Bản chất của ngành gạo Việt Nam là đang đi vào “vết xe đổ” của nhiều ngành công nghiệp như dệt may, da giày. Tức là ngành gạo cũng đang đi gia công cho thế giới khi mà giá trị gia tăng cho người sản xuất chỉ ở mức thấp.
Phá giá Nhân dân tệ tác động thế nào đến hàng nông thủy sản Việt Nam?
- Cập nhật : 14/08/2015
(Tin kinh te)
Việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ gặp khó, sức ép cạnh tranh tăng mạnh từ các nước khác trong đó có Trung Quốc.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến - Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ ảnh hưởng đến xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam khi các nước xuất khẩu thủy sản khác sẽ giảm giá đồng tiền, cạnh tranh trên thị trường thế giới nói chung.
Cũng theo Hòe, sự điều chỉnh trên tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp Việt Nam, ảnh hưởng đến sản lượng và kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy sản sang Trung Quốc vì thị trường Trung Quốc được đánh giá là thị trường còn nhiều tiềm năng đối với doanh nghiệp Việt.
Cụ thể, như mặt hàng xuất khẩu cá tra 6 tháng đầu sang thị trường Trung Quốc đã tăng trưởng đáng kể.
Đáng lưu ý, ông Hòe nhấn mạnh, trong tương lai, các doanh nghiệp thủy sản của Trung Quốc trước đây không xuất khẩu thủy sản có thể sẽ xuất khẩu trở lại và trở thành đối thủ cạnh tranh với các doanh nghiệp của các nước trong đó có doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Trương Đình Hòe, động thái điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước ngày 12/8 đã tạo sự cân bằng để xuất khẩu giảm bớt áp lực do đồng Nhân dân tệ bị phá giá.
Trước khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, VASEP đã từng đưa ra dự báo cho rằng, xuất khẩu thủy sản trong những tháng tiếp theo sẽ khởi sắc hơn khi có kết quả chống bán phá giá mặt hàng tôm ở Hoa Kỳ, đồng thời tại một số thị trường đã có dấu hiệu phục hồi song những tác động gần đây khiến VASEP cho rằng, cần xem xét và tính toán lại.
Hiện tại, hơn 90% doanh nghiệp thủy sản Việt Nam chọn USD là đồng tiền thanh toán cho các đơn hàng xuất khẩu, sự tăng giá của đồng USD so với các đồng tiền khác tại các thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam như châu Âu, Nhật Bản đã ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp thủy sản.
Tương tự mặt hàng thủy sản, cà phê và cao su của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc cũng được dự báo sẽ khó khăn trong thời gian tới đây.
Ông Nguyễn Nam Hải, Giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam cho biết với những hợp đồng thanh toán bằng USD doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc sẽ phải thêm khoảng 2% để chi trả cho một đơn hàng với giá như trước đây.
Các mặt hàng cà phê hòa tan, cà phê rang xay xuất khẩu sang thị trường này sẽ trở nên đắt đỏ hơn và doanh nghiệp nhập khẩu có thể sẽ giảm giá mua, là áp lực lớn cho doanh nghiệp Việt.
Cùng lo ngại, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang Trung Quốc cũng cho biết, xuất khẩu sang Trung Quốc thời gian tới có thể giảm mạnh vì đồng Nhân dân tệ yếu đồng thời cũng kém cạnh tranh so với các nước khác như Thái Lan, Indonesia... là những thị trường cạnh tranh trực tiếp với mặt hàng gạo của Việt Nam.
Báo cáo của Bộ Công thương mới đây cho thấy, xuất khẩu của một số mặt hàng như thủy sản, gạo, cà phê của Việt Nam tính đến tháng 7 vừa qua giảm mạnh, một trong số nguyên nhân được đề cập đến là sự sụt giảm từ thị trường Trung Quốc.
Cụ thể, mặc dù Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2015 với 38,1% thị phần nhưng xuất khẩu gạo sang thị trường này có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2014 (giảm 9,04% về khối lượng và giảm 13,25% về giá trị).
Xuất khẩu thủy sản trong tháng 7 đạt 620 triệu USD, tăng 53 triệu USD so với tháng 6/2015, mức tăng cao nhất kể từ đầu năm nhưng giảm 102 triệu USD so với tháng 7/2014.
Trước đó, vào ngày 11/8, Trung Quốc đã hạ tỷ giá tham chiếu đối với đồng Nhân dân tệ 1,9% và tiếp tục giảm thêm 1,6% vào đầu phiên 12/8.
Cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước cũng thông báo nới rộng biên độ tỷ giá giữa tiền đồng và USD từ mức +/-1% hiện nay lên +/-2%, các ngân hàng trong nước sáng 12/8 cũng đã điều chỉnh mức tỷ giá niêm yết lên 22.100 đồng/USD.