Không chỉ lo giá xuất khẩu vào Trung Quốc giảm, doanh nghiệp (DN) lo nhất là hàng Trung Quốc đã rẻ lại còn rẻ thêm sẽ đổ vào nhiều hơn...
Phá giá nhân dân tệ: Xuất khẩu bớt lo, nội địa khóc ròng?!
- Cập nhật : 14/08/2015
(Tin kinh te)
Các DN xuất khẩu mua nguyên liệu từ Trung Quốc có thể được hưởng lợi từ đồng thái phá giá đồng NDT và việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN. Song với nhà sản xuất nội địa thì đây là đòn giáng khiến cho DN thêm đuối sức.
Xuất khẩu hơn 2 triệu đôi giày mỗi năm sang các thị trường EU và Mỹ, lãnh đạo Công ty Giày Liên Phát tỏ ra yên tâm hơn trước thông tin về nới biên độ tỷ giá hôm nay của NHNN.
Bởi theo bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty Liên Phát, hiện DN này nhập tới gần 70% nguyên liệu từ Trung Quốc. Do đó, khi đồng nhân dân tệ giảm giá sẽ giúp cho giá nguyên liệu nhập khẩu đầu vào giảm, DN sẽ giảm được chi phí giá thành sản xuất.
Xuất khẩu mừng trước, lo sau?
Không những vậy, động thái điều chỉnh tỷ giá lên biên độ cho phép của NHNN trong ngày 12/8 cũng giúp cho hàng xuất khẩu ra các thị trường bán được giá cao hơn, sau một thời gian giá giảm mạnh.
Theo bà Đặng Phương Dung - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), xuất khẩu sang EU bị ảnh hưởng do đồng Euro giảm giá. Do đó, khi tỷ giá điều chỉnh tăng lên biên độ +/- 2%, DN xuất khẩu không những tăng được trị giá trên mỗi đơn hàng, mà còn có điều kiện để tăng lương cho người lao động.
Ông Chu Xuân Ái, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển công nghệ và thương mại Tôn Vinh, cho rằng động thái điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng NHNN giúp cho tình hình trở nên cân bằng hơn và giúp bảo vệ DN Việt Nam khi xuất khẩu.
“Các DN xuất khẩu sẽ có lợi nhiều hơn vì tiền chúng ta thu về là tiền USD, khi chuyển thành tiền Việt sẽ có lợi hơn. Đồng thời, đảm bảo tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam”, ông Ái đánh giá.
Những động thái mới nhất về chính sách tỷ giá đã giúp cho DN xuất khẩu bớt đi nỗi lo khi hàng hóa kém cạnh tranh trên thị trường. Song theo bà Dung, mức phá giá mạnh của đồng NDT cùng biên độ điều chỉnh tỷ giá của NHNN vẫn chưa đủ để nâng sức cạnh tranh cho hàng Việt.
Cũng bởi, khi đồng NDT giảm giá mạnh thì hàng nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc thuận lợi hơn khi vào thị trường nội địa. Trước mắt, DN có thể được lợi, nhưng về lâu dài thì đây sẽ là rào cản khiến cho ngành khó tăng được tỷ lệ nội địa hóa, khi các DN kém mặn mà đầu tư nguyên phụ liệu.
Cân đo bài toán cạnh tranh quốc gia
Còn theo ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Sunhouse, Việt Nam chỉ phá giá 1- 2%, trong khi Trung Quốc hay nhiều nước như Indonesia, Thái Lan, Malaysia… phá giá đồng nội tệ rất mạnh lên tới 20%. Dẫn đến, về lâu dài hàng hóa Việt Nam sẽ kém sức cạnh tranh trên cả thị trường nội địa và xuất khẩu do giá bán cao hơn các nước.
“Đầu vào nhập khẩu giảm không được bao nhiêu. Mà hàng thành phẩm của các nước sẽ tràn vào nhiều, với giá rất rẻ. Đó là lý do làm cho sản phẩm của mình không cạnh tranh, khi mà nhân công, điện nước, dịch vụ phí… vẫn tăng khiến giá hàng hóa tăng”, ông Phú phân tích.
Cùng chung nỗi lo trên, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) bày tỏ sự quan ngại khi lượng nhập khẩu thép từ Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm đang tăng… chóng mặt. Đặc biệt là mặt hàng tôn thép nhập khẩu tới 500.000 tấn, đang “đe dọa” trực tiếp đến các DN sản xuất trong nước.
Do đó, ông Sưa cho rằng khi đồng NDT giảm thì giá thép Trung Quốc nhập khẩu sang thì DN nội địa sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn, tạo thêm áp lực lớn cho DN thép, vốn vừa mới được phục hồi sau giai đoạn khó khăn do tiêu thụ giảm.
Theo đại diện Vitas, bên cạnh chính sách điều chỉnh tỷ giá linh hoạt để hỗ trợ xuất khẩu, cần đảm bảo tính thống nhất trong điều hành. Cũng bởi, chính sách hiện đang không thống nhất, khi vừa muốn tăng xuất khẩu, giảm nhập khẩu. Song với việc giữ đồng tiền nội tệ yếu, cũng đồng nghĩa là khuyến khích nhập khẩu nhiều hơn và khó tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Còn ông Phú thì cho rằng, Nhà nước cần cân đo lại bài toán năng lực cạnh tranh quốc gia, để có chính sách tỷ giá cho phù hợp. Theo đó, cần phân tích tổng thể các yếu tố thuận lợi khó khăn của các ngành hàng chủ lực, các đối thủ cạnh tranh, để từ đó có chính sách điều chỉnh phù hợp để nâng cao năng lực cho hàng nội địa.