sự xuất hiện của "đại gia" được coi là mạnh nhất trong ngành bán lẻ toàn cầu 7-Eleven đã "hun nóng" cuộc chiến trên thị trường bán lẻ nội địa.

Đây là chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn thứ 3 của Nhật có mặt tại thị trường Việt Nam, theo thỏa thuận nhượng quyền thương mại qua Công ty Seven System Việt Nam (chủ chuỗi cửa hàng Pizza Hut tại Việt Nam), sau MiniStop và Family Mart. 7-Eleven hiện có 62.000 cửa hàng trên thế giới và Việt Nam là thị trường thứ 19 của tập đoàn này.

Đào thải khốc liệt

Thị trường bán lẻ Việt đang được ví von như “cục nam châm” hấp lực nhà đầu tư ngoại bởi tăng trưởng kinh tế cao, dân số trẻ với hơn 90 triệu người. Nhưng thực tế, miếng ngon này không dễ ăn khi một loạt "đại gia" tên tuổi của thế giới đã phải rút lui. Năm 2016, Tập đoàn bán lẻ Pháp Casino - đơn vị sở hữu thương hiệu BigC, sau 18 năm có mặt đã chính thức rời Việt Nam, bán toàn bộ hệ thống này cho Tập đoàn Central Group của Thái Lan.

Trước đó, tập đoàn bán lẻ của Đức cũng bán chuỗi siêu thị Metro Việt Nam cho nhà đầu tư Thái. Cũng trong năm 2016, Trung tâm thương mại Parkson (Tập đoàn Lion - Malaysia) sau 12 năm kinh doanh tại Việt Nam đã liên tục đóng bớt một số trung tâm tại Hà Nội và TP.HCM. Ngoài sự ra đi của nhà bán lẻ đến từ Pháp, Đức và Malaysia... nhiều siêu thị trong nước cũng sa vào cảnh hoặc âm thầm rời khỏi cuộc chơi hoặc thay tên đổi chủ như Nguyễn Kim rơi vào tay Central Group; Maximart và Vinatex Mart cũng bán lại cho VinMart...

Ngay cả những thương hiệu đang mở rộng với tốc độ cực nhanh như B’smart, Circle K hay Vinmart+ đều phải chịu quá trình sàng lọc khắt khe. Chỉ trong vòng mấy tháng đầu năm nay, không khó để nhận thấy, rải rác chỗ nọ chỗ kia có những cửa hàng tiện lợi của các thương hiệu này đóng cửa do không đạt kế hoạch doanh thu. Quản lý một cửa hàng tiện lợi cho biết cứ 6 tháng - 1 năm hệ thống lại sàng lọc, điểm nào không hiệu quả thì đóng cửa. "Nhưng điều này không ảnh hưởng đến chiến lược mở rộng chung của hệ thống", vị này nói. Đó là sự thật. Cuộc cạnh tranh trên thị trường bán lẻ chưa bao giờ khốc liệt như hiện nay và nếu không có những bước chân hay bước cắt lỗ mạnh dạn, rất khó để trụ lại.

Về quy mô, hiện Vinmart+ đang dẫn đầu với gần 1.000 cửa hàng, B’smart có hơn 150 cửa hàng, Circle K có gần 250 cửa hàng, Family Mart và MiniStop đều đang có kế hoạch mở hơn 800 cửa hàng nhượng quyền vào năm 2020 tại Việt Nam... Còn ở mảng siêu thị, ngoài các thương hiệu đã có tên tuổi trong nước như VinMart, Saigon Co.op, Hapro... Aeon (Nhật) là một trong những ông lớn bán lẻ ngoại đang tích cực mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Aeon hiện đã mở 5 trung tâm bán lẻ lớn tại Việt Nam, Lotte Mart tuyên bố mở 60 siêu thị đến năm 2020, Auchan (Pháp) vào Việt Nam từ năm 2014 đến nay đã mở được 10 siêu thị... 

Việt Nam ở vị trí thứ 6/30 thị trường bán lẻ lớn thế giới

Theo bảng xếp hạng các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới của A.T.Kearney (Mỹ), Việt Nam đã nhảy 5 bậc so với 5 năm trước, giành vị trí thứ 6/30 thị trường bán lẻ lớn thế giới. Hiện thị trường bán lẻ thực phẩm tại Việt Nam có khoảng 800 đại siêu thị và siêu thị, 150 trung tâm thương mại, 9.000 chợ truyền thống, 2.000 cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini, 1,3 triệu cửa hàng nhỏ lẻ của các hộ gia đình. 

Một chuyên gia mua bán sáp nhập, từng là cố vấn cho 7-Eleven tại các nước phát triển châu Á, nhận định: “7-Eleven là nhà kinh doanh có kinh nghiệm trong bán lẻ tiện lợi, họ vào Việt Nam với kỳ vọng ở chiến lược dài hơi và đặc biệt đã điều nghiên rất kỹ. Dù có đào thải, dù khốc liệt nhưng thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn đầy tiềm năng. Nếu không, Vinmart+ không dại gì mở rộng ồ ạt một cách bình tĩnh và vững chãi vậy”.

Cạnh tranh tiệm tạp hóa

Không chỉ cạnh tranh với nhau, mô hình cửa hàng tiện lợi còn phải đối mặt với sức sống mãnh liệt từ các cửa hiệu tạp hóa truyền thống. Thói quen gạt chân chống, gọi tên món đồ và chủ cửa hàng treo tận xe khiến cho các tiệm tạp hóa trở thành địch thủ đáng gờm đối với bất cứ thương hiệu bán lẻ đình đám nào trên thị trường.

Khảo sát tại TP.HCM cho thấy, rất nhiều người tiêu dùng cho biết họ thấy việc mua bình nước, gói xà phòng, chai nước mắm mà phải gửi xe, xách giỏ, xếp hàng chờ tính tiền trong các cửa hàng tiện lợi rất... bất tiện.

Cô Nguyễn Thị Kim Anh đang dừng mua 2 chai dầu gội và dầu xả tại tiệm tạp hóa trước nhà thờ Hầm (đường Tân Phước, Q.11, TP.HCM) cho biết: “Ngay trên đường tôi đi làm về có đến 3 cửa hàng tiện lợi, nhưng vào mua thấy mất thời gian hơn. Đặc biệt, tại cửa hàng tiện lợi nằm ngay dưới chung cư Thuận Việt (Q.11, TP.HCM) sau tết đến nay không còn bảo vệ trông xe nữa, nên bỏ xe cứ lo, vậy chọn mua ở tiệm tạp hóa cho tiện”.

Theo báo cáo của Công ty Nielsen năm 2016, ước tính cả nước có hơn 1,3 triệu cửa hàng tạp hóa và chiếm đến hơn 85% doanh thu của ngành hàng tiêu dùng nhanh, tương đương doanh số gần 10 tỉ USD. Để tạo được chỗ đứng cho mình, mỗi hệ thống bán lẻ đều tạo ra những chiến lược độc đáo, khác lạ để thu hút người tiêu dùng. Ví dụ Vinmart+ tập trung vào hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả, còn B’smart đưa ra những món ăn sáng nhắm vào đối tượng là học sinh, sinh viên...

Bản thân 7-Eleven ngay khi tuyên bố khai trương cũng chính thức công bố ngoài việc bán những sản phẩm tiêu dùng, còn cung cấp thực đơn thiết kế riêng cho thị trường Việt Nam với gần 100 món hàng tươi sống, trong đó còn cung cấp bữa trưa công sở hằng ngày với hơn 20 món ăn linh hoạt phù hợp với văn hóa ẩm thực của người Việt Nam... Không chỉ khác biệt, thậm chí so kè từng dịch vụ cũng được các nhà kinh doanh đẩy mạnh để cạnh tranh thu hút khách hàng. Siêu thị Emart (Gò Vấp, TP.HCM) mới gia nhập thị trường bán lẻ đã không chỉ cạnh tranh bằng thay đổi hàng mới liên tục, còn đầu tư nguyên khu vực chăm sóc thú cưng cho khách đến siêu thị mua hàng.

Nhận xét về bức tranh thị trường bán lẻ hiện nay, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng sự có mặt của 7-Eleven trước hết sẽ cho người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn. Đồng thời mở ra một cuộc cạnh tranh mới gay gắt hơn. Bởi trên thực tế, thị trường này rất khốc liệt khi đã có nhiều thương hiệu bán lẻ đã phải rời bỏ cuộc chơi.

Đồng thời, với sự xuất hiện thêm một gã khổng lồ này thì những cửa hàng tạp hóa truyền thống, chợ truyền thống... với ưu thế lớn nhất là đáp ứng "thói quen" mua bán cũng cần phải cải thiện những điểm yếu như chất lượng hàng hóa, phong cách bán hàng không chuyên nghiệp để có thể cạnh tranh lại với các cửa hàng tiện lợi. Bởi các cửa hàng tiện lợi hiện nay rất năng động, lại có ưu thế mở cửa 24/24 giờ trong khi cửa hàng tạp hóa, siêu thị hay chợ đều chỉ mở cửa 10 - 12 giờ mỗi ngày.

7-eleven chuan bi khai truong tai tang tret toa nha 37 ton duc thang, q.1. anh: doc lap.

7-Eleven chuẩn bị khai trương tại tầng trệt tòa nhà 37 Tôn Đức Thắng, Q.1. Ảnh: Độc Lập.

Còn theo ông Robert Trần, chuyên gia tư vấn chiến lược, nhiều người dân Việt Nam vẫn có thói quen đi chợ truyền thống để mua hàng tươi sống hơn là vào các cửa hàng tiện lợi, siêu thị. Đây sẽ là thách thức lớn cho những thương hiệu bán lẻ đến sau.

Đồng thời, chi phí mặt bằng tại Việt Nam, nhất là ở thành phố lớn như TP.HCM đã quá cao, trong khi nhà đầu tư phải chấp nhận mất 5 - 6 năm mới huề vốn. Thứ nữa, số lượng cửa hàng tiện lợi phải đạt trên 300 mới có mức lãi ổn định. Thế nên, muốn đầu tư vào cửa hàng tiện lợi, nhà đầu tư phải có trường vốn tốt, cực kỳ tốt mới dám đầu tư. Mở cửa hàng ồ ạt không có nghĩa là có lãi ngay mà các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn. Trong tương lai gần, cạnh tranh của thị trường bán lẻ, kênh cửa hàng tiện lợi sẽ có nhiều cạnh tranh lớn, nếu không chọn sự khác biệt, rất khó thành công.

Theo Báo Thanh Niên

Trở về

Bài cùng chuyên mục